Theo các nông hộ trồng sầu riêng ở Đắk Lắk, năm nay, do thời tiết khá thuận lợi, cộng với đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối... nên cây sầu riêng phát triển, cho năng suất cao.
Các vườn sầu riêng từ 10-15 năm tuổi của các nông hộ ở các huyện Krông Pắk, Cư M’gar, Krông Búk trồng thuần và trồng xen trong các vườn càphê đều cho năng suất từ 35-40 tấn quả/ha, cao hơn năm ngoái từ 10-15 tấn quả/ha.
Gia đình chị Dương Thị Dần, ở thôn 3, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), có 200 cây sầu riêng, giống Dona trồng thuần mới 8 năm tuổi nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đã cho năng suất 40 tấn quả/ha và phần lớn quả sầu riêng đều có gai đều, vỏ nhẵn, không bị teo tóp.
Với giá bán như hiện nay từ 68.000-70.000 đồng/kg (tăng từ 22.000-23.000 đồng/kg so với năm ngoái) sau khi trừ các khoản chi phí, chị Dần có khả năng thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng.
Còn đối với anh Hà Văn Hào, ở thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk) có 230 cây sầu riêng trồng xen trong vườn càphê đã 10 năm tuổi, vụ này cũng thu về 45 tấn quả, tăng hơn vụ sầu riêng năm ngoái gần 15 tấn quả cũng thu về hàng tỷ đồng tiền lãi...
Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 4.000ha sầu riêng, trong đó có gần 2.200ha cho thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở các huyện Krông Pắk, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Búk, Cư Kuin, Ea H’leo. Phần lớn diện tích sầu riêng này đều được các nông hộ trồng xen trong vườn càphê, với các giống sầu riêng chủ lực như Dona, Ri6, Monthon, trong xen với mật độ từ 90-100 cây sầu riêng/ha càphê.
Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, càphê là cây ưa bóng nên các vườn càphê có trồng xen cây sầu riêng, bơ, với mật độ thích hợp sẽ giúp cho cây sinh trưởng không những tốt hơn, lâu bị già cỗi, ít sâu bệnh hại, tạo môi trường sinh thái phù hợp ứng phó với biến đổi khí hậu, cho năng suất ổn định hơn, tăng hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng thuần càphê.
Theo tính toán, với giá bán sầu riêng như hiện nay, thu nhập mỗi ha càphê có trồng xen sầu riêng với giống Dona, Ri6 là khoảng 500 triệu đồng, cao hơn gần gấp 4 lần so với trồng thuần càphê; trong đó, cao nhất là huyện Krông Pắk, Krông Búk đạt 871 triệu đồng/ha...
Hiện nay, bà con tiểu thương, các đại lý thu mua cũng như các nông hộ trồng sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk tập trung lao động, phương tiện thu hoạch nhanh gọn, vệ sinh từng quả, đóng bao bì đảm bảo chất lượng không bị hư hỏng để giao cho khách hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết./.