Tôi muốn đất nước có nền nông nghiệp hữu cơ bền vững. Không sử dụng thuốc BVTV gây hại sức khỏe con người, không bón phân vô cơ làm chai cứng hủy hoại đất, chỉ bón phân hữu cơ vi sinh và tưới nước, toàn bộ sản phẩm nông nghiệp là sản phẩm hữu cơ...
Đó là trăn trở của “nhà khoa học” chân đất Trần Ngọc Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Đại Nam, người đã làm nên kỳ tích phân bón OBI Ong biển.
“Dan díu” với đất
Ông Nam cười bảo với tôi rằng: Hai chữ "dan díu" nghe cứ sao sao ấy, nhưng thấy đã trong lòng lắm! Ở đó là yêu, là thương, là phải gắn bó máu thịt, phải đau đáu vì nhau…, phải đối đầu không cân sức với phái mạnh “mày râu” kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ...
Rồi ông khẳng định, nếu không có những điều này, chắc hẳn sẽ không có thương hiệu Ong Biển hôm nay!
Và từ phân bón Ong Biển, ông đã cứu sống hàng trăm ngàn hecta hồ tiêu, cà phê, thanh long…, không ít nhà khoa học trong, ngoài nước trầm trồ thán phục.
Ông bắt đầu chuyện về nghề nông, nghề sản xuất phân bón hữu cơ của mình khá dài và cũng không kém phần hấp dẫn. Ông Nam vốn gốc gác ở miền cát bạc (Quảng Bình) - “khoai khoai rành khoai”. Mồ côi cha, mẹ từ nhỏ nên ông sống trong cảnh “con cò lặn lội bờ sông”. Học hành dang dở, ông phải tha hương vào sống, làm nghề nhặt cá trên tàu biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa học vừa làm cơ khí chế tạo máy nên vốn kiến thức được nhen nhóm từ đây. Có thể nói, ông là nhân vật chế tạo máy nổi tiếng ở vùng Nam Bộ.
Lâu ngày trở về thăm quê, nghĩ về nông dân mà đau đáu nỗi đau đối với người nông dân “một nắng hai sương”, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà không đủ ăn bởi luẩn quẩn giống, phân bón, thuốc BVTV xâm hại đồng ruộng. Vì thế, năm 1996, ông bắt đầu “cắm đầu” vào nghiên cứu phải làm cho ra đời một sản phẩm phân bón hữu cơ khoáng chất, loại bỏ vô cơ, loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi đồng ruộng, giúp nông dân thoát nghèo, an toàn sức khỏe. Mục đích chính của loại phân bón mà ông vắt óc để có được là khi bón loại phân này xuống các vùng đất sản xuất nông nghiệp, cây công nghiệp phải loại trừ được tất cả các loại phân bón vô cơ. Đặc biệt, phải loại trừ dứt điểm các loại thuốc BVTV. Có thế mới bảo đảm sức khoẻ cho nông dân, an toàn cho đất và bảo đảm năng suất lao động, đưa lại chuỗi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giá trị. Sau gần 20 năm vắt óc ra thực tiễn, ông đã cho ra đời sản phẩm phân bón Ong Biển với nguyên liệu pha trộn đa hữu cơ cao cấp, giàu chất dinh dưỡng, được khai thác từ phế liệu, phế phụ phẩm của các nhà máy chế biến thuỷ sản như bã bùn, bã mía..., được thu gom và vận chuyển về ngâm ủ, cấy men vi sinh các loài để ra thành phẩm đóng gói.
“Công nghệ từ cái đầu”
Tôi được ông Nam dẫn đi thăm khu vực nhà máy sản xuất rộng trên 30ha ở huyện Tân Thanh, tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu. Choáng ngợp trước cảnh quan đồ sộ của nhà máy sản xuất phân bón mà tôi cứ ngờ ngợ như đang lạc vào giữa khu du lịch sinh thái cao cấp. Từ cảnh quang đến quy mô nhà máy, nhất là các slogan được xây dựng, thiết kế độc đáo. Toàn bộ dây chuyền đều được khép kín từ nhập liệu đến khâu nhào trộn, tách phân loại đến khâu đạt chuẩn đóng gói sản phẩm, dây chuyền cuối cùng là tự động bốc xếp hàng hóa lên phương tiện đi tiêu thụ.
Chưa kịp đặt câu hỏi cho những thắc mắc của mình, ông Nam đã hào hứng: Tất cả dây chuyền của nhà máy này, từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến dây chuyền, thiết bị sản xuất khép kín đều do tôi tự nghiên cứu, tự chế tạo sản xuất, lắp ráp; không hề có một bản vẽ thiết kế hay một sự can thiệp bất kỳ của nhà khoa học nào. Kể cả thành phẩm phân bón Ong Biển cũng không có sự can thiệp nào về mặt chuyên môn của các nhà khoa học mà chỉ bằng sách vở và thực tiễn biết ra các nước tìm chọn cấy ghép các con men vi sinh để phát triển theo mỗi công đoạn ngâm ủ thích hợp.
Trước kỳ tích của ông, một nhà khoa học danh tiếng chuyên về nông nghiệp công nghệ cao ở đất nước Ixaren khi sang thực tế trực tiếp nhà máy SX phân bón Ong Biển đã phải thốt lên: “Người Việt Nam quá giỏi!”. Và ông nói, ở Ixaren chúng tôi, chưa thể nghiên cứu ra, kể cả nước Mỹ, Nhật Bản cũng chưa từng có.
Ông Nam phân tích: Tổng thể dây chuyền thiết bị tự sản xuất lắp ráp này chỉ hết trên dưới 700 tỷ đồng. Đặc biệt, dây chuyền công nghệ tự chế tạo, lắp đặt không chỉ tiết kiệm về tài chính, không bị thất thoát rơi rớt mà còn tiết kiệm được sức lao động cho con người. Ông Nam chỉ tay về phía dây chuyền tiếp nhận, đóng gói, ở đấy chỉ có vài ba công nhân đứng giám sát.
Ông nói: Nhà báo có tin không? Cả nhà máy sản xuất mỗi ngày hơn 1.000 tấn phân bón đặc hữu mà chỉ sử dụng 12 lao động. Nghĩa là đã được tự động Robot hoá tất thảy.
Điều ngạc nhiên hơn, nhà máy sản xuất phân bón không hề để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi sinh. Từ sân phơi, khu vực sản xuất đến nhà ở, nhà làm việc, tất cả đều sạch sẽ, bóng loáng. Phía trước toà nhà tiếp khách của Tổng giám đốc, tôi thấy đề một hàng chữ “Bàn tay Việt, công nghệ Việt”, bái phục, bái phục.
Sau khi sản xuất, sản phẩm đã được Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam lấy mẫu gửi Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng vùng 3, thành phố Hồ Chí Minh, xét nghiệm cho kết quả đối với hàm lượng bốn chất chính gồm: hữu cơ, ni tơ tổng (đạm), phốt pho hữu hiệu (lân), kali hữu hiệu. Qua kiểm tra thì cả bốn chất đều đạt và vượt so với chỉ tiêu công bố.
Một số nước như Mỹ, Úc, Thái Lan, Campuchia… mời đón ông sang để chia sẻ kinh nghiệm nhưng ông trả lời, tôi sinh ra là để phục vụ cho đất nước của tôi!
Đối đầu không cân sức
Để được “mắt thấy tai nghe”, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật nhà máy đưa đi thực tế một số vùng sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ khoáng Ong Biển như: Lâm Đồng, Bình Phước, Quảng Trị, Đồng Nai... Đi đâu, đến đâu nông dân đều ghi nhận, cảm ơn người sản xuất ra loại phân bón có một không hai này.
Vừa đi, cán bộ kỹ thuật vừa phân tích với chúng tôi: Sau khi sản xuất thành công ra sản phẩm phân bón đặc biệt này, năm 2011, công ty bắt đầu áp dụng trên vùng đất Tây Nguyên và một số tỉnh Đông Nam Bộ.
Phương pháp canh tác rất đơn giản, chỉ bón phân và tưới nước; ngoài ra không cần có sự can thiệp của các loại phân bón vô cơ hay thuốc BVTV nào. Vì thế, với quy trình sản xuất chuỗi, sau khi bón phân một thời gian ngắn, cây trồng luôn tươi tốt; năng suất tăng, chất lượng cao. Đặc biệt, trong quá trình canh tác, môi trường, môi sinh và sức khoẻ con người luôn được bảo đảm an toàn. Sản phẩm sản xuất ra được công nhận là sản phẩm hữu cơ sạch, như lúa gạo, hồ tiêu, ca cao, cam, bưởi, thanh long, cà phê..., tất cả đều cho năng suất vượt trội, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là đối với thị trường khó tính như EU.
Con đường canh tác nông nghiệp theo hữu cơ bền vững, cải tạo đất, tăng tuổi thọ cho các cây công nghiệp dài ngày. Vì thế, công ty luôn đầu tư khép kín, không chi phối sản phẩm ra bất cứ một thị trường nào.
Không những thế, Ong Biển còn giúp cải thiện hệ vi sinh vật, tăng cường các nấm đối kháng, nấm phân giải cellulose, phân giải thực vật, tổng hợp đạm. Hạn chế hữu hiệu các loài sâu bệnh, các loài côn trùng ủ bệnh trong đất, nấm bệnh, tuyến trùng dựa trên 4 nguyên tắc: Ức chế hoạt động của nấm bệnh, vi khuẩn, tuyến trùng bằng việc tạo môi trường bất lợi cho hoạt động của chúng bổ sung, tăng cường vi sinh vật có ích nâng cao sức khỏe, tăng tính đề kháng. Tạo môi trường thuận lợi cho rễ và vi sinh vật có ích phát triển.
Theo ông Nam, con đường canh tác hữu cơ bền vững của phân bón Ong Biển sẽ chấm dứt mọi lo âu cho nhà nông: cây trồng không chỉ tăng năng suất mà chất lượng của mọi sản phẩm hữu cơ luôn đạt chuẩn.
Sau khi thực tế nhà máy phân bón Ong Biển cũng như thăm một số vùng sản xuất, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ghi nhận, đánh giá cao về đề tài khoa học của Tổng giám đốc Trần Ngọc Nam đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ nước nhà. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị công ty cần phải phát triển sản phẩm phân bón hữu cơ trên phạm vi cả nước, nhất là ưu tiên cho những vùng khó khăn để tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, giúp nông dân sớm hội nhập thị trường tiêu thụ của thế giới.
Yếu tố nào đã đem lại thành công như hôm nay?! Tôi buột miệng hỏi ông. Giữa Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió, giọng ông bỗng chùng xuống như chiêm nghiệm: “Bí quyết nào để một nông dân “Hai lúa” như tôi thành công như hôm nay ư? Đơn giản thôi, tôi vốn xuất thân là con nhà bần cố nông! Tôi không để lại bất kỳ một hồ sơ giấy tờ hay một bản thiết kế đến một quy trình sản xuất nào. Nhưng chỉ bằng hiểu biết của mình, với Tổ quốc cháy bỏng trong tâm can và thương nông dân một nắng hai sương mà tôi đã làm nên. Sự thành công của Ong Biển được tôi tổng hợp trong 17 thành phần và tôi sẽ giao lại cho 17 thành viên là những người con, người cháu của tôi, mỗi đứa giữ mỗi chi tiết. Điều này cũng chẳng phải bí hiểm, sâu xa gì nhưng chỉ là mong muốn của tôi chính là sự đoàn kết. Sau này chúng nó có đoàn kết thì mới làm nên bí quyết này!”.
Tạm biệt người làm nên kỳ tích phân bón Ong Biển, tạm biệt vùng đất đã nuôi nấng một ý chí lớn vì nền nông nghiệp sạch nước nhà, tôi nhớ mãi câu nói của một nông dân ở Lâm Hà (Lâm Đồng): “Mấy năm nay, nhờ có phân bón Ong Biển của ông Nam nên chè xanh, thanh long, cà phê, hồ tiêu, đậu, lạc, ngô lúa… 4 mùa tốt tươi, tất cả đều cho thu nhập khá cao. Đặc biệt, nông dân không phải sử dụng thuốc BVTV độc hại nữa, không bón các loại phân vô cơ như trước đây, chỉ “bón phân và tưới nước” là cây tốt tươi rồi. Chúng tôi phấn khởi lắm, cảm ơn ông Nam lắm lắm!”.
Tôi ngước nhìn lưng chừng núi, những bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, thanh long, đến cả những cánh đồng lúa đang đưa hương, từng đàn chim pi, đàn ong đua nhau bay về bắt sâu, hút mật. Trong tôi liên tưởng đến một cuộc sống bình yên trong lành khi vườn cây, ruộng lúa không còn bóng dáng của các loại thuốc BVTV, phân bón vô cơ...
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.