Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 10 năm 2016 | 3:1

Quảng Nam di chuyển Nhà máy thép Việt Pháp

Quang cảnh buổi họp báo

KTNT – Ngày 13/10, Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin nội dung liên quan Dự án đầu tư Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp.

Quang cảnh buổi họp báo

Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp (NMLCTVP) do Công ty Thép Việt Pháp làm chủ dự án, đã được UBND thị xã Điện Bàn cho phép đầu tư vào CCN&DV Thương Tín 1, xã Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam năm 2010, và đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại quyết định số 2368/QĐ-UBND ngày 26/7/2011 và điều chỉnh ĐTM tháng 2/2013.

Trong quá trình hoạt động, các kết quả phân tích đo đạt mẫu khí, bụi tại ống khói của nhà máy do Sở TN&MT phối Công an tỉnh kiểm tra đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển đô thị tại thị xã Điện Bàn xét thấy CCN&DV Thương Tín 1 gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến phát triển KT-XH, môi trường và không được đồng tình của người dân địa phương nên UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với Công ty TNHH Thép Việt Pháp khảo sát lựa chọn địa điểm để di dời nhà máy thép Việt Pháp.

Đến nay, Công ty TNHH Thép Việt Pháp đã được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạch Mỹ, huyện Nam Giang với diện tích 17,3ha.

UBND tỉnh khẳng định: Nhà máy không luyện quặng sắt để sản xuất phôi thép như một số báo phản ánh. Nhà máy sử dụng công nghệ lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu (sắt thép phế liệu) để sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải và tiềng ồn.

TS. Huỳnh Ngọc Thạch, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng cho biết, nước thải phát sinh chủ yếu là nước thải sinh hoạt với khối lượng khoảng 19,5m3/ngày, được xử lý sơ bộ sau đó qua bể kỵ khí có vách ngăn mỏng (Bastaf) đến bể hiếm khí, bể khử trùng và cuối cùng qua bể sinh học (có lót đáy) xử lý đạt quy chuẩn và thải ra môi trường; nước thải sản xuất chủ yếu là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn tái sử dụng lại, không thải ra môi trường.

Đối với nguồn nước thải sản xuất của nhà máy là tuần hoàn không thải ra môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân tại thành phố Đà Nẵng.

UBND tỉnh cũng khẳng định, trong quá trình đầu tư, phát triển KT–XH, tỉnh Quảng Nam xác định không đánh đổi môi trường để tăng trưởng và luôn quan tâm đến các tác động của các dự án đến đời sống nhân dân trong tỉnh và các khu vực lân cận, nhất là khu vực hạ du lưu vực các sông.

                                                                                     Hải Yến

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top