Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 11 năm 2017 | 1:28

Sản lượng khai thác hải sản vượt giới hạn cho phép trên 30%

Những năm qua, ngành thủy sản đã và đang đối mặt với một số tồn tại, bất cập như: khai thác thủy sản phát triển tự phát chưa kiểm soát được; thất thoát sau thu hoạch trong khai thác còn cao; tình trạng đánh bắt bất hợp pháp vẫn còn diễn ra phổ biến; sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, du lịch cũng tác động đến việc suy giảm nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản.

Để từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngày 13/2/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản hướng tới phát triển khai thác thủy sản một cách bền vững và có trách nhiệm.

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình, nhiều hoạt động đã được triển khai đồng bộ và từng bước mang lại những tác động tích cực đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của nước nhà.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, vùng biển nước ta có gần 1.200 loài hải sản; trong đó có 945 loài cá, 135 loài giáp xác, còn lại thuộc nhóm khác, khả năng cho phép khai thác trung bình khoảng 2,45 triệu tấn. Sản lượng khai thác hải sản hiện nay đã vượt quá giới hạn khai thác cho phép trên 30%, tập trung vào nhóm hải sản tầng đáy. Áp lực khai thác lên quần đàn của một số loài hải sản chủ yếu hiện đang ở mức khá cao. Tình trạng khai thác các cá thể chưa đạt thành thục (cá con, mực con, tôm con), có trứng khá phổ biến.

Với sản lượng khai thác thủy sản nội đồng hàng năm khoảng 300.000 tấn, nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo sinh kế cho hàng triệu người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 700 loài thuỷ sản sinh sống tại các thủy vực nội đồng, trong đó có nhiều loài bản địa quý, hiếm có giá trị cao về kinh tế và khoa học. Tuy nhiên, do sức ép gia tăng dân số, phát triển thủy điện, thủy lợi; xả thải từ các hoạt động kinh tế của các ngành: công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, giao thông và đô thị hóa đã làm biến đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường, mất đường di cư, mất bãi đẻ, bãi giống, nơi cư trú của nhiều loài thủy sinh dẫn đến nguồn lợi bị suy giảm, một số loài có nguy cơ cạn kiệt. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố, từ năm 2012 đến nay, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện 3.445 đợt kiểm tra, tuần tra, kiểm soát về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; xử lý vi phạm 11.650 vụ, tổng số tiền xử phạt hành chính lên tới hàng chục tỷ đồng.

Từ năm 2015 đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và tổ chức triển khai theo kế hoạch 14 cuộc kiểm tra trách nhiệm đối với 27 tỉnh/thành phố về việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng thủy nội địa, vùng biển

Đánh bắt cá bằng thuốc nổ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho rằng, cần tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào khai thác thủy sản, nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác; ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám vào quản lý, kiểm soát khai thác, bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh.

Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đề xuất, cần thành lập Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm triển khai các chính sách chuyển đổi nghề nghiệp đối với ngư dân nghèo ven biển; quy định cụ thể trách nhiệm, phân công nhiệm vụ của các cơ quan liên quan về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường đầu tư về lực lượng, phương tiện, kinh phí cho cơ quan thực hiện công tác bảo vệ đa dạng sinh học.

Hội nghị Sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thành lập được 10 khu bảo tồn biển, bên cạnh đó 4 khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, 2 khu bảo tồn biển đang xây dựng quy hoạch chi tiết. 

Theo đánh giá, các khu bảo tồn biển hoạt động cơ bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý các khu bảo tồn biển còn nhiều bất cập như: các văn bản liên quan đến quản lý bảo tồn biển còn chồng chéo, thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống khu bảo tồn biển cũng như sinh kế cho người dân. Do chưa có lực lượng thực thi pháp luật chuyên trách trong Ban quản lý khu bảo tồn biển, nên việc ngăn chặn các hành vi khai thác vi phạm pháp luật trong và xung quanh các khu bảo tồn biển chưa hiệu quả. Tình trạng khai thác thuỷ sản bằng các công cụ hủy diệt ngay cả trong vùng lõi khu bảo tồn biển vẫn còn diễn ra.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám đã chỉ đạo Tổng cục Thuỷ sản tăng cường các biện pháp cảnh báo, xử lý vi phạm khai thác hải sản; đồng thời thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức cho chính quyền địa phương các cấp, phát huy vai trò các tổ chức xã hội tích cực tham gia bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cơ quan thanh tra thủy sản phải sớm hoàn thiện đề xuất cấm khai thác đối với các nghề làm cạn kiệt nguồn lợi. Sắp tới sẽ thành lập Hội Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản hướng tới mục tiêu quản lý chặt hoạt động khai thác, đảm bảo duy trì nguồn lợi thuỷ sản giúp Việt Nam thoát khỏi thẻ vàng từ EU.

PV

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top