Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 5 năm 2022 | 5:10

Quảng Trị tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản

Nhiều năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đã có nhiều bước chuyển mình để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, Chính phủ luôn nhận định: Trước nhiều thách thức, ngành nông nghiệp tiếp tục là "trụ đỡ" của nền kinh tế. Và ở một địa phương thuần nông như Quảng Trị, vị trí của lĩnh vực này lại càng quan trọng, vừa an dân vừa tạo ra giá trị gia tăng (dù thấp) cho kinh tế - xã hội.

Khi mới luân chuyển về công tác tại Quảng Trị năm 2020, một trong những chỉ đạo đầu tiên của Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng là tìm mọi cách nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương. Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ, tạo điều kiện và thu hút các doanh nghiệp đến liên kết theo hướng sản xuất hữu cơ, tăng cường khoa học kỹ thuật, sản xuất quy mô lớn theo chuỗi; đặc biệt có sự phối hợp liên kết 4 nhà trong hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Vụ đông xuân 2021 – 2022, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã đặt hàng Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (SEPON) 20ha lúa hữu cơ tại huyện Hải Lăng. Cùng với những diện tích khác sản xuất theo hướng hữu cơ, lúa vệ sinh an toàn thực phẩm, lúa VietGAP…, toàn tỉnh đã có trên 350ha lúa sản xuất theo hướng canh tác tự nhiên, hữu cơ. Nếu thành công, ngành Nông nghiệp Quảng Trị và Tổng công ty đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hợp tác với người dân hình thành hơn 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt tối thiểu 3.000 ha lúa hữu cơ, chiếm 10% tổng diện tích lúa toàn tỉnh.

mo-hinh-lua-huu-co-o-huyen-trieu-phong.jpg
Mô hình trồng lúa hữu cơ ở huyện Triệu Phong

 

Chủ tịch HĐQT SEPON Hồ Xuân Hiếu không giấu diếm quyết tâm chính trị cao để đưa thương hiệu Gạo hữu cơ SEPON sớm vươn đến các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ. “Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra hướng canh tác bền vững tại Quảng Trị. Ngoài lúa, các mô hình hữu cơ khác của SEPON và địa phương như hồ tiêu, dược liệu, cao su, cà phê, gỗ nguyên liệu rừng trồng… đều hướng đến hình thức canh tác thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng cũng như ứng dụng hiệu quả mô hình KHCN, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị kinh tế, tiết kiệm nhân lực, vật lực...”, ông Hiếu chia sẻ.

mo-hinh-trong-tieu-bang-tru-gach-o-huyen-cam-lo.jpg
Mô hình trồng tiêu bằng trụ gạch ở huyện Cam Lộ.

 

Có thể nói, xuất khẩu vào những thị trường khó tính góp phần quan trọng nâng tầm giá trị nông sản. Để làm được điều này, cần mối liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân và hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp được xem là tác nhân chủ chốt quyết định việc hình thành, duy trì và phát triển mối liên kết ấy để có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp vừa là đơn vị đầu mối tìm kiếm thị trường, vừa quay lại hướng dẫn, định hướng nông dân sản xuất cái thị trường cần; giúp nông dân kiểm soát sản xuất, sơ chế, chế biến để trở thành sản phẩm hàng hóa chất lượng.

 

 

 

Lê Cử
Ý kiến bạn đọc
Top