Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 5 năm 2022 | 21:52

Sóc Trăng: Thành tựu qua 30 năm tái lập tỉnh, thu hút đầu tư

Qua 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022), Sóc Trăng đã vượt qua nhiều khó khăn và đã đạt nhiều thành tựu khá toàn diện trên các mặt công tác; các doanh nghiệp đến đầu tư ngày càng nhiều.

tỉnh-sóc-trăng-đón-nhận-huân-chương-hồ-chí-minh.jpgTỉnh Sóc Trăng đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

 

Thành tựu sau 30 năm ...

Đầu tháng 4/1992, tỉnh Sóc Trăng chính thức được tái lập. Sóc Trăng là tỉnh thuần nông, diện tích đất đai hầu hết bị nhiễm phèn, mặn; kết cấu hạ tầng yếu kém, lạc hậu, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh rất khó khăn. Tổng sản phẩm nội tỉnh chỉ đạt 1.268 tỷ đồng; thu nhập bình quân khoảng 1,34 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 45 tỷ đồng; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, có đến 27,7% số hộ thiếu đói và 36,7% số hộ nghèo.

Trước những khó khăn, thách thức đó, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã đoàn kết, sáng tạo, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực, thời cơ, nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn. Sau 30 năm tái lập, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Sau 30 năm đổi mới, tỉnh Sóc Trăng từ nền kinh tế lúa nước lạc hậu, đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, hợp lý trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2021, quy mô kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 57.120 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1992. GRDP bình quân đầu người là 47,33 triệu đồng/năm, tăng 35,32 lần so với năm 1992. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách để khai thác tốt nguồn thu; chỉ đạo, điều hành có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh để tạo nguồn thu cho ngân sách. Kết quả thu ngân sách tỉnh hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch, từng bước đáp ứng tốt một phần nhu cầu chi. Năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn (thu nội địa) đạt 4.238 tỷ đồng, tăng 116 lần so với năm 1992.

Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Tỉnh xây dựng, triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi sản xuất, các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đầu tư kết cấu hạ tầng thuỷ lợi, điện, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp... Qua đó, sản xuất nông nghiệp đạt được những thành tựu nổi bật, sản lượng lúa hằng năm của tỉnh đạt trên 2 triệu tấn, tăng 2,4 lần so năm 1992; chuyển dần sản xuất lúa theo hướng đặc sản, chất lượng cao, đặc biệt nhóm giống lúa ST (lúa đặc sản, lúa chất lượng cao các loại chiếm hơn 78,79% diện tích), mang lại giá trị thu nhập cao cho người sản xuất. Năm 2021, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản là 339.082 tấn, tăng 12,44 lần so với năm 1992.

một-góc-tpsóc-trăng.jpgMột góc TP. Sóc Trăng.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân. Đến nay,  hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Thời gian qua, các địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 3 huyện/thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 58/80 xã được công nhận xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 72,5%, cao hơn bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 69,6%), trong đó, có 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Công nghiệp là ngành đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo của tỉnh. Sóc Trăng có lợi thế về các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, năng lượng... Các lĩnh vực này đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân. Để phát triển sản xuất công nghiệp, tỉnh quy hoạch 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.106ha, 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 263,5ha. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến việc khai thác tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Trong những năm gần đây, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 20 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất 1.435 MW. Hiện đã có 11 dự án khởi công, thi công. Đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án vận hành thương mại, với tổng công suất 110,8 MW.

Thương mại, dịch vụ có bước chuyển biến tích cực. Hoạt động thương mại nội địa, xuất khẩu hàng hóa được đẩy nhanh, thị trường mở rộng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nhân dân và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Sóc Trăng thực hiện có hiệu quả đề án phát triển chợ trên địa bàn tỉnh, xã hội hóa trong việc đầu tư, khai thác hệ thống chợ, trung tâm thương mại...; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, với các hình thức thanh toán linh hoạt, chú trọng phát triển thương mại điện tử giúp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong những năm gần đây là điểm sáng của tỉnh; tính đến năm 2021, hàng hóa của tỉnh Sóc Trăng đã xuất khẩu đến khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Mỹ, Philippines, EU, Nhật, Canada, Trung Quốc, Australia..., với trị giá xuất khẩu khoảng 1 tỷ 289 triệu USD, tăng 51,56 lần so với năm 1992.

trao-quyết-định-công-nhận-tpsóc-trăng-là-đô-thị-loại-2.jpgTrao quyết định công nhận TP.Sóc Trăng là đô thị loại 2.

 

Tình hình phát triển đô thị của tỉnh Sóc Trăng nói chung và trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nói riêng có những chuyển biến tích cực; các đô thị của tỉnh tăng về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nếu năm 1992, tỉnh có 7 đô thị, thì đến năm 2021 tăng lên 19 đô thị; tốc độ đô thị hóa của tỉnh năm 2021 là 32,43%, cao hơn mức bình quân của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (khoảng hơn 31%).

Các cấp ủy, chính quyền quan tâm công tác giảm nghèo, thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ người nghèo hiệu quả, giúp người dân tăng thêm thu nhập, đặc biệt là xoá đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer, tạo điều kiện để người dân vươn lên làm giàu bền vững. Hiện nay, đời sống người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số có những chuyển biến tích cực; năm 2021, tỉnh không còn hộ thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 6,64%, giảm 30,06% so với năm 1992... 

lãnh-đạo-tỉnh-sóc-trăng-kí-kết-biên-bản-ghi-nhớ-với-các-nhà-đầu-tư.jpgLãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kí kết biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư.

 

Cam kết đầu tư 9 tỷ USD vào Sóc Trăng

UBND tỉnh Sóc Trăng  đã trao 4 quyết định chủ trương đầu tư, ký kết gần 20 biên bản ghi nhớ với tổng vốn khoảng 9 tỷ USD, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 28/04/2022.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng định hướng kêu gọi đầu tư, với 5 trụ cột thuộc các lĩnh vực: dịch vụ logistics, hạ tầng công nghiệp - đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư , UBND tỉnh Sóc Trăng đã trao 4 quyết định chủ trương đầu tư, ký kết gần 20 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án với tổng vốn trên 9 tỷ USD (tương đương hơn 210.000 tỷ đồng) trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, năng lượng, giao thông, xây dựng, đô thị, logistics, chuyển đổi số...

dien-gio.jpg
Điện gió tại Sóc Trăng.

 

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tỉnh  Sóc Trăng cần tập trung phát triển môi trường đầu tư theo tiêu chí "công khai, minh bạch, bình đẳng, an toàn, hiệu quả, bền vững". Địa phương không được đánh đổi để thu hút đầu tư bằng mọi giá; bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên trong thu hút đầu tư...

Đến nay, bảy dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ, bốn dự án đang triển khai với tổng số vốn 3.230 tỷ, hai dự án đã thực hiện thủ tục đấu giá, hai dự án đang thực hiện các thủ tục quy hoạch... Sóc Trăng có khoảng 1,2 triệu dân, trong đó hơn 30% là người Khmer. Đây là địa phương có thế mạnh sản xuất chế biến, xuất khẩu gạo, thủy sản... ở miền Tây.

Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8% mỗi năm; thu nhập bình quân đầu người đến cuối nhiệm kỳ đạt 75 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-3% mỗi năm..

Ở lĩnh vực kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tỉnh Sóc Trăng đang kêu gọi đầu tư 9 dự án, với tổng diện tích 1.081 ha. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đang kêu gọi đầu tư dự án tại xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) diện tích 18 ha và tại đường Kênh Thị Đội (phường 5, thành phố Sóc Trăng) diện tích 9 ha cùng Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời Nông trại 1/5 (xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú) diện tích 18 ha.

Đồng thời, Sóc Trăng cũng kêu gọi đầu tư 2 Dự án Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại Phân trường Thạnh Trị (thị xã Ngã Năm) diện tích 662 ha và Phân trường Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) diện tích 314 ha.

Đặc biệt, Dự án Cảng biển Sóc Trăng (Khu bến Trần Đề) đang được tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư, với mục tiêu đầu tư xây dựng hiện đại cảng biển, khu bến, cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển. Địa điểm dự án nằm trên địa bàn huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Trong đó, Bến cảng Trần Đề được định hướng quy hoạch nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa, đường bộ gồm Quốc lộ 60, Quốc lộ 1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C thuận lợi đến các cảng và đầu mối logistics của vùng. Bến cảng Trần Đề đã được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Khi đưa vào hoạt động, dự án này sẽ mang lại hiệu quả cao, tạo đột phá cho Sóc Trăng nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Sóc Trăng, dự kiến sẽ tạo nhiều công ăn, việc làm cho lao động ở địa phương./.

 

 

 

 

 

Nguyễn Văn Bớt
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top