Hết heo, tái đàn thì sợ dịch, bỏ chuồng trại trống thì trắng tay, nhiều nông dân quyết định “thử vận may” với gia cầm.
Tại Đồng Nai, sau khi dịch tả heo châu Phi càn quét, tổng đàn heo ở tỉnh này đã giảm hơn 1 nửa, số heo còn lại đa số nằm ở các trang trại chăn nuôi lớn, heo trong dân cơ bản đã không còn. Hết heo, tái đàn thì sợ dịch, bỏ chuồng trại trống thì trắng tay, nhiều nông dân quyết định “thử vận may” với gia cầm. Nhưng lại có những cảnh báo về việc tăng đàn gia cầm.
Đàn gia cầm ở Đồng Nai tăng mạnh bất chấp nhiều rủi ro. |
Hết heo, chuyển sang nuôi gia cầm
Dịch tả heo châu Phi quét qua, phần lớn các nông hộ ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai đã hết heo. Nông dân ít ai dám tái đàn, phần vì sợ dịch, phần vì… đã cạn vốn, nếu tái đàn heo thì rủi ro là quá cao. Tái đàn không được, bỏ trống chuồng trại lại không xong, thế là gia cầm được lựa chọn như một giải pháp thay thế.
Bà Hoàng Thị Thanh Linh ở ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ vừa mất đàn heo 400 con do dịch tả. Với số tiền hỗ trợ ít ỏi, bà Linh quyết định “thử sức” với gia cầm. Việc cải tạo ngay những chuồng trại trước đây nuôi heo không quá khó khăn, tốn kém, bà Linh bắt tay nuôi khoảng 8.000 con gà đẻ và 1.000 con vịt. Thế nhưng đây lại là lần đầu tiên bà Linh nuôi gia cầm nên không khỏi lo lắng.
Bà Linh cho biết: "Tôi chưa nuôi bao giờ nên cũng lo lắng lắm. Giờ chỉ dám nuôi ít, nuôi thử lấy kinh nghiệm đã. Chuồng trại giờ thì trống quá nhiều, mà còn đang nợ ngân hàng nên phải tìm cách xoay xở".
Những nông dân quyết định chuyển sang nuôi gia cầm ở Đồng Nai như bà Linh không ít bởi họ không có nhiều lựa chọn. Người này bảo người kia, cùng nhau nuôi gia cầm vì so với heo, gia cầm đầu tư ít hơn, thời gian nuôi ngắn hơn và quan trọng nhất là không sợ dịch tả khủng khiếp như thời gian qua. Nhiều người nuôi khiến tổng đàn gia cầm ở Đồng Nai tăng mạnh, thống kê mới nhất con số đã là khoảng 24 triệu con, tăng hơn 3 triệu con so với thời điểm dịch tả heo chưa xảy ra.
Hiện giá gà đang ở mức 22.000 đến 25.000 đồng/kg đối với gà trắng, 27.000 đến 28.000 đồng/kg đối với gà tam hoàng và gần 50.000 đồng/kg đối với gà ta, còn giá vịt là trên 30.000 đồng/kg. Mức giá này có vẫn thể coi là ổn ở thời điểm hiện tại khi thịt heo có nguy cơ thiếu hụt, nhưng lại giảm khá sâu so với đầu năm, thậm chí có lúc giá gia cầm trên thị trường thấp hơn giá thành khiến người nuôi thua lỗ.
Nhiều rủi ro
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, việc tăng đàn gia cầm để bổ sung, thay thế cho lượng thịt heo bị thiếu là cần thiết.
Tuy vậy ông Quang lo ngại việc tăng đàn ồ ạt sẽ kéo theo nhiều nguy cơ: "Thứ nhất là vấn đề dịch. Mật độ dày, điều kiện chăn nuôi không đảm bảo cộng với thời tiết cuối năm thì nguy cơ dịch bệnh lớn. Thứ 2, nếu tất cả đổ xô đi nuôi gà nuôi vịt thì có thể liên quan đến “cung – cầu”. Có thể thịt heo ít thì nhu cầu gà tăng lên, nhưng nó tăng ở mức độ nào đó thôi chứ đâu phải thịt gà thay thế hoàn toàn thịt heo".
Nhận định về tình hình tăng đàn gia cầm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ nhận xét, hiện nhiều nông dân vẫn còn xu hướng chăn nuôi theo phong trào, theo kiểu người này nuôi được thì người kia cũng nuôi, hay được giá thì đổ xô nuôi mà không tính toán đến các yếu tố như dịch bệnh, đầu ra... Từ đó dẫn đến tình trạng “cung – cầu” thường xuyên nhảy múa, có lúc “cung” vượt “cầu” nhưng lại có lúc “cầu” quá nhiều còn “cung” quá ít.
Theo ông Ngọc, cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực chăn nuôi cần có các kế hoạch cụ thể về nhu cầu thị trường, giúp người chăn nuôi có cơ sở căn cứ vào đó để điều tiết tăng hay giảm đàn cho phù hợp, còn hiện tại đa số người nuôi “tự bơi”.
Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ Nguyễn Văn Ngọc nêu ý kiến: "Đúng ra là Bộ Nông nghiệp hàng năm phải có một kế hoạch, nuôi bao nhiêu thì đủ cung cấp. Từ xưa tới giờ không có cơ quan nào làm kế hoạch cả. Người nuôi, doanh nghiệp tự điều chỉnh, muốn nuôi bao nhiêu thì nuôi, muốn thả bao nhiêu thì thả, ế thì tự giảm, không có định hướng. Cho nên cần phải có bảo hộ, không cần bảo hộ về tiền, mà chỉ cần bảo hộ về kế hoạch".
Trong khi dịch tả heo châu Phi vẫn chưa hết thì vấn đề tăng đàn gia cầm ồ ạt lại đối mặt với nhiều rủi ro. Điều đó cho thấy ngành chăn nuôi vẫ còn rất nhiều thách thức nếu không sớm có các giải pháp hiệu quả, căn cơ. Và chịu thiệt thòi nhiều nhất, không ai khác vẫn chính là người nông dân.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.