Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 10 năm 2021 | 21:33

Sông Mã thu gần 1.000 tỷ đồng từ 3 cây trồng chủ lực

Mặc dù sản xuất, chế biến, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Song với sự vào cuộc tháo gỡ kịp thời của huyện Sông Mã (Sơn La), 3 cây trồng chủ lực gồm: nhãn, xoài, mận cho doanh thu gần 1.000 tỷ đồng.

Nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu

Năm 2021, huyện Sông Mã có 10.276 ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 87.249 nghìn tấn. Trong đó, nhãn là cây ăn quả chủ lực với diện tích 7.430 ha, (chiếm 72,44% tổng diện tích cây ăn quả của huyện), diện tích cho sản phẩm là 5.898 ha, sản lượng đạt 71 nghìn tấn. Tiếp đến là cây xoài diện tích 1.800 ha, diện tích cho sản phẩm là 797,5 ha, sản lượng đạt trên 11.962 tấn. Ngoài ra, còn 91 ha mận và 955 ha các loại cây ăn quả khác.

 

 Năm 2021, sản lượng nhãn của Sông Mã đạt 71 nghìn tấn.

 

Để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm, Sông Mã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV) đánh giá cấp 09 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang Úc, Mỹ diện tích 68,85 ha sản lượng 688,5 tấn; Cấp mã số vùng trồng sang thị trường Trung Quốc được 20 mã với diện tích 606 ha, sản lượng đạt trên 5.994 tấn.

Huyện Sông Mã đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã cho sản phẩm nhãn của huyện Sông Mã - Sơn La”. Ngày 21/6/2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký “nhãn hiệu chứng nhận Nhãn Sông Mã”; năm 2021 được UBND tỉnh Sơn La cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Nhãn Sơn La" cho 25 Hợp tác xã trên địa bàn. Một sản phẩm khác là mía tím Sông Mã cũng được cấp văn bằng bảo hộ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Chuyển đổi linh hoạt

Nhằm tháo gỡ khó khăn đối với sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngay từ đầu mùa Sông Mã đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh công tác sản xuất chế biến bảo quản nông sản. Toàn huyện có 2.762 lò sấy long nhãn (gồm: 2.262 lò sấy thủ công và 500 lò sấy hơi nhiệt sạch). Tỉnh và huyện đã kịp thời hỗ trợ 14.055,2 triệu đồng (kinh phí huyện 350 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 13.705 triệu đồng), để xây dựng 2 kho bảo quản lạnh cho 2 hộ dân; mua 6 Container lạnh cho 06 hộ và hỗ trợ xây dựng 371 lò sấy hơi nhiệt sạch, nhiệt lạnh cho 366 hộ.

Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản, Sông Mã đã chủ động xây dựng phương án từ 70% tiêu thụ tươi, 30% làm long nhãn, khi dịch Covid-19, diễn biến phức tạp đã chủ động chuyển sang sơ chế, chế biến long nhãn chiếm tới 70%, tiêu thụ tươi chỉ còn 30%, từ đó giữ được giá bán, giảm thiệt hại cho người sản xuất.

 

z2604144586834_79698d6553b2f806df29c6d83bccd658.jpg
Từ 3 cây trồng chủ lực gồm: nhãn, xoài, mận huyện Sông Mã thu gần 1.000 tỷ đồng.

 

Trong tổng sản lượng nhãn quả tươi đạt trên 71.056 tấn, chỉ có 18.384 tấn tiêu thụ tươi chiếm gần 26% tổng sản lượng (trong đó, tiêu thụ trong nước 18.229 tấn, xuất khẩu 155,8 tấn), 52.671,2 tấn nhãn tươi còn (tương đương với 5.267,1 tấn long nhãn) còn lại đạt 74,1% tổng sản lượng để chế biến long nhãn.

Ngoài ra, Sông Mã còn chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhãn cho nhiều tỉnh, thành khác với sản lượng làm long nhãn đạt 675 tấn, tương đương 6.750 tấn nhãn quả tươi.

Tổng doanh thu từ 3 cây trồng chủ lực của Sông Mã đạt 995.405 triệu đồng. Cụ thể, giá trị từ nhãn ước đạt 936.630 triệu đồng (gồm: tiêu thụ trong nước đạt 275.315 triệu đồng; xuất khẩu ước đạt 2.934 triệu đồng; chế biến long nhãn ước đạt 658.381 triệu đồng); giá trị từ xoài ước đạt 55.835 triệu đồng; giá trị từ mận ước đạt 2.940 triệu đồng.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top