Đó là ý kiến của ông Trần Quang Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp giải pháp phát triển cây mía bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra ngày 28/9, tại Tuyên Quang.
Ông Trần Quang Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn.
Quy hoạch vùng sản xuất gặp nhiều khó khăn
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, cây mía ở nước ta không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo của hàng vạn hộ nông dân mà còn là cây làm giàu của nhiều người nông dân. Những năm gần đây, ngành mía đường của Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét; các vùng sản xuất mía nguyên liệu đã được định hình, với diện tích sản xuất ổn định, năng suất mía đường ngày một tăng.
Theo thống kê diện tích mía niên vụ 2017 - 2018 cả nước có 274.300 ha, năng suất bình quân đạt 65,1 tấn/ha, trong đó, diện tích mía đường nguyên liệu đạt 254.943 ha, năng suất đạt 63,9 tấn/ha, sản lượng đạt trên 15 triệu tấn.
Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang đưa ra nhiều giải pháp để những năm tới tỉnh này phát triển cây mía bền vững hơn.
Vùng mía nguyên liệu các tỉnh miền Bắc đạt 70.399 ha, năng suất bình quân đạt 59,1 tấn/ha. Trong đó, diện tích của vùng Trung du miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình) là 22.446 ha, sản lượng 1.424.508 tấn, năng suất 63,5 tấn/ha.
So sánh với diện tích mía nguyên liệu cả nước, năm 2017 diện tích mía nguyên liệu các tỉnh phía Bắc chiếm 28,5%, sản lượng chiếm 23,3% và là vùng có năng suất mía thấp nhất.
Có nhiều nguyên nhân khiến sản xuất mía nguyên liệu tại vùng không gia tăng về diện tích và năng suất mía chưa cao như: Quy hoạch vùng sản xuất mía nguyên liệu gặp nhiều khó khăn; Quy mô sản xuất hộ gia đình manh múm, nhỏ lẻ là nguyên nhân rất lớn gây hạn chế đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc và thu hoạch mía, là nguyên nhân gián tiếp không nâng cao được năng suất, chất lượng mía cũng như giảm giá thành sản xuất mía.
Diễn đàn thu hút nhiều người trồng mía tham gia.
Tình trạng mua mía xô, bao tạp chất, chữ đường cũng như xác định chữ đường chưa thật sự minh bạch là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người trồng mía. Một trong những lý do đó là chưa có tổ chức độc lập để giám sát chữ đường thu mua theo quy chuẩn. Bộ giống mía cho vùng còn ít, chưa phong phú để bố trí trồng rải vụ, thâm canh…
Cần liên kết chặt chẽ giữa các "nhà"
Ngày 18/4/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Đề án đến năm 2020 diện tích mía nguyên liệu cả nước đạt 300.000 ha. Trong đó, diện tích các vùng nguyên liệu Miền Bắc đạt 84.100 ha, trong đó, Trung du miền núi phía Bắc 29.100 ha.
Để phát triển mía bền vững cho vùng Trung du miền núi phía Bắc, tại Diễn đàn đã trao đổi đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho việc phát triển sản xuất mía.
Người dân, khách tham dự thăm một số mặt hàng nông sản của tỉnh Tuyên Quang
Ông Khởi cho biết, trên cơ sở phân chia các vùng, các tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế phát triển mía nguyên liệu mía ở mức trung bình. Do vậy, các tỉnh cần quy hoạch để đầu tư thâm canh, có như vậy mới đủ sức cạnh tranh, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng.
Theo Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, năm 2018 vùng nguyên liệu mía đạt 8.098 ha/10.386 ha, đạt 78% kế hoạch. Năng suất mía năm 2018 ước đạt 69 tấn/ha, giá mua mía nguyên liệu là 900 đồng/kg, doanh thu bình quân từ cây mía đạt 54,9 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, người trồng mía thu lợi nhuận từ 35,2 triệu đồng/ha.
Để nâng cao thu nhập cho người dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, ông Hàm cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ chuyển từ sản xuất theo chiều rộng sang sản xuất theo chiều sâu, lấy năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập làm mục tiêu phát triển, cân đối với khả năng tiêu thụ đường của nhà máy; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh cao trên toàn bộ diện tích mía và hạn chế tối đa diện tích phế canh.
Nghiên cứu xây dựng quy trình cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với từng địa bàn để giảm công lao động thủ công, giảm giá thành sản xuất; Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân, nhà máy thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất của Nhà nước.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng, để nâng cao năng suất, giá trị từ cây mía cần đầu tư nhân nhanh mía giống mới vào sản xuất đối với các giống sau khi khảo nghiệm phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng vùng nguyên liệu. Đa dạng hóa sản phẩm mía, đường. Đầu tư cải tạo hợp lý hóa dây chuyền sản xuất tăng hiệu suất tổng thu hồi và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Cục Trồng trọt, các nhà máy đường phối hợp các địa phương rà soát vùng các tiểu vùng có lợi thế, vùng có khả năng tưới, vùng có khả năng cơ giới hóa, vùng cần chuyển đổi giống, vùng có khả năng trồng xen và phải luân canh. Từ đó, điều chỉnh lại định hướng và quy mô hợp lý cho mỗi vùng sản xuất theo hướng tập trung, có điều kiện thâm canh, cơ giới hóa và nước tưới.
Kết hợp cây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết các nhà máy để hình thành hệ thống chế biến đường thô và đường luyện, kết hợp với việc phát triển điện thương phẩm từ bã mía, sản xuất cồn.
Tại Diễn đàn nhiều thắc mắc của người dân về kỹ thuật trồng mía được các chuyên gia, các cơ quan chức năng trực tiếp giải đáp
Ngoài việc liên kết chế biến đường công nghiệp, sự cần thiết định hướng theo hướng hợp tác, liên kết các nhà máy để hình thành hệ thống chế biến đường thô và đường luyện.
Các địa phương cần phối hợp các nhà máy trên địa bàn cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để tăng năng suất mía và năng suất đường: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh (phát triển giống mới, thâm canh, giữ ẩm hoặc tưới nước cho mía); chủ động trong công tác phòng trừ dịch hại, thực hiện trồng rải vụ với cơ cấu giống chín sớm, chín trung bình và chín muộn phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.