Thời điểm này, đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), bắt đầu vào vụ thu hoạch, các sản phẩm từ vườn đồi như: bí rẫy, khoai sọ, gừng, rau... tất cả đều được mùa, được giá.
Một điểm thu mua rau, củ, quả tại Thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn (Nghệ An)
Chị Lầu Y Cha, ở bản Lữ Thành, xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) cho biết: Từ mờ sáng hàng ngày, chị đã lên rẫy thu hoạch khoai sọ, đến đầu giờ chiều gùi ra Thị trấn Mường Xén bán cho thương lái. Khoai sọ được gia đình trồng trên rẫy, ngoài ra, còn có cả khoai tự mọc khắp nơi trên vườn đồi. Mỗi ngày chị thu hoạch được 20kg khoai sọ, và còn kiếm thêm hoa chuối, rau rừng trên nương, để tăng thêm thu nhập.
Được biết, Thị trấn Mường Xén có khá nhiều thương lái chuyên thu mua các loại đặc sản từ vườn rừng cho bà con, rồi vận chuyển về xuôi, theo đơn hàng của người tiêu dùng. Một thương lái cho biết: Có bao nhiêu sản phẩm bà con gùi ra đều được thu mua hết, sau đó, đóng gói, gửi xe khách xuống miền xuôi.
Hiện, đang là đầu vụ, hàng chưa nhiều, nên giá còn khá cao, cụ thể bí rẫy: 6.000 đồng/kg, khoai sọ từ 7.000 - 15.000 đồng/kg; gừng 15.000 đồng/kg; rau cải thảo 15.000 đồng/kg; cải ngồng 15.000 đồng/bó; dưa rẫy 12.000 - 15.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Kỳ Sơn cho biết: Mấy năm trở lại đây, các loại đặc sản như bí rẫy, khoai sọ, gừng và rau các loại đã là nguồn thu nhập đáng kể của nhiều bà con vùng cao ở Kỳ Sơn. Hiện, chưa có thống kê sản lượng cụ thể, bởi phần lớn các sản vật này được bà con trồng rải rác trên vườn đồi, và một phần tự mọc. Những xã có nhiều đặc sản vườn đồi nói trên là Tây Sơn, Na Ngoi; nhất là gừng, được trồng nhiều ở Mường Lống, Huồi Tụ và Phà Đánh.
"Đầu năm 2018, Sở KH&CN đã phối hợp với một doanh nghiệp và huyện trồng thí điểm mô hình vườn khoai sọ quy mô 1 ha, tại xã Mường Lống, sắp tới sẽ thu hoạch. Nếu mô hình thành công, sẽ được nhân rộng, thành cây đặc sản của địa phương" - ông Nguyễn Xuân Trường cho biết thêm.Anh Sơn: Trên 300ha chuyên canh rau màu hàng hóa
Vụ đông 2018, huyện Anh Sơn (Nghệ An), tổ chức nhiều vùng sản xuất rau màu hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững, nhằm tạo ra những cánh đồng chuyên canh thu nhập cao.
Cánh đồng sản xuất rau màu hàng hóa theo hướng tập trung ở huyện Anh Sơn (Nghệ An)
Cây mướp hương, là loại rau màu được nông dân xã Cẩm Sơn, trồng nhiều ở diện tích đất tận dụng ven bãi. Bà con cho biết, mỗi sào mướp hương cho năng suất từ 1,5 - 2 tấn, trừ chi phí lãi ròng 10 triệu đồng.
Vì vậy, lãnh đạo xã đã tích cực vận động bà con chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rau màu hàng hóa; đưa giống cây mới, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón; mở 2 lớp tập huấn trong vụ đông về phát triển rau an toàn cho trên 300 hộ dân, từ đó từng bước hình thành vùng chuyên canh rau màu hàng hóa
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: “Vụ đông năm nay, xã tập trung sản xuất đa dạng các loại rau màu, tại các cánh đồng chuyên canh, với diện tích 40 ha, chủ yếu là mướp, bầu bí, dưa chuột, đậu cô ve, bắp cải”.
Ở xã Tào Sơn, bà con lại sản xuất bí, trên 30 ha, với hơn 200 hộ tham gia. Tập trung nhiều nhất là các vườn ở xóm 5 và 9. Hiệu quả từ việc đưa cây rau màu hàng hóa, thời gian qua vào vụ đông, ở Tào Sơn đã khẳng định hướng đi đúng đắn, trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; nguồn thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,2%.
Theo đó, Đề án sản xuất vụ đông 2018, huyện Anh Sơn gieo trồng 305 ha, rau đậu các loại, tập trung nhiều ở Cẩm Sơn, Thạch Sơn, Lạng Sơn, Tường Sơn (55ha bầu bí), ở Cẩm Sơn, Đức Sơn, Tào Sơn (81 ha khoai lang). Căn cứ vào điều kiện và chất đất, nhiều địa phương ở Anh Sơn đã chủ động xây dựng các vùng rau an toàn. Huyện cũng đã phối hợp với các ban ngành và địa phương, thường xuyên mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật. Nhiều xã đã khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân.
Ngoài ra, huyện còn khuyến khích các địa phương quy hoạch vùng sản xuất, bố trí cơ cấu giống phù hợp; ưu tiên đưa các giống cây trồng mới, có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất; nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sơn Dương: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông
Vụ đông năm nay, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), có kế hoạch gieo trồng 90 ha cây rau màu, trong đó, 80 ha trồng trên đất ruộng, và 10 ha ngoài soi bãi. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân tích cực ra đồng trồng, chăm sóc cây vụ đông.
Bà con xã Đại Phú chăm sóc rau màu vụ đông
Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đại Phú cho biết, để đảm bảo sản xuất vụ đông năm 2018, đem lạihiệu quả cao, , xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông, xuống từng khu dân cư, đôn đốc bà con, khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa mùa, để kịp trồng cây vụ đông theo đúng khung thời vụ.
Vụ mùa năm nay, xã Đại Phú gieo cấy 415 ha lúa, chủ yếu là giống lúa thuần ngắn ngày; thời tiết thuận lợi nên việc thu hoạch rất nhanh. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa mùa đã thu hoạch xong, người dân đang tích cực làm đất và chăm sóc cây màu sớm. Thời điểm này, Đại Phú đã trồng được 60 ha cây vụ đông, trong đó có 30 ha rau màu, và 30 ha cây ngô.
Tại cánh đồng thôn Thái Sơn Tây, những ruộng ớt, rau cải, ngô đã lên xanh mướt, và phát triển tốt. Bà Phạm Thị Ngọc, cho biết, trước đây trồng rau chủ yếu để phục vụ gia đình. Bây giờ trồng rau để bán, cây trồng vụ đông trở thành nguồn thu nhập quan trọng, nên gia đình đã chọn những giống cây đem lại giá trị kinh tế cao. Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt, nên vụ đông thường cho năng suất cao, dễ tiêu thụ. Vụ đông 2018, gia đình trồng 6 sào ớt, nhờ chăm sóc, bón phân cân đối, nên cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Tại các thôn có diện tích vụ đông tập trung như Thái Sơn Đông, Đồng Cảo, Tứ Thể, Vinh Phú, Lý Sỉu..., đâu đâu cũng thấy người dân ra đồng trồng và chăm sóc cây vụ đông. Chị Nguyễn Thị Thêm, thôn Tứ Thể chia sẻ, trước đây do hệ thống mương đất xuống cấp, nước không đủ tưới tiêu, nên vụ đông gia đình chị chỉ trồng 3 sào rau màu. Vài năm trở lại đây, thôn được đầu tư mương bê tông, dẫn nước về khắp các cánh đồng, nên việc tưới tiêu thuận lợi hơn, chúng tôi đã tăng diện tích cây vụ đông lên 6 sào. Cùng với đó, đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho rau, nên hiệu quả kinh tế cao, trung bình mỗi sào cho thu lãi từ 15-20 triệu đồng.
Để các loại rau màu sinh trưởng, phát triển thuận lợi, xã Đại Phú tiếp tục đôn đốc cán bộ khuyến nông tích cực hướng dẫn nông dân, tập trung chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng. Đồng thời, hướng dẫn bà con lựa chọn cây trồng phù hợp khí hậu địa phương; có khả năng sinh trưởng ngắn, chống chịu hạn tốt.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…