Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 5 năm 2022 | 10:22

Sơn La kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản đang vào mùa

Sơn La hiện có hơn 82.800 ha cây ăn quả. Để tiêu thụ các loại trái cây đang vào vụ, tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình kết nối nhằm tiêu thụ khoảng 400.000 tấn trái cây.

Mùa mận hậu ở thành phố

Ai đã từng ăn mận hậu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở thành phố Sơn La đều chung cảm nhận có sự khác biệt, quả mận hậu chín giòn, dóc hạt, có vị ngọt và hương thơm đặc trưng. Mùa thu hoạch mận hậu thường bắt đầu từ đầu tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 7 dương lịch hằng năm. Những ngày này, khắp các vườn mận trải dài từ xã Chiềng Cọ đến xã Chiềng Đen, sang Chiềng Ngần, không khí thu hoạch mận thật nhộn nhịp.

 

man-hau.jpg

Tư thương thu mua mận hậu của người dân xã Chiềng Đen (Thành phố).

 

Năm nay, vụ thu hoạch mận ở Thành phố khác hẳn năm trước, trên những cung đường vào xã Chiềng Cọ, những chuyến xe tải tấp nập vào ra, thương lái vào tận bản, đến từng nhà thu mua mận hậu. Vườn mận hậu trồng xen cà phê của gia đình anh Lò Văn Hảo ở bản Hùn đã hơn 20 năm tuổi, có tán cây rất cao, anh phải bắc thang để thu hái quả. Anh Hảo chia sẻ: Khâu thu hái rất quan trọng, nếu hái mận khi sương chưa tan, vẫn còn ướt; trời vừa mưa, chưa khô ráo sẽ khiến mận không được ngọt, quả mận chín to mọng rễ bị nứt, lớp phấn trắng bám ngoài bề mặt quả mận sẽ bị rửa trôi mận sẽ bán không được giá.

Thời điểm lý tưởng nhất để thu hái mận từ 6 đến 9 giờ sáng, không nên đập rụng mà phải dùng tay lựa hái từng trái mận còn cả cuống và lá thì mận mới đẹp và tươi lâu. Vụ trước, do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, giá mận hậu chỉ được 2.000-3.000 đồng/kg, có thời điểm xuống thấp 1.000 đồng/kg. Gánh mận 80 kg chỉ thu được hơn 100.000 đồng, cả vụ chỉ được vài triệu đồng. Năm nay, mận hậu được tư thương thu mua xô đã được giá 8.000 - 12.000 đồng/kg; với 100 gốc mận, vụ này gia đình dự kiến thu được trên 40 triệu đồng.

Chúng tôi tiếp tục đến bản Ót Nọi, bản Dầu. Hai bên đường đã được rải nhựa, bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống còn có những ngôi nhà xây cao tầng khang trang nổi bật giữa vườn mận xanh tốt ngút tầm mắt. Cây mận hậu không chỉ được người dân trồng trong vườn nhà mà đã “leo” lên tận các sườn đồi, khép tán tỏa bóng mát, sai trĩu quả. Một khung cảnh bản làng yên bình và trù phú.

Từ đầu bản đến cuối bản Ót Nọi, đã thấy có 4-5 chiếc xe tải ngoại tỉnh đang chờ để đóng mận. Ghé điểm thu mua mận hậu của ông Lò Văn Cường lúc 9 giờ sáng, bà con đã tấp nập chở mận tới bán. Nhanh tay cân từng sọt mận chín còn nguyên phấn trắng, ông Cường nói: Tôi nhận thu mua mận của bà con trong xã để cung cấp cho đầu mối ở Thanh Hóa, với số lượng trên 10 tấn mận/ngày. Năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các phương tiện vận tải thu mua mận chở đi các tỉnh, thành trong cả nước thông suốt nên mận thu hái đến đâu được xe hàng đến thu mua hết. Tôi đang mua mận hậu cho bà con với giá từ 8.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại.

Còn vườn mận hậu của gia đình ông Quàng Văn Chom ở bản Dầu là một trong những vườn mận hậu cổ thụ đẹp và chất lượng nhất xã Chiềng Cọ. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mận hơn 1 ha trồng xen cà phê của gia đình, ông Chom kể: Tôi đã áp dụng kỹ thuật đốn tỉa cành, hạ tán, tạo độ thông thoáng, đủ ánh sáng để cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Khi cây mận ra quả, tỉa đi 30-50% sản lượng quả, giữ lại những trái ngon nhất ở đầu cành, quả mận to 20-25 quả một kg, quả chín đậm, ngọt mọng và vị đậm đà. Với kỹ thuật điều chỉnh cho mận chín sớm, bán được giá, đầu vụ bán được 80.000 - 120.000 đồng/kg. Giờ vào chính vụ, tư thương tới tận vườn thu mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg loại 1; bán xô trung bình 9.000 - 15.000 đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi thu hơn 6 tấn quả, bán được gần 100 triệu đồng. Dự tính đến hết vụ sẽ thu thêm gần 5 tấn nữa, nếu giá mận vẫn như hiện nay thì tổng thu nhập cả vụ từ tiền bán mận hậu được gần 200 triệu đồng. So với cây trồng khác chi phí đầu tư cây mận hậu thấp, khoảng 3 triệu đồng tiền phun thuốc trừ sâu, thuốc đậu hoa, đậu quả/1 ha mận.

Bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin: Toàn xã hiện có hơn 780 ha mận, trong đó gần 450 ha mận hậu, sản lượng trung bình trên 6.630 tấn, giá trị ước đạt 53 tỷ đồng. Về sức tiêu thụ năm 2022 so với năm 2020 và 2021 thuận lợi hơn nhiều, vì các tuyến xe chở hàng đi các tỉnh, thành phố và các chợ đầu mối được thông hành. Hơn nữa, năm nay nhiều hộ trồng mận đã áp dụng khoa học kỹ thuật, nên có được mận trái vụ, một số hộ thu được trên 1 tấn với giá bán 90.000 - 120.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi vì được mùa, được giá.

Tuy không nhiều diện tích mận bằng xã Chiềng Cọ, nhưng 14/14 bản của xã Chiềng Đen đều trồng mận hậu, với diện tích hơn 500 ha, đứng thứ 2 về diện tích, sản lượng mận hậu của Thành phố. Ở đây, ngoài những vườn mận hậu trồng thuần, còn có những vườn mận hậu trồng xen trong vườn cà phê. Mô hình trồng mận xen cà phê và mơ của hộ gia đình bà Quàng Thị Xe, bản Phiêng Tam, là một điển hình, trung bình mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.

Nói về cây mận hậu, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố Sơn La hiện có khoảng gần 2.500 ha mận, năng suất trung bình đạt 9-10 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Ngần và phường Chiềng An. Mận hậu năm nay được mùa, được giá, mang lại lợi nhuận cho người trồng mận, nhiều hộ gia đình thu được trên một trăm triệu đồng. Với chất lượng, mẫu mã đẹp, quả mận hậu được Thành phố chọn là một trong 60 sản phẩm sẽ tham gia gian hàng trưng bày tại chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tổ chức cuối tháng 5 này.

Nâng cao giá trị sản phẩm mận, Thành phố tiếp tục tuyên truyền bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rải vụ, trái vụ, áp dụng kỹ thuật tỉa tán, tỉa quả trồng mận Ruby, đưa cây mận hậu ở Thành phố trở thành một trong những cây ăn quả, phục vụ du khách trải nghiệm mùa hoa và mùa thu hái quả. Nhiều hộ ở xã Chiềng Cọ và Chiềng Đen đã chỉnh trang lại cảnh quan khu vườn, làm nhà sàn, chòi nghỉ, khu vực cắm trại, mở rộng các loại hình dịch vụ, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách gần xa tới trải nghiệm hái mận trực tiếp tại vườn.

Tổ chức Festival trái cây và sản phẩm OCOP 

Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại Sơn La là sự kiện được tổ chức với quy mô cả nước. Đây là dịp để các tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản đặc sản của địa phương.

 

ocop.jpg

Tích cực chuẩn bị Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại Sơn La.

 

Trong khuôn khổ diễn ra chuỗi sự kiện sẽ có Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam tại tỉnh Sơn La. Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức. Hội nghị diễn ra với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".

Chuẩn bị cho chuỗi sự kiện sắp diễn ra tại tỉnh Sơn La, tỉnh đã thành lập các tiểu ban, tổ giúp việc, phân công rõ người, rõ việc, xây dựng chương trình, phương án cụ thể; kịch bản chi tiết cho từng hoạt động diễn ra tại chuỗi sự kiện. Đến thời điểm này, đã tổng hợp xong các kiến nghị, đề xuất của các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tại Hội nghị; tổng hợp danh sách 210 nông dân tiêu biểu dự Hội nghị và đề xuất lựa chọn 3 nông dân xuất sắc tham gia đối thoại trực tiếp tại Hội nghị. Để chuẩn bị cho Festival trái cây và sản phẩm OCOP, các đơn vị chức năng đã phối hợp với đơn vị sự kiện hoàn thành sơ bộ kịch bản chương trình và sơ đồ chi tiết việc bố trí các gian hàng tại Quảng trường Tây Bắc. Đã có 40 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia với 132 gian hàng; 12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La đăng ký tham gia 24 gian hàng, với khoảng 24 tấn sản phẩm nông sản.

Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La bắt đầu từ ngày 28/5 đến ngày 1/6.

Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu

Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu lần thứ VI sẽ được tổ chức tại thung lũng mận Nà Ka, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu vào ngày 22/5 tới.

Ngày hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Thi hái quả, trình bày và thưởng thức quả mận hậu; vinh danh người trồng mận; thi cắm trại, trưng bày ẩm thực dân tộc; triển lãm, giới thiệu sản phẩm mận hậu.

 

man.jpg

Cây mận hậu đã gắn bó với người dân Mộc Châu từ hơn 40 năm nay.

 

Trong khuôn khổ Ngày hội, du khách còn được thưởng thức chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc, cùng các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống, như: thi kéo co, rồng ấp trứng và tham gia trực tiếp vào các phần thi đi cầu kiều, bắn nỏ, ném bóng...

Ngày hội hái quả là hoạt động thường niên, được huyện Mộc Châu tổ chức từ năm 2014 tới nay, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm Mận hậu Mộc Châu và tôn vinh những người trồng mận.

Cây mận hậu được đưa vào trồng tại Mộc Châu từ những năm 1980. Đến nay, Mộc Châu đã trở thành khu vực trồng mận hậu lớn nhất của cả nước, với tổng diện tích hơn 3.200 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400 ha; sản lượng năm nay ước đạt 28.000 tấn.

Sau hơn 40 năm phát triển, cây mận hậu không chỉ gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Mộc Châu, mà đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. Mùa mận ra hoa, kết trái cũng là những thời điểm lý tưởng thu hút du khách thập phương ghé thăm cao nguyên Mộc Châu để tham quan, trải nghiệm.

Cùng trong dịp này, vào ngày 21/5, tại huyện Mộc Châu sẽ diễn ra giải chạy Marathon đường mòn Việt Nam năm 2022, với sự tham gia tranh tài của hàng nghìn vận động viên đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Kết nối, thúc đẩy tiêu thụ

Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây Bắc, được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, tạo tiềm năng thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao nói chung và các loại cây ăn quả nói riêng.

 

xoai.jpg

Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch xoài để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN



Những năm gần đây, cùng với việc khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; trong đó, có cây xoài, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các địa phương tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thông qua việc vận động các hợp tác xã và các hộ trồng xoài đưa giống cây có năng suất, chất lượng vào thâm canh, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, sản xuất nông nghiệp an toàn, nhất là việc bao trái cho xoài. Đây là phương pháp tạo ra sản phẩm xoài có chất lượng cao, ngăn chặn côn trùng xâm nhập, tránh được nhiều loại bệnh, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Gần đến thời điểm thu hoạch, gia đình chị Lò Thị Ly ở xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La tất bật với việc bao trái cho xoài. Gia đình chị rút kinh nghiệm từ vụ trước, sản phẩm xoài chưa đảm bảo mẫu mã, chất lượng, ảnh hưởng đến giá bán và sản lượng tiêu thụ. Năm nay, gia đình chị đã chăm sóc trái xoài theo đúng quy trình, nên mẫu mã đẹp, năng suất cao.

Chị Lò Thị Ly chia sẻ, gia đình chị có 4 ha xoài, dự kiến năm nay cho thu hoạch khoảng 15 tấn quả. Sản phẩm xoài chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc và tiêu thụ nội địa, nên gia đình chị đã chăm sóc cẩn thận, nhất là việc bao trái cho xoài để mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Thành phố Sơn La hiện có hơn 4.000 ha cây ăn quả; trong đó, chủ yếu là xoài, mận, nhãn... Thành phố đã chủ động triển khai các phương án kết nối, tiêu thụ sản phẩm xoài và các loại trái cây cho người dân.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La cho biết, thành phố đã có kế hoạch tổ chức xúc tiến thương mại các sản phẩm trái cây, trong đó có quả xoài; đồng thời, tuyên truyền, củng cố và phát triển hợp tác xã để làm đầu mối với các doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó có trái xoài. Cùng với đó, thành phố Sơn La tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm nông sản và đưa các sản phẩm đó ra thị trường để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ cho người dân.

Là địa phương có vựa cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước, toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 82.800 ha cây ăn quả gồm xoài, nhãn, chuối, cây ăn quả có múi và một số loại cây ăn quả khác, với sản lượng khoảng 400.000 tấn; trong đó, diện tích xoài có khoảng 20.000 ha trồng tập trung tại các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã, thành phố Sơn La…, sản lượng ước đạt khoảng trên 60.000 tấn quả. Niên vụ xoài trên địa bàn tỉnh Sơn La bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm.

Để tiêu thụ các loại trái cây nói chung và sản phẩm xoài nói riêng, ngay từ đầu năm, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết cũng như tổ chức mời gọi các doanh nghiệp đến để khảo sát vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, để giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, có thu nhập ổn định, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã đồng hành, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Lường Trung Hiếu thông tin, năm 2022, hội tiếp tục đồng hành với người dân trong tiêu thụ nông sản thông qua kênh tiêu thụ của Hội nông dân, hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử... đồng thời, Hội nông dân tỉnh làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu, Hội nông dân các tỉnh, thành phố và một số đơn vị khác để hỗ trợ Sơn La đưa sản phẩm nông sản tham gia vào thị trường các tỉnh, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Cùng với những giải pháp trên, tỉnh Sơn La đang thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt động thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Đây là một chuỗi các loại hình, dịch vụ có sự kết nối trong việc đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ hiệu quả, góp phần tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho hay, đơn vị xác định logistics là một mắt xích rất quan trọng trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Tới đây, Sở Công Thương sẽ cùng các sở, ngành tham mưu với tỉnh trong hoạch định quy hoạch các hạ tầng để phát triển logistics như giao thông, kho bãi và các dịch vụ logistics, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực; đồng thời, triển khai các chính sách như thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển các trung tâm logistics, phát triển đào tạo con người và chính sách phát triển các doanh nghiệp...

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top