Tranh thủ thời tiết nắng ráo, dưa được giá, nông dân huyện Phú Ninh (Quảng Nam), hối hả ra đồng thu hoạch dưa hấu vụ Đông xuân.
Hiện, các địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn của huyện như Tam Phước, Tam Lộc, thị trấn Phú Thịnh…, không khí thu hoạch dưa hấu khá khẩn trương.
Dưa được tập kết thành đống, chờ thương lái thu mua.
Dưa hấu được thu hái từ sáng sớm, sau đó tập kết thành từng đống dọc hai bên đường, chờ thương lái đến thu mua. Theo đó, đầu vụ, dưa chỉ xấp xỉ 2,5 – 4.000 đồng/kg, nhưng vài ngày gần đây, được thu mua tại ruộng cao nhất 6 – 7.000 đồng/kg.
Với giá hiện tại người dân có lãi khoảng 4 nghìn đồng/kg. Ông Trần Năm, Thị trấn Phú Thịnh, trồng 3,5 sào dưa, trung bình mỗi sào đạt 1,5 tấn, bán giá 6 nghìn đồng/kg, thu về hơn 30 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng khoảng 15 triệu đồng.
Ông cho biết: “Dưa đang mùa thu hoạch, nếu giá ổn định như hiện nay, người trồng sẽ có lãi. Chứ như năm ngoái, giá xuống thấp, không có người mua, bà con lỗ nặng”.
Tại xã Tam Phước, cảnh thu hoạch, thu mua dưa hấu diễn ra tấp nập. Và được chia làm 2 loại, loại 1, giá 6 nghìn đồng/kg, còn lại là dưa nhỏ, giá 2,5 nghìn đồng/kg.
Dưa loại 1 được thu mua xuất khẩu đi Trung Quốc, dưa nhỏ phần lớn tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Bà con hy vọng, giá dưa năm nay sẽ ổn định, vì diện tích gieo trồng ít hơn.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Phú Ninh, diện tích vụ dưa hấu vụ đông xuân 2018 - 2019 khoảng 363ha, ít hơn so vụ đông xuân 2017 – 2018, trên 400ha. Nguyên nhân, do người dân sợ giá dưa xuống thấp, nên chuyển qua trồng lúa, đậu…
Nhờ mạnh dạn trồng 3 sào dưa, nên ông Huỳnh Văn Hòa (thôn Thành Mỹ) dự kiến lãi ròng hơn 10 triệu đồng.
“Nếu dưa được giá như hiện nay thì trồng dưa lãi hơn rất nhiều so trồng lúa, do thời gian trồng dưa ngắn hơn” - ông Hòa chia sẻ.
Nghệ An: Phát hiện thêm nhiều loài sâm quý
Huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An), vừa phát hiện nhiều loại sâm bản địa quý hiếm có trên địa bàn như sâm béo, 7 lá 1 hoa.
Đoàn khảo sát thực tế tại Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Thung khiển. Ảnh: Trọng Hùng
Vừa qua, ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, và đại diện một số ngành liên quan, đã khảo sát thực tế tại khu vực rừng Thung Khiển.
Theo đó, khu vực Trạm Quản lý, bảo vệ rừng Thung Khiển, thuộc địa bàn xã vùng cao Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, hiện có 3.000 ha. Nằm ở độ cao hơn 800m, so mặt nước biển, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho một số cây dược liệu bản địa phát triển.
Qua khảo sát, đoàn đã phát hiện một số cây sâm bản địa mà người địa phương thường gọi là cây sâm béo, sâm thất diệp nhất chi hoa...
Lãnh đạo huyện Tân Kỳ cho biết, sau khi có kết quả phân tích mẫu, huyện sẽ xây dựng mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn
Quảng Trị: Trồng rau màu trên đất bãi ngang
Xã Triệu An, huyện Triệu Phong, là xã bãi ngang ven biển, phần lớn diện tích là đất cát bạc màu. Gần đây, huyện đã mạnh dạn đưa những cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, có sức chống chịu hạn như cây đậu đen xanh lòng, là cây tiềm năng đối với vùng cát.
Anh Lục (giữa), cùng cán bộ xã tại vườn đậu của gia đình
Trước đây, từ mảnh vườn 3 sào, anh Lê Văn Lục, thôn Hà Tây, xã Triệu An chỉ trồng lúa, nhưng do khó khăn nước tưới, đất bạc màu, hiệu quả kinh tế rất thấp.
Nhờ sự hướng dẫn của Trạm Khuyến nông Triệu Phong, anh đã đưa cây đậu đen xanh lòng thay cây lúa. Nhận thấy đây là cây thu nhập ổn định, anh đã chuyển toàn bộ diện tích đất lúa thiếu nước, cây màu khác kém hiệu quả, sang trồng đậu đen.
Mỗi năm, 2 vụ, gần 1 ha thu về 40 - 50 triệu đồng. Anh cho biết: “Đậu đen xanh lòng là cây phù hợp đất bỏ hoang, hoặc kém hiệu quả. Đậu đen xanh long trồng trên đất cát năng suất cao, trái dày, hạt đều, thu lời gấp từ 2 - 3 lần trồng lúa và cây màu khác.
Đầu ra đậu đen xanh lòng rất ổn định, thu hoạch được bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu”.
Tại Triệu An, khi hạn hán diễn ra, sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước, mất mùa. Vì vậy, người dân đưa cây đậu đen xanh lòng vào trồng. Hiện toàn xã có gần 100 hộ tham gia trồng đậu đen xanh lòng. Bình quân mỗi hộ 1- 3 sào.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu An, Dương Văn Dũng, ngoài việc thích nghi đất cát, việc áp dụng tiến bộ kĩ thuật trong chăm sóc, thu hoạch sẽ nâng cao năng suất, sản lượng.
Phó Chủ tịch UBND xã Triệu An, Nguyễn Văn Phương cho biết: Xã sẽ có chủ trương, chính sách khuyến khích người dân phát triển, nhân rộng diện tích đậu đen xanh long, cũng như đưa cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu vào trồng, để đảm bảo thu nhập cho người dân.
Quảng Bình: Phát triển vùng rau sạch, gắn xây dựng thương hiệu
Hiện, nông dân xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh đã mở rộng diện tích trồng rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng chuyên canh rau sạch, gắn xây dựng thương hiệu. Góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Một ngày làm việc của gia đình bà Lê Thị Hoa, thôn Thượng, xã Võ Ninh, thường bắt đầu lúc 3h sang, với việc thu hoạch rau, phân loại để nhập cho đầu mối tiêu thụ trong vùng và khu vực Đồng Hới.
Nông dân Võ Ninh sản xuất rau sạch, gắn xây dựng thương hiệu
Sau khoảng 2 tiếng hái rau, rửa sơ qua và phân loại vào từng sọt, vợ chồng bà thu về khoản “tiền tươi” 200.000 đồng/ngày. Bà cho biết, gia đình bà trồng rau quanh năm, nhưng cao điểm là tháng 10 dương lịch, đến tháng 4 năm sau.
Với 600m2 vườn, bà trồng đủ loại rau từ hành, ngò, đến diếp cá, xà lách… Trồng rau đã đem lại thu nhập ổn định đáng kể cho gia đình bà mấy chục năm nay, bình quân từ 5 -6 triệu đồng/tháng. Không riêng gia đình bà, trồng rau đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Võ Ninh.
Ông Phạm Xuân Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, Võ Ninh là địa bàn thuần nông, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào cây lúa.
Tận dụng lợi thế đất cát, đất cát pha thịt, một số hộ đã mạnh dạn trồng rau chuyên canh, đem lại thu nhập khá cao. Đặc biệt, từ năm 2014, thực hiện Chương trình dồn điền đổi thửa, xã vận động người dân chuyển đổi diện tích đất xấu, đât trồng lúa kém hiệu quả, sang đào ao nuôi cá và trồng rau.
Vì vậy, mô hình trồng rau sạch phát triển rộng rãi trên địa bàn toàn xã. Hiện, Võ Ninh có 116ha diện tích rau màu thực phẩm, giá trị thu nhập ước tính 100 triệu đồng/năm. Trong đó, thôn Thượng là nơi có diện tích trồng tập trung nhiều nhất, gần 90% hộ trồng rau, 50% trong số đó có thu nhập chính từ trồng rau.
Bà Hoàng Thị Thuận, thôn Thượng, cho biết, bà có 500m2 diện tích đất trồng rau với đủ các loại. Cũng như nhiều người dân địa phương, ban đầu bà chủ yếu trồng rau sạch để tự cung cấp cho bữa ăn gia đình.
Song, với cách thức chăm sóc hiệu quả, cộng với khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, bà thấy rau phát triển tốt, thu nhập cao gấp 3-4 lần so trồng lúa, nên quyết định mở rộng diện tích vườn.
Cũng theo bà Thuận, rau Võ Ninh được người dân và thương lái ưa chuộng, tin dùng, bởi chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ bằng phương pháp lót phân xanh, tận dụng trong quá trình chăn nuôi, và được tưới bằng nguồn nước tự nhiên trong đất cát.
Rau được trồng, chăm sóc theo phương thức truyền thống, đúng chu trình sinh trưởng, không sử dụng thuốc kích thích, chất hóa học.
Để từng bước tạo dựng thương hiệu rau sạch của địa phương, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, Võ Ninh cần tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ thuật; nhận thức người dân trong việc sản xuất theo hướng an toàn; khuyến khích đầu tư theo mô hình nhà lưới, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Năm 2018-2019, xã đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội; khuyến khích các hộ gia đình mở rộng diện tích trồng rau sạch, xây dựng mô hình rau công nghệ cao.
Về lâu dài, địa phương sẽ quy hoạch, phát triển vùng chuyên canh rau, màu, theo hướng hàng hóa ở thôn Thượng, thôn Hà Thiệp…; hình thành tổ hợp tác trồng rau sạch, giúp bà con liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập”- Ông Phạm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh cho biết thêm.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.