Từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, giá gà và heo hơi giảm sâu khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Sáu giải pháp để giải cứu ngành chăn nuôi đã được Hội Chăn nuôi tỉnh này nêu ra tại buổi tọa đàm ngành chăn nuôi Đồng Nai thời kỳ hội nhập do Hội Nông dân phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai tổ chức.
Nhiều điểm bán thịt heo bình ổn giá giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn.
Tăng điểm bán thịt bình ổn giá
Theo Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, việc tiêu thụ các sản phẩm ngành chăn nuôi heo, gà trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái và tiểu thương ở chợ. Do giá bán giảm sâu dưới giá thành nên nhiều hộ chăn nuôi phải tạm ngừng tái đàn. Các hộ có heo chưa xuất chuồng thì chọn giải pháp cho heo ăn cầm chừng chờ tăng giá. Các hộ có heo nái sinh sản đang loại bớt lượng heo nái hiện có để giảm đàn, một số hộ tự giết mổ và bán thịt heo tại gia đình.
Bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Thực tế, hiện các hộ chăn nuôi không đủ khả năng trả nợ tiền mua thức ăn chăn nuôi cho các đại lý và tiền vay ngân hàng. Trong khi đó, các đại lý đều vay ngân hàng để kinh doanh, việc thu hồi nợ từ các hộ chăn nuôi cũng đang gặp nhiều khó khăn”.
Trước tình hình chăn nuôi heo đang gặp khó khăn, các sở ngành trong tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các địa phương tổ chức 14 điểm bán thịt heo bình ổn giá cho người tiêu dùng; đồng thời giúp người chăn nuôi bán được heo với giá tốt hơn.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai, nhìn nhận: “Thông tin vui cho người chăn nuôi gia cầm của tỉnh trong thời “giải cứu” này là địa phương đang chuẩn bị cho xuất khẩu lô gà chế biến đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Từ đây, chắc chắn sẽ mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm gà ở thị trường nước ngoài”.
Theo ông Báu, khó khăn nhất hiện nay là “cuộc chiến” giá thành, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá sản phẩm đầu ra xuống quá thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Theo nhận định, khoảng 3 tháng tới, lượng heo ở Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng mạnh theo chu kỳ nuôi. Do vậy, Hiệp hội Chăn nuôi heo Đồng Nai cần tăng cường thêm các điểm bán thịt heo an toàn với giá rẻ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh để tăng lượng tiêu thụ, hỗ trợ người chăn nuôi.
Thiếu vai trò điều tiết thị trường
Để bình ổn chăn nuôi và thị trường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam Kiều Minh Lực cho rằng, ngành chăn nuôi của ta đang thiếu vai trò điều tiết thị trường. Đối với lúa gạo thì có kho dự trữ, nhưng thịt heo chỉ có dự trữ trên con heo sống do biến động của thị trường. Do vậy, để tháo gỡ cần phải phát triển hệ thống giết mổ công nghiệp cùng với kho lạnh, lò mổ, chế biến. Hạn chế mặt hàng đông lạnh nhập khẩu để thúc đẩy việc đông lạnh tại chỗ, tiêu thụ tại chỗ thì chắc chắn sẽ có lợi thế hơn. Nếu chúng ta tự cấp đông lạnh giữ được 3 tháng thì đã đủ thời gian điều tiết tốt thị trường và cạnh tranh được với mặt hàng đông lạnh nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Phân viện chăn nuôi Nam Bộ lại đưa ra quan điểm: “Tôi cho rằng các giải pháp giải cứu hiện nay đang can thiệp thô bạo vào quy luật tự nhiên của thị trường. Vì nếu không để cho họ tự tiêu đi bằng cách phát triển ngành khác thì chắc chắn sau này sẽ còn diễn ra theo quy luật tự nhiên”.
Theo ông Tỉnh, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo cũng chỉ là quản lý phần ngọn, vì người tiêu dùng khi sử dụng thịt heo nếu truy xuất thông tin thì cũng chỉ biết được đến trại nuôi còn người nuôi làm gì thì mù tịt. Thực tế có nhiều trại nuôi heo nhỏ lẻ khi kiểm tra chỉ trình ra được duy nhất một tờ giấy… ghi nợ, chứ không phải chuỗi thông tin ghi chép về quá trình nuôi.
Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã đưa ra 6 giải pháp để giải cứu ngành chăn nuôi Đồng Nai: Nhà nước phải rà soát quy hoạch nông nghiệp, định hướng cho hội viên, nông dân chăn nuôi các loại con đảm bảo có đầu ra ổn định; Tìm kiếm doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ổn định cho nông dân; Quản lý tốt giá cả vật tư đầu vào, giá thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Xây dựng chợ đầu mối bán thịt gia súc, gia cầm; Tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; Nghiên cứu giải pháp tiết giảm giá thành sản xuất, hạ giá bán sản phẩm vật tư nông nghiệp cho nông dân...
Trường Sơn
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.