Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 4 năm 2022 | 11:5

Sơn La chủ động kết nối tiêu thụ nông sản

Chỉ còn gần 1 tháng nữa, Sơn La sẽ vào vụ thu hoạch xoài, tiếp đó là nhãn... Do đó, Sở Công Thương Sơn La đang chuẩn bị phương án tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản.

Sông Mã mở rộng vùng trồng nhãn xuất khẩu

Chủ động tiêu thụ nhãn vụ 2022, huyện Sông Mã đang tích cực phối hợp với các sở, ngành tìm hiểu thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, hướng dẫn các HTX, người trồng nhãn bón phân, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo sản phẩm nhãn đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

nhan.jpg

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương kiểm tra sâu bệnh hại quả nhãn.

 

Những ngày này, vườn nhãn của gia đình anh Trần Văn Lộc, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương, luôn duy trì khoảng 5 lao động chăm sóc nhãn, đảm bảo chất lượng nhãn vụ 2022, mẫu mã đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Vườn nhãn của gia đình anh Lộc là vườn duy nhất của HTX được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 6 ha.

Chia sẻ bí quyết để có vườn nhãn ngon, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, anh Lộc cho biết: Tôi chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để bón cho nhãn; liều lượng, ngày giờ bón phân được ghi chép tỷ mỉ, cẩn thận vào sổ theo dõi sản xuất. Khi cây ra hoa, ra quả non, không tham sản lượng nhiều, phải cân nhắc tuổi của cây để giữ lượng quả phù hợp, như vậy quả mới đều, đẹp và ngon.

Hiện, nhãn đã đậu quả, cùng với việc tỉa bớt khoảng 40% quả để cây tập trung dinh dưỡng cho quả to đẹp, tôi đang thuê thêm nhân công để chăm sóc, bón phân cho nhãn lần 2; đồng thời, tưới nước bằng máy bơm công suất lớn 2 lần/tuần. Năm nay, dự báo việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc khó hơn nữa, nên tranh thủ sự hỗ trợ từ các đơn vị phòng, ban chuyên môn của huyện và HTX, gia đình tôi dồn lực chăm sóc nhãn, quyết tâm vụ năm nay sẽ có sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường EU và Trung Quốc.

Tiếp nối thành công xuất khẩu nhãn sang thị trường EU và Vương Quốc Anh từ vụ nhãn năm 2021, HTX Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã đang tích cực liên hệ với các đơn vị thu mua nhãn để tìm đầu ra cho vụ nhãn 2022. Đồng thời, tuyên truyền các thành viên và hộ trồng nhãn tăng cường phòng trừ sâu, bọ xít non và chống rụng quả; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để nâng cao năng suất, lấy chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm làm tiêu chí hàng đầu, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản.

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Hoa Mười, thông tin: HTX có 14 thành viên với 30 ha nhãn, trong đó 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, ngoài diện tích nhãn của các thành viên, HTX còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho người trồng nhãn trên trên địa bàn trong huyện với tổng diện tích 60 ha. Hướng tới mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị quả nhãn, HTX phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện hoàn thiện thủ tục, cấp 5 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU với tổng diện tích 90 ha, sản lượng dự kiến 370 tấn.

Huyện Sông Mã hiện có 70 HTX, công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu phát triển cây ăn quả, nhiều nhất là cây nhãn. Đến nay, có 45/70 HTX, công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích trên 802 ha, dự kiến sản lượng quả đạt trên 9.374 tấn. Chủ động phương án sản xuất, tiêu thụ nhãn cho người dân, tránh để tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các HTX, Liên hiệp hợp tác xã, các hộ dân thực hiện tốt quy trình chăm sóc cho cây nhãn đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện nghiêm túc quy trình chăm sóc, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh. Vận động nhân dân hướng đến sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Xác định việc cấp mã số vùng trồng là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa cho quả nhãn vươn ra thị trường thế giới, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn hỗ trợ các HTX cấp các mã số vùng trồng xuất khẩu nhãn sang thị trường các nước. Đến nay, toàn huyện đã có 43 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu, trong đó, có 9 mã vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ, diện tích gần 70 ha, sản lượng dự kiến 688 tấn; 23 mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, diện tích 606 ha, sản lượng dự kiến gần 6.000 tấn; 11 mã vùng trồng xuất khẩu sang Úc, New Zealand, diện tích hơn 85 ha, sản lượng dự kiến 1.000 tấn. Năm nay, đối với việc tiêu thụ trong nước, huyện tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bắc Ninh... với số lượng dự kiến khoảng 21.620 tấn.

Nhãn Sông Mã đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước và đang có những bước tiến xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài. Tin rằng, với sự chủ động, đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chuyên nghiệp trong sản xuất của người trồng nhãn, vụ nhãn năm 2022 của huyện Sông Mã tiếp tục ghi dấu ấn với các lô nhãn xuất khẩu, đưa thương hiệu Nhãn Sông Mã vươn ra thị trường quốc tế.

Yên Châu chủ động phương án tiêu thụ nông sản

Chỉ còn một tháng nữa sẽ vào vụ thu hoạch xoài, mận hậu chính vụ, để đảm bảo các hoạt động tiêu thụ nông sản cho người dân, huyện Yên Châu đang tích cực triển khai các phương án xuất khẩu, chủ động kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu, tiêu thụ đề ra.

Yên Châu hiện có trên 2.090 ha xoài, gần 2.630 ha mận hậu đã cho thu hoạch, dự kiến cho sản lượng 12.665 tấn xoài, trên 27.130 tấn mận hậu. Những năm gần đây, chất lượng các sản phẩm xoài, mận hậu của huyện Yên Châu đã được khẳng định, tạo uy tín với người tiêu dùng. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ được mở rộng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu. Năm 2021, đã có gần 3.300 tấn quả xoài được xuất khẩu và bán ra thị trường các nước; trên 17.000 tấn xoài, 23.000 tấn mận hậu được tiêu thụ tại thị trường trong nước.

 

xoai.jpg

HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc hướng dẫn thành viên kỹ thuật bao trái.

 

Theo kế hoạch năm 2022, huyện Yên Châu xuất khẩu khoảng 2.500 tấn xoài, trong đó xuất khẩu khoảng 2.300 tấn quả xoài tươi, 200 tấn xoài thành sản phẩm sang thị trường các nước Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ... và gần 25.000 tấn mận tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết, UBND huyện chỉ đạo các xã rà soát, ước tính sản lượng xoài, mận hậu để xây dựng phương án xuất khẩu, tiêu thụ phù hợp; chủ động phối hợp với các ngành chức năng quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế, chế biến; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX quảng bá, gửi mẫu sản phẩm chào hàng; tham gia các sự kiện, tuần hàng trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn ở trong và ngoài tỉnh; liên kết với các đơn vị thu gom có đủ năng lực để phục vụ việc tiêu thụ, xuất khẩu.

Trước tác động của dịch Covid-19, huyện xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản phù hợp với các thời điểm khác nhau, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, tập trung phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các HTX, hộ dân đầu tư phát triển các kho bảo quản, kho lạnh, cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ để giảm sức ép cho việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi; tư vấn cho các doanh nghiệp, HTX xây dựng, thiết kế mẫu mã, bao bì nhằm tăng tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổ chức các lớp đào tạo nghề chế biến sấy dẻo xoài, mận nhằm bảo quản nông sản khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp hoặc thiên tai bất thường; hướng dẫn HTX, hộ dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng.

Chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các HTX kết nối tiêu thụ với các hệ thống siêu thị Vinmart, BigC miền Nam, hệ thống kênh siêu thị T-mart... Đến nay, đã ký kết cung cấp sản phẩm mận cho Công ty ECovi để xuất khẩu đi các nước Singapore, Malaysia; liên kết với Công ty xuất nhập khẩu Phusan Hải Dương chào hàng sản phẩm mận tại thị trường các nước EU. Tiếp tục mời Công ty TNHH Mia Fruit để thực hiện chương trình livestream về sản phẩm mận của Yên Châu trên mạng xã hội; tổ chức tiêu thụ tại chợ đầu mối truyền thống của các tỉnh Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bình Định, Long An…; liên hệ với các đơn vị vận chuyển sẵn sàng chở nông sản đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thời điểm này, các thành viên HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc đang tập trung bao trái, chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, chủ động nguồn nước tưới nhằm duy trì độ ẩm, đảm bảo chất lượng, năng suất và mẫu mã cho sản phẩm xoài xuất khẩu. HTX hiện có 14,5 ha xoài tượng da xanh trồng theo quy trình VietGAP, trong đó có trên 7 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Năm 2021, HTX đã xuất khẩu hơn 500 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc và một số nước Trung Đông.

 

xoai1.jpg

Vườn mận hậu được cấp mã số vùng trồng của HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát.

           

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX cho biết: Chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu, HTX kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, bên cạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống như Trung Quốc, ngay từ đầu vụ, HTX đã chủ động kết nối, liên hệ sớm, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong đó có hệ thống các siêu thị lớn. Tin vui là vừa qua, HTX đã ký kết được với một số công ty, đơn vị đặt hàng thu mua sản phẩm xoài xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản với sản lượng trên 500 tấn. Tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng giảm, thị trường dần phục hồi, dự kiến vụ xoài này, HTX sẽ xuất khẩu trên 700 tấn quả. 

Những năm gần đây, các hộ trồng mận trên địa bàn Yên Châu đã chuyển hướng chăm bón mận bằng sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, nhờ đó quả cho chất lượng tốt, sản lượng ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, cho biết: Với 35 ha mận hậu được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, được cắm biển, khoanh vùng sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất thông qua hệ thống camera. Năm 2021, HTX đã xuất bán 700 tấn mận, doanh thu gần 7 tỷ đồng.

Kinh nghiệm từ tiêu thụ vụ trước, năm nay, HTX tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chăm sóc, từ cắt tỉa, tạo tán, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, hệ thống tưới ẩm, làm nhà lưới chống mưa đá để bảo vệ diện tích mận, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng cao nhất.

Cùng với đó, HTX đầu tư hệ thống kho lạnh để kéo dài thời gian bảo quản mận sau khi thu hoạch; chủ động giới thiệu sản phẩm qua các sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã hội; kết nối với các thương lái đưa sản phẩm đi tiêu thụ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với sản lượng dự kiến khoảng 800 tấn quả.

Với sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và sự chủ động của các HTX, người nông dân,  vụ xoài, mận hậu năm nay ở Yên Châu chắc chắn sẽ có sản lượng tiêu thụ tốt, giá cả ổn định, đạt được mục tiêu xuất khẩu, tiêu thụ đã đề ra; đưa thương hiệu trái cây Yên Châu vươn xa đến các thị trường trong nước và quốc tế.

Sẵn sàng kết nối, xúc tiến, tiêu thụ nông sản

Vào trung tuần tháng 5, Sơn La sẽ tổ chức “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022”.

 

ocop.jpg

Gian hàng trưng các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh. 

 

Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La chia sẻ, đây là sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Sơn La với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; thúc đẩy giao lưu văn hóa - kinh tế - du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX phục hồi sản xuất, kinh doanh, vượt qua đại dịch Covid-19.

Sở Công Thương đang khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 12/4/2022 của UBND tỉnh về tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản Sơn La năm 2022. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 26 điểm cầu trong nước và khoảng 18 điểm cầu quốc tế tại các nước, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, AE, Mông Cổ... Đây là cơ hội quảng bá, giới thiệu, trao đổi thông tin và kết nối đối tác tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm xoài và nông sản tỉnh Sơn La.

Sơn La hiện có trên 82.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra. Năm 2022, tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện linh hoạt, kết hợp nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương nhằm đảm bảo tiêu thụ cơ bản 509.870 tấn nông sản, với mức giá hợp lý, ổn định thu nhập của người dân. Phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 174 triệu USD, tăng 7,94% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng trái cây tham gia xuất khẩu dự kiến đạt trên 28.370 tấn, tăng 12,9% so với năm 2021, giá trị tham gia xuất khẩu ước đạt 33,56 triệu USD, tăng 3,335% so; giá trị nông sản chế biến và nông sản khác tham gia xuất khẩu phấn đấu đạt 128,9 triệu USD.

Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, Sơn La sẽ vào vụ thu hoạch xoài, tiếp đó là nhãn. Dự kiến hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng, trong năm nay, tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, tỉnh Sơn La mong muốn thông qua Hội nghị kết nối sẽ thông tin và giới thiệu với các bạn hàng về các sản phẩm nông sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ, giới thiệu, kết nối giúp nông dân Sơn La tiêu thụ sản phẩm trái cây tươi nói riêng và các sản phẩm nông sản sơ chế, chế biến nói chung, với mục tiêu cao nhất là vừa hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, vừa nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Được trao sinh kế, người dân Lang Chánh thoát nghèo

    Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) được Nhà nước hỗ trợ sinh kế, đã nỗ lực sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

  • Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Tấm chân tình người dân quê Bác với du khách

    Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...

  • Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    Để OCOP trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn

    OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân.

Top