KTNT - Quỳnh Lương là xã ven biển thuộc huyện Quỳnh Lưu, có diện tích đất canh tác toàn đất cát, nhưng nhờ nguồn nước dồi dào từ lòng đất, hệ thống thủy lợi tưới tiêu được đầu tư đồng bộ, người dân cần cù chịu khó, sáng tạo nên những cánh đồng rau luôn có 4 mùa xanh tốt , ngút ngàn .
Biến đất cát thành vùng cung cấp rau sạch cho trong và ngoài tỉnh
Cả xã Quỳnh Lương chỉ có gần 300 ha đất để sản xuất nông nghiệp nằm sát bờ biển, người dân Nghệ An quen gọi là đất bãi ngang, toàn cát là cát. Vì vậy, năng suất cây trồng rất thấp. Từ xa xưa người dân ở đây chỉ trồng một vụ xuân khoai lang, vào vụ mùa thì gieo lúa trỉa vãi khô, được mất đều nhờ trời, năm nào mưa thuận gió hoà thì bà con nông dân còn có chút lúa khoai dư giả giành vụ sau, năm nào mưa nắng thất thường coi như mất trắng công sức. Đến năm 1998, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quỳnh Lương quyết tâm làm cuộc cách mạng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách chuyển dần tất cả diện tích canh tác của xã sang trồng các loại rau sạch, rau an toàn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Những cánh đồng rau xanh ngát
Trao đổi với PV KTNT bà Nguyễn Thị Lan (hộ nông dân trồng rau tại) xã Quỳnh Lương, cho biết: ''Cơ sở khoa học để gia đình bà và nhân dân Quỳnh Lương dám mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ lạc xuân, vừng hè thu, ngô - rau vụ đông sang trồng rau sạch quanh 4 mùa là bởi vì, ở đây là đất cát mịn khi được cải tạo tốt đưa vào sử dụng trồng rau rất thích hợp. Mặt khác, đất ở đây lại có mạch nước ngầm cạn, chỉ cần đào giếng sâu 2m đã có nước để tưới thoải mái. Lao động nông nghiệp tại địa phương nhiều, nên có điều kiện trồng và chăm sóc rau dễ dàng, thời tiết ở đây gần biển, mùa hè không nóng lắm, mùa đông ít mưa không gây hại cho cây con''.
Bằng sự quyết tâm cao, mạnh dạn đổi mới và có nhiều lợi thế có được về đất đai, lao động, nguồn nước ngầm, khí hậu… bà con nông dân Quỳnh Lương đã biến vùng đất cát ven biển thành một vùng chuyên canh rau hàng hóa với quy mô lên đến 300 ha, sản xuất rau quanh năm, tất cả mọi người dân đều được tập huấn hướng dẫn sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để có một vùng chuyên canh rau như ngày hôm nay, người dân ở đây đã phải trải qua nhiều vất vả từ việc đi mua đất thịt, đất sét ở các xã khác đem về cải tạo nền đất toàn cát thành đất cát pha để thích hợp cho cây rau phát triển, đào và xây dựng được 4.000 giếng lấy nước ngầm, hơn 2.000 chiếc máy bơm nhỏ và 700 máy phát điện nhỏ phục vụ tưới nước cho rau. Tránh gây lãng phí nguồn nước ngầm, bà con nông dân đã áp dụng công nghệ cao trong việc tưới nước cho rau bằng phương pháp tưới phun theo công nghệ Israel đã tạo nên những cánh đồng rau luôn luôn xanh tươi kể cả trong những ngày nắng nóng và gió Nam Lào thổi mạnh.
Sau bao nhiêu vất vả bây giờ trên cánh đồng 200ha rau ở Quỳnh Lương cơ bản đã được xây dựng hoàn chỉnh, có bờ vùng, bờ thửa, có đường giao thông nội đồng đủ lớn cho xe ô tô ra vào nhận hàng đi tiêu thụ và có cả một hệ thống đường điện vừa phục vụ ánh sáng, vừa phục vụ bơm nước tưới cho rau.
Trồng rau màu hàng hóa đang là hướng đi phát triển kinh tế tại xã Quỳnh Lương
“Rau trong vùng chúng tôi trồng là rau sạch tuyệt đối, rau được bón hoàn toàn bằng phân lợn ủ hoai, dùng thảo dược như gừng tươi, tỏi, ớt cay giã nhuyễn để phun đuổi côn trùng, chúng tôi trồng bằng cái tâm của mình, trước tiên là cho gia đình sử dụng rồi sau đó mới xuất ra thị trường, nên người tiêu dùng cứ yên tâm mà sử dụng'' bà Lan cho biết thêm.
Hiện nay, bình quân mỗi ngày Quỳnh Lương bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh từ 60 - 70 tấn rau các loại. Tổng sản lượng rau bình quân hàng năm đạt trên dưới 20.000 tấn, bình quân 1ha 100 tấn, thu về tổng giá trị từ 55 - 60 tỉ đồng, bình quân 1ha 250 - 300 triệu đồng/năm.
Theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương Nguyễn Văn Tuệ, trong số các loại rau quả đang gieo trồng hiện nay ở Quỳnh Lương, loại rau cho thu nhập cao nhất, ngắn ngày nhất, dễ trồng nhất, đó là hành hoa. Hiện tại, trong số 200 ha rau quả các loại, diện tích hành hoa được gieo trồng chiếm tới 50 - 60% diện tích. Cây hành hoa từ khi trồng đến thu hoạch mỗi lứa mất từ 40 - 45 ngày, năng suất bình quân 20 tấn/ha, giá bán tại chỗ trung bình 5.000 - 6.000 đồng/kg. Như vậy một lứa hành cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha là chuyện bình thường.
Niềm vui của những người nông dân khi rau sạch của mình đã được đến muôn nơi
Với lượng rau xanh bình quân mỗi ngày tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh lên tới 60 - 70 tấn, được cung ứng từ Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… bà con nông dân ở xã Quỳnh Lương ai cũng phấn khởi vui mừng.
Mục tiêu lớn của bà con trồng rau sạch Quỳnh Lương bây giờ là luôn phấn đấu vì chất lượng, vì người tiêu dùng để rau Quỳnh Lương mãi mãi là thương hiệu có uy tín khắp mọi nơi. Thị trường trong nước như Hà Nội là thị trường lớn nhất, cũng là thị trường đòi hỏi chất lượng khắt khe nhất. Sau khi vượt qua các vòng kiểm tra nghiêm ngặt và khắt khe nhất của Siêu thị Metro - Thăng Long về chất lượng, mẫu mã, đảm bảo các quy chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng Nitrat… rau Quỳnh Lương chính thức có chỗ đứng vững vàng trên thị trường Hà Nội.
Hiện, mỗi năm hệ thống Siêu thị Metro chỉ tiêu thu được 300 tấn rau các loại. Nhưng qua đây để chứng minh rằng rau Quỳnh Lương đảm bảo chất lượng tốt và từ đây rất nhiều các Siêu thị khác đã tiến hành ký kết hợp đồng cung cấp rau sạch, rau an toàn cho họ ngày càng nhiều.
Nhờ đầu tư hệ thống nước tưới mà rau ở Quỳnh Lương được trồng quanh năm
Để rau sạch, rau an toàn của Quỳnh Lưu thâm nhập sâu rộng vào thị trường trong và ngoài tỉnh, tiến tới đăng ký tham gia xuất khẩu ra thị trường Quốc tế. UBND xã đã và đang làm thủ tục gắn tem truy xuất nguồn gốc để các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra và để cho người tiêu dùng biết nguồn gốc xuất xứ loại rau quả họ đã mua mà yên tâm sử dụng.
Mặc dù thời điểm này đã bắt đầu vào mùa lạnh, trời chuyển tối nhanh nhưng nông dân vẫn chăm chỉ làm công việc chăm bón tại các vườn rau tới 18, 19h tối mới trở về nhà.
Khi chúng tôi hỏi vì sao Quỳnh Lương là địa phương sản xuất rau nhiều nhất tỉnh, với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Nhưng chưa bao giờ chính quyền và người dân ở đây kêu ca về chuyện rau ế thừa, bán không được và đề nghị tỉnh, huyện giải cứu như một số địa phương khác. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tuệ không ngần ngại trả lời ngay: ''Rau ở Quỳnh Lương được các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc BVTV, về hàm lượng Nitrat, về chất lượng nguồn nước tưới và việc sử dụng phân bón bằng các loại phân hữu cơ được ủ hoai mục. Bà con nông dân ở Quỳnh Lương tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân Quỳnh Lương không bao giờ sản xuất độc canh một loại rau. Sản xuất loại rau gì nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường trong các thời điểm khác nhau. Trên cơ sở đó để bố trí gieo trồng các loại rau hợp lý ở các tháng trong năm. Bên cạnh đó, UBND xã khuyến khích bà con mở rộng thị trường, kết nối với nhiều đại lý buôn bán rau sạch ở nhiều tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Hà Nội, Hải Phòng. Tất cả những đại lý đã kết nối, họ đã dùng, đã tin vào chất lượng rau, củ, quả của Quỳnh Lương rồi thì việc tiêu thụ rau không gặp phải khó khăn gì cả. Rau, củ, quả các loại ở đây chưa bao giờ thừa ế, chỉ có giá bán có khi cao, khi thấp tùy theo thị trường''.
Thành quả về sản xuất rau sạch, rau an toàn ở Quỳnh Lưu vừa qua và cả hiện nay là một điển hình cần được phát huy và nhân rộng. Theo ông Nguyễn Văn Tuệ, với cái đà này thì từ nay trở đi Quỳnh Lương không những là địa phương có vùng chuyên canh rau sạch, rau an toàn lớn nhất tỉnh mà phải là một vùng rau đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để người tiêu dùng cả nước hoàn toàn yên tâm sử dụng và đây cũng là con đường làm giàu bền vững cho quê hương chúng tôi.
Lưu Khuyên
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.