Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 8 năm 2016 | 12:50

Quyền sở hữu trí tuệ: Luật đủ nhưng thực thi chưa tới

Tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam đang diễn ra khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất - nhập khẩu; xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các loại hàng hóa có giá trị cao...

Kiểm tra chất lượng bánh Trung thu.

Cán bộ chức năng cũng mua phải hàng giả

Sáu tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 925 vụ vi phạm SHTT, xử phạt trên 5,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 4,5 tỷ đồng về giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì; xử lý 222 vụ, phạt 734 triệu đồng, trị giá tang vật ước tính trên 5,3 tỷ đồng vi phạm giả về tem, nhãn bao bì hàng hóa và xử phạt 194 vụ, phạt trên 1,4 tỷ đồng, trị giá tang vật trên 1,6 tỷ đồng.

Điều đáng trăn trở là các cơ quan chức năng về SHTT đều chung quan điểm rằng: hiệu quả thực thi của các cơ quan quản lý chưa cao, lực lượng và phương tiện làm việc mỏng, cơ chế phối hợp chưa tốt, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ răn đe… Bên cạnh đó, việc xử lý nhóm tội phạm xâm hại SHTT khá khó khăn, phức tạp vì chủ thể tội phạm chủ yếu là người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tay nghề vững…, đặc biệt có người giữ chức vụ nhất định. Đồng thời, trong điều kiện của hội nhập, sự phát triển của công nghệ thông tin tạo ra nhiều phương tiện, thiết bị tinh vi hỗ trợ cho loại tội phạm này phát triển, gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý tội phạm.

6 tháng đầu năm 2016, Cục SHTT đã tiếp nhận 26707 đơn về bảo hộ quyền SHTT. Trong đó, bảo hộ về sáng chế là 2.399 đơn, kiểu dáng công nghiệp là 1.325, nhãn hiệu đăng ký quốc gia là 19.723 và nhẫn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định VN là 3.016 đơn…

“Hệ thống pháp luật của chúng ta về SHTT tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của thông lệ quốc tế và các hiệp định thương mại tự do. Nước ta cũng có đến 7-8 lực lượng chức năng thực thi quyền SHTT, trong khi các nước khác, ví dụ như Nhật Bản, chỉ có duy nhất một lực lượng thực thi. Rõ ràng, ở nước ta, ai cũng sợ tất cả các cơ quan này, nhưng tại sao tình trạng xâm phạm SHTT vẫn nghiêm trọng? Ra ngoài, chính cán bộ chức năng cũng có nguy cơ mua hàng giả chứ chưa nói đến người tiêu dùng bình thường. Là vì luật đủ nhưng thực thi chưa tới. Là vì những đơn vị kinh doanh chính đáng thường chịu thiệt thòi trước các tổ chức làm ăn bất chính, thay vì tố giác thì họ lại chạy theo cách làm ăn đó. Do vậy, nâng cao nhận thức về SHTT, về chống hàng giả, hàng nhái trong toàn xã hội rất quan trọng”, ông Vũ Xuân Bính, Cục Quản lý thị trường, nhận xét.

Coi trọng công tác tuyên truyền

Đại diện từ Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Văn Thủy, cho rằng, các cơ quan chỉ thụ lý và xử lý xâm phạm quyền SHTT khi người chủ của quyền SHTT bị xâm phạm báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng, do vậy, thực tế việc xâm phạm quyền SHTT lớn hơn nhiều so với số liệu của các cơ quan, vì nhiều doanh nghiệp không biết mình bị xâm phạm, và cũng nhiều doanh nghiệp tự điều đình với bên vi phạm, hoặc “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm SHTT, nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT, ông Phạm Văn Toàn, Phó chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng pháp luật về thực thi quyền SHTT, tăng cường các hoạt động thực thi, xử lý xâm phạm quyền SHTT, cần tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ thực thi, phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan tuyên truyền về phòng chống hàng giả.

Ông Nashiyama Tomohiro, cố vấn trưởng Dự án JICA (Nhật Bản), nhấn mạnh, việc nâng cao ý thức bảo vệ SHTT của người dân phải có thời gian kéo dài, bên cạnh đó, báo chí là kênh truyền đạt ý nghĩa công tác này đến người dân bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Do đó, sự hợp tác của cơ quan báo chí trong thực thi quyền SHTT là rất quan trọng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo (Cục SHTT) cho rằng, thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao giải pháp hoàn thiện về hệ thống pháp luật, triển khai các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm SHTT thì việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái cần được coi là vấn đề trọng tâm. Do đó, vai trò công tác truyền thông đặc biệt quan trọng. Báo chí cần tuyên truyền sâu rộng cho người tiêu dùng hiểu về tác hại của việc xâm phạm quyền SHTT, quyền bảo hộ SHTT, từ đó giúp họ tự giác không tham gia mua hàng giả, vi phạm SHTT.

Loan Nguyễn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top