Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2019 | 17:59

Quảng Ninh: Săn “lộc trời”, không quên bảo vệ sinh thái biển

Thiên nhiên ban tặng bà con Hải Hà những “lộc biển” như: sá sùng, ruốc, ốc, bề bề, nhưng họ cũng không quên bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Chiều đi đào sá sùng, tối xuống biển soi ruốc, bắt ốc, vớt bề bề… đó là công việc thường nhật của hàng trăm ngư dân xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà (Quảng Ninh).

 

 qn-7979.jpg

Ruốc, bề bề, cá bống đều là “lộc trời” tại Quảng Thắng

 

Thiên nhiên ban tặng cho họ vùng biển trong lành, để họ vừa săn “lộc biển” kiếm kế sinh nhai, vừa bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Chiều ra bãi đào sá sùng, tối xuống biển soi ruốc, bắt ốc, vớt bề bề…đó là công việc thường nhật của hàng trăm người dân xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà. (Quảng Ninh)  Thiên nhiên ban tặng cho nơi đây một vùng biển trong lành đồng nghĩa với việc trao cho người dân “kế sinh nhai” bền vững để năm này qua năm khác, họ vừa săn “lộc biển” có thu nhập, vừa bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Ăn vội bát cơm chiều, anh Lộc đeo găng tay, cầm vợt, đèn pin cùng chiếc xô nhỏ, đồ nghề của thợ săn lộc biển, xã Quảng Thắng. Lúc này, bãi triều khá đông đúc, người đeo giỏ, người xách xô, gọi nhau ra bãi.

Mới gần 19 giờ, nhưng bãi biển thôn 3 đã có hàng trăm “thợ săn"; giờ này nước đang lên. Từng tốp người trán đeo đèn pin, tay xách giỏ, săn “lộc biển”.

Đây là lần đầu được đi “săn” trên bãi, tôi phải hỏi tỉ mỉ về cách soi, để bắt những con ruốc, bề bề, cà khé thoắt ẩn, thoắt hiện, dưới làn nước đục.

Chốc chốc, anh Lộc lại bỏ vào xô khi thì con ốc, khi con cá bống, con ruốc nhưng nhiều nhất vẫn là bề bề. Anh Lộc cho biết, nghề này không kén người, các cháu học sinh cũng có thể đi săn.

Hôm nhiều, hôm ít, tuỳ con nước "Đầu nước vớt bề, cuối nước bắt ruốc” – Đó là kinh nghiệm mà anh đã học được từ những “thợ săn” lão luyện trên vùng biển này.

Vừa buổi chiều đi đào sá sùng về, chị Mai, thôn 4, xã Quảng Thắng, lại tranh thủ đi soi biển đêm. Sau 1 h đồng hồ, chị đã vớt được gần chục con ruốc và hơn 1kg bề bề.

Chị Mai cho biết: Khu vực này là bãi khai thác tự nhiên lớn nhất, không chỉ của người dân Quảng Thành, mà cả người dân các xã Quảng Minh, Phú Hải, Quảng Đức.

Buổi chiều khi nước cạn, buổi tối nước lên, trên bãi luôn có hàng trăm người dân đào sá sùng, bắt ruốc, và các loại ốc, bề bề, để có thêm thu nhập.

Chiều hôm nay, tôi đã đào gần 3kg sá sùng tươi. Giá bình quân 180.000-220.000 đồng/kg, đây là nguồn thu khá của gia đình.

Cạnh đó, 3 mẹ con chị Vân, thôn 4, xã Quảng Thắng đang dõi mắt theo ánh đèn để mang lộc biển về nhà. Chị Vân cho biết: Cùng với phát triển nông nghiệp, đi biển đã thành một nghề của gia đình tôi, và hàng trăm người dân trong xã.

Bình quân, chúng tôi khai thác trên dưới 20 ngày/tháng. “Gặp” con nước, mỗi ngày được trên dưới 1kg ruốc, vài kg ốc gai, ốc hương, bề bề...

Với giá bán hơn 300.000 đồng/kg ruốc, 80.000-100.000 đồng/kg bề bề, 150.000-180.000 đồng/kg ốc, gia đình tôi cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng.

“Thợ săn” soi theo mép thủy triều. Chập tối đi ra xa, và soi dần vào bờ. Nước lên tới đâu, săn tới đó, khoảng 21 giờ cũng là thời điểm tập trung vào sát bờ.

Người ít, người nhiều nhưng “thợ săn” đã kết thúc một buổi săn “lộc biển” trong tiếng cười nói vui vẻ.

Tại thôn 3 xã Quảng Thắng, có 3 hộ làm nghề thu mua “lộc biển”, ở đây, toàn bộ “lộc biển” được phân loại.

Chị Hiền, một hộ thu mua, cho biết: Mỗi buổi tối, tôi thu mua được một vài tạ thủy sản: ruốc, bề bề, các loại ốc, cua…

Song, đáng ghi nhận là, để khai thác bền vững, người dân đã tự bảo ban nhau, không bắt những con còn quá nhỏ, để cho chúng lớn, sinh sôi nảy nở.

Chị Lới, thôn 2, cho biết: Khai thác tự nhiên tại bãi triều, đã trở thành một nghề, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Với diện tích hàng trăm héc-ta, chính quyền địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền cho người dân, hiểu được lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Khánh Hoà: Sẽ mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên biển

Do phát triển nhanh, quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), chưa đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, việc mở rộng nuôi trồng thuỷ sản trên biển, là mong muốn của ngư dân, để bà con yên tâm đầu tư.

Theo thống kê tháng 12-2017, Vạn Ninh có 12.100 ô lồng NTTS, tháng 5-2019 đã tăng khoảng 32.300 ô lồng, và nay: 40.296 ô lồng/ 1.277 hộ nuôi. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá bớp, cá chim, tôm hùm.

 

kh-9991.jpg
 Nuôi trồng thuỷ sản ở  Vạn Thạch

 

Từ khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Vạn Ninh có hơn 40.000 lồng NTTS, song, vùng biển được quy hoạch chỉ khoảng 8.200 lồng.

Số còn lại đang “chân trong chân ngoài”, khi cần thống kê, ngư dân kéo bè vào vùng quy hoạch. Xong, lại kéo ra, nhường chỗ cho bè khác, việc  này, khiến chi phí NTTS tăng, do phải kéo bè đi lại nhiều.

Theo quy hoạch ngành thủy sản tỉnh  từ 2025 – 2035, vịnh Vân Phong có 6 vùng, diện tích 550ha, khoảng 8.200 lồng NTTS.

Theo  Phòng Kinh tế Vạn Ninh, huyện đã tuyên truyền tới người dân; cắm phao xác định vị trí, ranh giới được quy hoạch.

Lắp bản đồ quy hoạch tại các xã, thị trấn để nhận biết và định hướng vùng nuôi. Việc vận động người NTTS vào vùng quy hoạch cũng được thực hiện.

Song, theo tính toán, 550ha trong vùng quy hoạch, chỉ mới đáp ứng được 1/5 nhu cầu. Hiện, trong vùng quy hoạch có khoảng 16.000 ô lồng, gấp đôi so mật độ khuyến cáo, nhưng vẫn còn hơn 24.000 ô lồng phải “chân trong chân ngoài” như kể trên.

Vạn Ninh đã nhiều lần đề nghị mở rộng vùng quy hoạch NTTS. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành rà soát, xem xét bổ sung quy hoạch NTTS.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp, về việc mở rộng vùng NTTS, Sở đã rà soát, đánh giá hiệu quả vùng NTTS.

Trên cơ sở đó, điều chỉnh quy hoạch ngành Thủy sản Khánh Hòa, và gửi bản dự thảo đến các sở, ngành, địa phương để lấy ý kiến. Bản dự thảo, bổ sung 350ha tại 4 vùng NTTS của Vạn Ninh. Sau khi các sở, ngành, địa phương có ý kiến, Sở sẽ tổng hợp, tham mưu Tỉnh quyết định.

 Cá trắm sông Son, dấu ấn ẩm thực Quảng Bình

Vốn có truyền thống nuôi cá lồng trên sông Son, những năm qua, người dân xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đã phát triển đa dạng các loại cá, nhất là cá cỏ, trắm đen, chình, leo… để níu chân thực khách.

 

ca-661.jpgCá trắm song Son, luôn níu chân khách.                                                                

Hiện, hoạt động du lịch tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đang phát triển mạnh, là điều kiện để người dân Sơn Trạch mở rộng nhiều ngành nghề, dịch vụ.

Ấn tượng nhất là nghề nuôi cá lồng trên sông Son, vừa giải quyết việc làm, và nâng cao thu nhập, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, Trần Nam Trung, cho biết: Sơn Trạch có 367 hộ nuôi cá lồng với, 710 lồng cá, tập trung ở các thôn dọc sông Son.

Trong đó, phần lớn là các lồng nuôi cá trắm cỏ, loại cá thích nghi nguồn nước sông Son, và tận dụng được thức ăn tự nhiên của địa phương.

Bình quân, sản lượng thu hoạch các lồng cá ở xã Sơn Trạch đạt hơn 295 tấn/năm. Đầu ra ngày càng ổn định, do khách du lịch đến với di sản Phong Nha-Kẻ Bàng ngày càng nhiều.

Thu nhập của các hộ dân cũng nâng lên, góp phần nâng mức thu nhập bình quân của người dân lên 43 triệu đồng/người/năm.

Theo đó, nuôi cá lồng trên sông đem lại hiệu quả kinh tế cao. Song, vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro thiên tai cao, nhất là mùa bão lũ. Vì vậy, người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật, cũng như áp dụng biện pháp phòng, tránh thiên tai.

Để hỗ trợ nhau phát triển, năm 2014, các hộ nuôi cá lồng trên sông Son đã thành lập CLB nuôi cá nước ngọt Sơn Trạch. Hiện, CLB đã thu hút hơn 120 hội viên. 

Ông Nguyễn Văn Mẹo, một hộ nuôi cá lồng thôn Na, cho biết: “Gia đình có 4 lao động, nuôi 3 lồng cá.  Không vất vả, thu nhập ổn định.

Chăm sóc cá bằng thức ăn tự nhiên: thân cây chuối, cám gạo, sắn củ... nên phải sau 2 năm mới có cá bán, nhưng bù lại thịt  dai, thơm ngon, nhất là trắm cỏ.

Cá trắm cỏ chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn, nên được du khách ưa chuộng. Gia đình tôi có cá xuất bán quanh năm, thương lái đến mua và cung cấp cho các nhà hàng. Khi cần thiết, bản thân tôi cũng là thương lái nhập cá cho nhà hàng”.

Đặc biệt, để nâng cao thu nhập, xã Sơn Trạch tạo điều kiện cho các CLB học tập kinh nghiệm, quy trình nuôi cá, kinh nghiệm xử lý thiên tai. Đồng thời, nhập giống cá có giá trị cao, như: cá chình, cá leo, trắm đen về nuôi.

Ông Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm CLB nuôi cá nước ngọt xã Sơn Trạch, mong muốn CLB sẽ được hỗ trợ kinh phí  thành lập HTX, xây dựng chuỗi liên kết, quảng bá cá sạch sông Son…

Với thể tích lồng nuôi: 15-20 m3 nước, cho năng suất cao hơn nuôi trong nội đồng. Trong số 367 hộ nuôi, trung bình 2 lồng/hộ, mỗi lồng thu 70-100 triệu đồng/năm.

Theo ông Thái” “Nghề nuôi cá lồng trên sông Son, không chỉ tạo sinh kế cho người dân, mà còn cung cấp thực phẩm sạch, cho khách du lịch. Đồng thời, sự lôi cuốn về du lịch được gia tăng, khi những lồng cá tạo nên vẻ đẹp của thiên nhiên trên sông Son.

Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết thêm, hiện không chỉ xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch cũng phát triển mạnh mô hình  cá lồng, bè tại các xã, như: Liên Trạch, Hưng Trạch và thị trấn Nông trường Việt Trung.

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ hàng chục triệu đồng, giúp các hộ nuôi cá lồng đạt chất lượng giống cao. Toàn huyện hiện có 1.100 lồng cá, tăng 318 lồng so năm 2015.

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top