Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2019 | 13:53

Sản xuất giống phải theo thị trường

Sau gần 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển giống cây nông - lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020”, nhiều giống cây trồng - vật nuôi mới được chọn tạo hoặc nhập nội.

tr12.jpg
Đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm giống cây lâm nghiệp sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Vũ Sinh.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Đề án phát triển giống vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, hoàn thiện trong giai đoạn mới.

Gần 1.000 giống mới được đưa vào sản xuất

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển giống cây nông - lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020”, nhiều giống cây trồng - vật nuôi mới được chọn tạo hoặc nhập nội. Những giống có ưu thế đã được áp dụng trên diện rộng, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm.

Từ năm 2010 đến nay, đã có 685 giống cây trồng, 252 giống cây lâm nghiệp, 26 dòng/tổ hợp lai vật nuôi và 13 giống thủy sản được công nhận.

Hệ thống nguồn gen cây trồng - vật nuôi tiếp tục được duy trì, lưu giữ và đánh giá. Đây là nguồn vật liệu vô cùng quan trọng, phục vụ cho nghiên cứu, chọn tạo giống trong trước mắt và lâu dài. Một lượng lớn giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống đầu dòng, giống bố mẹ hạt lai… sản xuất ra từ các dự án đã được doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp nhận để nhân các cấp giống tiếp theo, cung cấp cho sản xuất đại trà.

Tỷ lệ sử dụng giống cấp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất một số cây trồng - vật nuôi đạt và vượt mục tiêu đề ra (70%) như: ngô đạt 95%; sắn 75%; cà phê 70%; cao su, chè, chuối, nhãn, vải, thanh long 100%; cây giống lâm nghiệp đạt 80%; 93% đàn lợn, 70% đàn gia cầm; 100% giống tôm thẻ chân trắng và cá rô phi được kiểm soát chất lượng...

Với gần 1.000 giống cây trồng - vật nuôi mới trong giai đoạn 2010-2018 được đưa vào sản xuất nên năng suất nhiều cây trồng - vật nuôi tăng vượt so với mục tiêu Đề án (15%). Điển hình, năng suất ngô tăng 16%; cam tăng 25%; nhãn tăng 26%; chè tăng 22%; cà phê tăng 20,5%…

Năng suất sinh khối trong trồng rừng kinh tế tăng 50%. Trọng lượng lợn xuất chuồng tăng 32%; năng suất sữa tăng 200-300 kg/con/chu kỳ. Năng suất nuôi cá tra tăng 22%, tôm nước lợ tăng 82%, cá rô phi đơn tính tăng 3,7 lần... Đã thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống, hàng năm, các doanh nghiệp và hộ dân đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng để sản xuất giống cây trồng - vật nuôi.

Tuy nhiên, ông Việt cũng cho hay, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống mới tập trung vào những cây trồng - vật nuôi ngắn ngày, sinh trưởng nhanh; một số giống mới được công nhận nhưng chưa được sử dụng rộng trong sản xuất. Đáng chú ý, trong trồng trọt, mới tập trung chọn tạo giống lúa, ngô…. vì vậy, từ năm 2010-2018, trong tổng số 248 giống được công nhận chính thức, có 80,6% là giống lúa và giống ngô. Chọn giống các loại rau ăn lá, điều, một số loại cây ăn quả… còn chưa được quan tâm; cây hồ tiêu 10 năm qua chưa có giống mới được công nhận.

Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất một số cây trồng - vật nuôi chưa đạt mục tiêu đề ra; các địa phương còn tồn tại hiện tượng người sản xuất sử dụng giống cây trồng - vật nuôi chưa đúng quy chuẩn kỹ thuật. Các thành phần kinh tế còn ít đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống.

“Nguyên nhân do công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng - vật nuôi ngắn ngày mất ít thời gian, nhanh có kết quả và lợi nhuận nên thu hút doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia. Hệ thống sản xuất giống cây trồng -  vật nuôi hiện nay chưa đủ sức sản xuất giống đáp ứng nhu cầu thực tiễn đòi hỏi. Cơ chế, chính sách chưa thực sự thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia chọn tạo giống”, ông Việt cho hay.

Chuyển hướng theo mệnh lệnh thị trường

Trước thực tế về chọn tạo giống cây trồng - vật nuôi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sự chuyển hướng nghiên cứu giống theo hướng thị trường có chuyển động nhưng chưa nhạy bén, thậm chí còn chậm. Đó là, trong khi rau, hoa, quả có nhu cầu, tiềm năng phát triển nhưng lại còn yếu trong khâu giống, đặc biệt là các giống rau ăn lá, hoa…

 

tr12a.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm sản phẩm trưng bày của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT). Ảnh: Vũ Sinh.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, kết quả đạt được nêu trên là do Việt Nam đã chỉ đạo cơ bản hoàn thiện thành công hệ thống thủy lợi, tưới tiêu. Bên cạnh đó, nước ta có hệ thống khuyến nông hoạt động hiệu quả, xuyên suốt, khoa học từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn cho rằng, Đề án phát triển giống vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, hoàn thiện trong giai đoạn mới. Đó là việc thích ứng với thị trường chưa được cao, vẫn tập trung quá nhiều vào các giống lúa, trong khi nhiều giống khác như rau, khoai tây, hoa… vẫn phải nhập khẩu rất lớn. Việc kêu gọi, huy động doanh nghiệp chưa đạt như mong đợi. Chưa thực sự chủ động tìm hiểu, đánh giá, phân tích nhu cầu, thế mạnh thị trường thế giới. Vai trò quản lí của nhà nước và cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu. Vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội chưa được coi trọng, chưa trở thành nhân tố quyết định. Đầu tư công chưa đến tầm và chưa tạo được ra đột phá, nhất là vào các mũi trọng điểm định hướng phát triển các loại giống. Chưa tạo ra “quả đấm thép” trong công tác phát triển giống.

Để nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản lý giống cây nông - lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản theo hướng hiện đại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chọn tạo, sản xuất giống; thực hiện thành công cơ cấu lại ngành, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Đề án “Phát triển giống cây nông - lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản giai đoạn 2021-2030”.

Mục tiêu đề án là tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất đại trà, nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành từ nay đến năm 2030. Sẽ có khoảng 500-700 giống cây trồng - vật nuôi mới được đưa vào sản xuất.

“Đề án mới cần gắn chặt chẽ với yếu tố thị trường, bởi thị trường là mệnh lệnh của sản xuất; nếu không thay đổi, nền nông nghiệp sẽ chậm phát triển. Để thực hiện được mục tiêu này, khâu giống phải đi trước và khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư, tạo giống cây trồng - vật nuôi chất lượng cao”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Đề án sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất giống những cây trồng - vật nuôi được ưu tiên cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương.

Khi đó, các viện, trường và một số doanh nghiệp có điều kiện tham gia sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống bố mẹ, giống đầu dòng…; giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ…; giống bố mẹ các loài thủy hải sản chủ lực.

Các doanh nghiệp/hộ dân liên kết, tiếp nhận nguồn giống nêu trên của các viện, trường để nhân các cấp giống tiếp theo phục vụ sản xuất đại trà.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top