Nhờ chủ động, sáng tạo trong cải tạo vườn tạp, đưa cây trồng hiệu quả cao vào trồng, nhiều mô hình vườn ở Quảng Trị cho thu nhập cao.
Do có nhiều sáng tạo trong việc cải tạo vườn tạp, đưa các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào thay thế cây truyền thống, anh Đỗ Bá Ái, thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu (Cam Lộ) đã cải thiện thu nhập cho gia đình.
Chăm sóc vườn chanh tứ thời
Hiện, mô hình kinh tế vườn của anh Ái đã được chính quyền địa phương thẩm định, và công nhận đạt chuẩn theo tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới (bộ tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới áp dụng trên địa bàn huyện Cam Lộ).
Với trên 2.500 m2 đất vườn, trước đây anh Ái chủ yếu trồng nhiều loại cây như: rau lang, bí đỏ, lạc. Song, do khí hậu khắc nghiệt, không có nước tưới, nên đa số diện tích vườn chỉ canh tác được 1 vụ, thu nhập từ vườn còn hạn chế.
Sau nhiều lần suy nghĩ, anh Ái vào miền Nam để tìm hiểu, học cách phát triển kinh tế vườn. Tại đây, anh được tham quan nhiều vườn mẫu trồng cây ăn quả cho thu nhập cao như: bưởi, chanh, cam...
Đầu năm 2014, anh Ái trở về quê, chọn cây chanh tứ thời để trồng thử nghiệm. Anh cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình cây ăn quả cho thu nhập cao, với các loại cây trồng chủ yếu như bưởi, ổi, cam…
Tuy nhiên, chỉ có cây chanh tứ quý là chưa có ai trồng đại trà. Mới có chanh truyền thống, cho 1 vụ quả trong năm, nên khi bán giá chưa cao, trong khi nhu cầu sử dụng chanh trên thị trường diễn ra quanh năm.
Từ suy nghĩ đó, tôi đưa cây chanh tứ thời từ miền Nam vào trồng thử nghiệm và đã thành công”.
Sau khi chọn được cây trồng phù hợp, anh Ái đã cải tạo và quy hoạch lại vườn. Theo đó, khu vườn rộng được phân chia thành các vùng riêng biệt để trồng các loại cây khác nhau.
Từ 10 gốc chanh trồng thử nghiệm ban đầu, đến đầu năm 2015, anh Ái đã nhân rộng lên 200 gốc trên diện tích 4 sào đất vườn. Nhờ tuân thủ quy trình kĩ thuật từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch, nên cây chanh tứ thời phát triển tốt.
Đầu năm 2018 đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, thay vì 1 vụ trong năm như giống chanh truyền thống, chanh tứ thời cho thu hoạch 3 vụ/năm, mỗi vụ có chu kì khoảng 4 tháng, từ khi ra hoa đến thu hoạch.
“Vụ đầu tiên, tôi thu khoảng 1,5 tạ chanh tươi, nhưng đến vụ thứ 2, sản lượng chanh đã tăng lên 5 tạ. Do trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nên chanh bán ra thị trường đảm bảo sạch, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Hiện, tôi đã tìm được đầu ra ổn định tại siêu thị Coopmart Đông Hà với số lượng khoảng 50 kg/tuần. Một phần sản phẩm chanh tươi còn lại được tư thương mua tại vườn.
Số còn lại, tôi nhập cho các mối bán sỉ tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh, với giá bình quân từ 30-40 ngàn đồng/kg tùy theo vụ”, anh Ái cho biết thêm.
Theo đó, cùng với trồng chanh, anh Ái còn quy hoạch một phần diện tích đất vườn để trồng 40 gốc ổi, đến nay đã cho thu hoạch. Năm 2018, anh tiếp tục cải tạo diện tích vườn tạp còn lại để trồng 80 gốc bưởi da xanh. Hiện, cây đang phát triển tốt, sau 2 năm sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên.
“Cải tạo vườn tạp đã giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập đáng kể. Nếu trước đây, mỗi năm thu nhập từ kinh tế vườn chỉ vài triệu đồng, đến nay đã đạt khoảng 30 triệu đồng/năm, gấp hơn 10 lần so các loại cây trồng cũ.
Sắp tới, khi toàn bộ diện tích chanh tứ thời, bưởi da xanh đều cho thu hoạch đại trà, thu nhập của gia đình tôi sẽ tiếp tục nâng lên”, anh Ái cho biết.
Tuyên Quang: Hiệu quả chuyển đổi cây trồng trên đất dốc
Trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp trên đất dốc thay thế cây lúa, ngô và sắn đã đem lại giá trị kinh tế cao, làm giàu cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Người dân thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân (Yên Sơn) chăm sóc cây ăn quả trồng trên đất dốc.
Ít ai ngờ, hơn 100 ha đất đồi dốc bạc màu trước đây chỉ trồng sắn, ngô ở thôn Hòn Vang, xã Thắng Quân (Yên Sơn) giờ lại thành vựa cây ăn quả quy mô nhất huyện.
Ông Nguyễn Xuân Kiêu, Bí thư Chi bộ thôn cho biết, toàn thôn có 100 ha cây ăn quả, trong đó có 70 ha đã cho thu hoạch. Trung bình, mỗi năm người dân Hòn Vang thu 8 tỷ đồng từ trồng cây ăn quả.
Ông Hoàng Đức Ba, thôn Hòn Vang cho biết, 4,2 ha đất đồi của gia đình trước đây chỉ trồng sắn, ngô. Do đất dốc, không được cải tạo thường xuyên nên bị bạc màu, cây ngô, sắn trồng xuống phát triển kém, cho năng suất thấp.
Năm 2010, ông Ba mạnh dạn chuyển từ trồng màu sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là bưởi Diễn, cam Vinh. Năm 2018, 1 ha cam Vinh cho thu 80 triệu đồng, diện tích này, nếu trồng sắn cùng lắm chỉ được 20 triệu đồng.
Người dân thôn Thuốc Hạ 4, xã Tân Thành (Hàm Yên) cũng đã chinh phục hết diện tích đất đồi dốc để trồng cam.
Ông Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành khẳng định, cải tạo đất dốc để trồng cam, và một số cây ăn quả có múi trên địa bàn xã, đã cho kết quả cao hơn so với canh tác ngô, sắn.
1 ha sắn, ngô chăm sóc tốt cũng chỉ được 20 - 30 triệu/năm, chưa trừ chi phí, trong khi trồng cây ăn quả giá trị kinh tế gấp 2, 3 lần.
Ngoài cây ăn quả, cây lâm nghiệp trên đất dốc, phát triển khá mạnh. Tại các xã Thượng Ấm, Tú Thịnh, Tuân Lộ (Sơn Dương); Phú Thịnh, Công Đa, Đạo Viện (Yên Sơn) đất đồi dốc đã được chuyển sang trồng cây lâm nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tuyên Quang, cho biết, việc chuyển đổi diện tích đất dốc, trồng cây lương thực kém hiệu quả, sang cây ăn quả, cây lâm nghiệp, các địa phương đã phát huy giá trị đất đai, nâng cao đời sống nhân dân.
Hiện, toàn tỉnh có 15.920 ha cây ăn quả, trong đó có trên 12.000 ha bưởi, cam, quýt và 10.000 ha rừng trồng mới mỗi năm trên đất đồi dốc.
Theo tính toán của ngành, 1 ha đất dốc trồng cây lâm nghiệp cho thu từ 60 - 100 triệu đồng/chu kỳ/ cây từ 5-8 năm tuổi; cây ăn quả có múi cho thu nhập từ 80 - 120 triệu đồng/năm.
Ngoài hiệu quả kinh tế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc còn phủ xanh đất trống, đồi trọc, hạn chế rửa trôi đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần lưu ý đến việc kiểm soát quy hoạch, đặc biệt là đối với cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, chanh chỉ tập trung trồng ở độ dốc từ 8 - 15 độ, để thuận lợi cho chăm sóc, thu hoạch; ở độ cao hơn trồng cây lâm nghiệp.
Nghệ An: Lần đầu tiên trồng thành công lạc đỏ 3 nhân
Lần đầu tiên được trồng khảo nghiệm trên đất Diễn Châu, nhưng giống lạc đỏ 3 nhân đã đạt năng suất tới 2 tạ/sào, cao hơn các giống lạc khác tới 20%.
Theo đó, lạc đỏ 3 nhân được trồng khảo nghiệm 1ha ở xóm 4, xã Diễn An trong vụ xuân; thâm canh theo hướng VietGAP, áp dụng biện pháp che phủ ni long, giữ độ ẩm cho đất, hạn chế sâu bệnh hại và cỏ dại nên cây lạc đỏ phát triển tốt.
Lạc đỏ 3 nhân lần đầu tiên trồng ở Diễn Châu. Ảnh: Mai Giang
Sau 3 tháng rưỡi gieo trồng, hiện, bà con xóm 4, Diễn An đang bước vào thu hoạch lạc. Lạc đỏ cho nhiều củ, mỗi gốc trung bình 20 củ, mỗi củ từ 3 - 4 nhân, có màu đỏ đẹp.
Chị Cao Thị Sáu, nông dân tham gia mô hình, cho biết: Thâm canh lạc đỏ cũng không khác gì so với các giống lạc truyền thống. Toàn bộ giống sản xuất đều được thu mua. Đối chứng với các ruộng lạc khác thì năng suất lạc đỏ cao hơn tới 20kg/sào.
Sau khi triển khai dự án có 20 hộ trong xóm tham gia mô hình. Lần đầu tiên chúng tôi thấy củ lạc to và có nhiều đặc tính tốt: thơm ngon, vỏ mỏng, nhân to.
Bà con nông dân rất phấn khởi, hiện đang tập trung thu hoạch, phơi khô để Viện KHKT Bắc Trung Bộ về thu mua. Theo đánh giá thì lạc đỏ vụ xuân ở Diễn An cho năng suất 2 tạ lạc khô/sào, cao hơn các giống khác từ 20-30kg/sào.
Chợ Mới: Cấp hơn 800 nghìn cây giống cho nhân dân trồng rừng
Niên vụ trồng rừng 2019, huyện Chợ Mới được tỉnh giao kế hoạch trồng 1.450ha rừng, trong đó có 1.000ha rừng trồng lại sau khai thác, 450ha rừng cây phân tán.
Cấp cây giống cho nông dân trồng rừng
Hiện, cơ quan chuyên môn đang triển khai cấp cây giống phục vụ cho nhân dân trồng rừng kịp thời vụ.
Theo đó, Cơ quan chức năng đã cấp hơn 800 nghìn cây giống gồm các loại keo, mỡ, hồi, xoan, lát cho nhân dân 16 xã, thị trấn để trồng rừng.
Được biết, vụ trồng rừng 2019 huyện Chợ Mới đã phê duyệt chủ trương sử dụng nguồn ngân sách huyện để hỗ trợ nhân dân trồng rừng tập trung và phân tán theo diện tích thực tế.
Hiện, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhân dân một số địa phương đã tiến hành trồng rừng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.