Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 4 năm 2022 | 16:56

SX theo chuỗi, áp dụng công nghệ số tạo bước đột phá, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Xác định chuyển đổi số và phát triển theo chuỗi là bước đột phá, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, xây dựng các vùng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản hàng hóa; phát triển sản phẩm lợi thế.

nn1.jpg
Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) đẩy mạnh liên kết chuỗi bảo đảm nguồn cung ra thị trường.

 

Hà Nội: Tạo đột phá trong sản xuất theo chuỗi

Những năm qua, nông dân Hà Nội chủ động tiếp cận khoa học - công nghệ, hình thành và nhân rộng các chuỗi sản xuất có giá trị kinh tế cao. Từ đó, góp phần tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập.

Sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị ở Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) là một trong những mô hình điển hình của Hà Nội. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt, từ diện tích ban đầu 5ha, đến nay, Hợp tác xã đã mở rộng lên hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ và có liên kết với doanh nghiệp. Toàn bộ lúa được thu hoạch, chế biến, xuất bán tại nhiều tỉnh, thành phố và xuất khẩu...

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chương Mỹ Chu Văn Khang cho biết, những năm qua, huyện đã thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn và bền vững huyện Chương Mỹ giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, Hội Nông dân thành phố và UBND huyện, nông dân Chương Mỹ từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo chuỗi giá trị cao. Theo đó, đến nay, Chương Mỹ có 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Tương tự, Hội Nông dân huyện Sóc Sơn cũng chủ động xây dựng các mô hình theo chuỗi, đạt hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn Nguyễn Quốc Ân chia sẻ, những năm qua, các cấp Hội Nông dân ở Sóc Sơn xây dựng được 10 nhóm sản xuất rau hữu cơ; 76 tổ hợp tác trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt; 63 tổ hội nghề nghiệp... Mục đích của Hội là tập hợp hội viên phát triển kinh tế theo chuỗi, tạo ra sản phẩm giá trị cao và có sức cạnh tranh.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa, việc hướng dẫn nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của Hội Nông dân thành phố. Mỗi năm, Hội Nông dân các cấp đều chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu xây dựng các mô hình theo chuỗi. Theo đó, hằng năm có tới hơn 100 mô hình kinh tế theo chuỗi của các cấp Hội Nông dân được hình thành, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo diện mạo mới cho nông thôn Hà Nội. Để tiếp tục nhân rộng mô hình, thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội, chính quyền các địa phương tập trung vận động, hướng dẫn nông dân tham gia xây dựng nhiều mô hình sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới, mô hình liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định, Chi cục tiếp tục cùng nông dân Thủ đô xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, thành lập các hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác làm ăn hiệu quả để cung cấp lượng sản phẩm đủ lớn, bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị hỗ trợ nông dân chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ, coi đây là một trong các khâu đột phá phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo đà cho các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu...

Thanh Hóa: Đẩy mạnh liên kết trong chăn nuôi gia cầm

Thời gian qua, người chăn nuôi gia cầm gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, việc tiêu thụ sản phẩm và giá cả bấp bênh... Trước thực tế đó, thực hiện liên kết trong chăn nuôi chính là một giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, hạn chế rủi ro trong sản xuất, mang lại thu nhập ổn định và cung cấp cho thị trường sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng cao.

 

177d0181318t61043l0.jpg
Trang trại chăn nuôi gà theo hình thức gia công tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân).

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hầu hết chăn nuôi gia cầm có quy mô nhỏ, lẻ, có các ưu điểm như: tận dụng được nguồn lực lao động trong gia đình, đất đai, thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, không cần nhiều vốn hoặc kỹ thuật cao... Song lại có nhược điểm là khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm, năng suất thấp, khó tiếp cận thị trường tiêu thụ, dễ bị ép giá... Vì vậy, những năm gần đây, liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công đang được nhiều hộ dân lựa chọn.

Anh Trịnh Ngọc Tới, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), một trong những hộ chăn nuôi có nhiều kinh nghiệm liên kết chăn nuôi gà gia công cho biết: “Năm 2019, gia đình đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi theo hướng công nghệ cao với 5 dãy chuồng chăn nuôi gà, tổng đàn 2 vạn con/lứa. Khi gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ tự do qua thương lái, tôi đã tìm hiểu và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ gà thương phẩm với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam”.

Theo anh Tới: Tham gia liên kết chăn nuôi gà theo hình thức gia công, được doanh nghiệp cung ứng con giống, nguồn thức ăn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và công ty sẽ thu mua gà thành phẩm.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, anh đã đầu tư lắp đặt hệ thống làm mát, quạt gió, hệ thống cho ăn, uống tự động... Bình quân mỗi năm doanh thu của trang trại đạt 1,5 tỷ đồng trở lên.

Được biết, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 33 trang trại chăn nuôi thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, như: Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty C.P Việt Nam... Với mục tiêu trong thời gian tới có 50% tổng đàn gia cầm thực hiện theo hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, huyện đã khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: hệ thống máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải... góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi...

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tiêm phòng vắc-xin theo đúng quy định. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông đến các khu vực chăn nuôi cũng luôn được huyện quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thức ăn phục vụ chăn nuôi.

Là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Định có 55 trang trại chăn nuôi gà theo hình thức gia công cho các Công ty C.P Việt Nam và Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, các trang trại có quy mô từ 5.000 đến 10.000 con/lứa. Do quản lý được chất lượng nguồn thức ăn, con giống ngay từ đầu, đảm bảo quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi nên con nuôi ít dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro. Các mô hình này đã góp phần hạn chế được ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cung cấp cho thị trường các sản phẩm gia cầm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Người nông dân tham gia liên kết sản xuất, ngoài việc tiếp thu được kinh nghiệm và kỹ thuật, có thể tự sản xuất độc lập sau khi hết hạn hợp đồng chăn nuôi gia công.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển liên kết chăn nuôi gà theo hình thức gia công gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Triệu Sơn, Ngọc Lặc... với Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty Chăn nuôi Thọ Xuân, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Phúc Vinh, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty C.P Việt Nam... Hiện các địa phương trong tỉnh đang khuyến khích người chăn nuôi phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh để cung ứng sản phẩm cho các nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm, hướng tới xuất khẩu sản phẩm thịt gà chất lượng cao. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Du nhập, sản xuất các giống gà có chất lượng và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tốt vào trong chăn nuôi, ưu tiên cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chăn nuôi gia cầm. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi tham gia chuỗi nên lựa chọn quy mô chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, tuân thủ đúng điều kiện ký kết hợp đồng với công ty; thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Vĩnh Phúc: Tạo cơ hội giúp nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại

Nhằm bắt kịp xu thế hội nhập, tạo môi trường nông nghiệp số, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động; giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập.

Với gần 2ha trồng thanh long ruột đỏ, anh Nguyễn Ngọc Linh, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch lắp đặt hệ thống đèn điện, áp dụng biện pháp chiếu sáng để kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ. Bằng phương pháp canh tác này, vườn thanh long của gia đình cho thu hoạch nhiều vụ trong một năm.

 

1_87.jpg
Việc đưa công nghệ số vào phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bằng máy bay không người lái tại huyện Vĩnh Tường nhằm nâng cao hiệu quả lao động và giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

 

Theo anh Linh, do khí hậu miền Bắc có mùa Đông nên cây thanh long chậm ra hoa, kết quả. Nhờ ứng dụng công nghệ chiếu sáng bổ sung, gia đình chủ động điều chỉnh được thời điểm ra hoa, phát triển quả của cây.

Cùng với đó, được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của huyện, gia đình đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động công nghệ Israel cho toàn bộ diện tích, giúp tăng lứa quả/năm, rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch đến các tháng cuối năm và thu hoạch sớm vào vụ đầu năm sau, tăng thêm lợi nhuận khoảng 30% mỗi năm; giá bán thanh long trái vụ cũng tăng thêm từ 6 - 8 nghìn đồng/kg, thậm chí trên 10 nghìn đồng/kg so với chính vụ.

Nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả lao động và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, vụ Mùa 2021, Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường đã tổ chức phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bằng máy bay không người lái.

Ưu điểm của công nghệ số này là tiết kiệm 90% lượng nước, 10-20% lượng thuốc/lần phun, tiết kiệm nhân công lao động, thời gian phun chỉ từ 10-15 phút/ha. Hiệu lực phòng trừ đạt hơn 90%, dập dịch nhanh, giảm nguy cơ ngộ độc do người dân do không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết bài toán thiếu lao động hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Xác định chuyển đổi số là bước đột phá, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng các vùng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản hàng hóa; phát triển sản phẩm lợi thế.

Giai đoạn 2016-2021, Sở NN&PTNT đã xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; chuyển giao hơn 3.200 máy sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất bằng máy chiếm khoảng 95% diện tích; thu hoạch lúa bằng máy đạt hơn 70% diện tích, giúp giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

Cùng với đó đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật thủy canh, canh tác trên giá thể không đất; sử dụng cây trồng được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô; áp dụng IPM, ICM, VietGAP trên cây trồng; ứng dụng biện pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; ứng dụng công nghệ viễn thám, CNTT và hệ thống thông tin địa lý trong điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Hết năm 2021, toàn tỉnh có hơn 60 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao; 15 vùng trồng được hỗ trợ xây dựng, cấp mã số xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Úc, New Zealand.

Khoảng 32.000 hộ nông dân được tạo tài khoản bán hàng, hơn 200 tài khoản thanh toán trực tuyến được tạo lập và trên 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn tạo cơ hội cho nông dân thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh của các sản phẩm nông sản địa phương trên thị trường.

Nhằm từng bước cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Kế hoạch của UBND tỉnh về cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi tỉnh giai đoạn 2022-2025, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện 18 nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Trong đó, tập trung hỗ trợ đẩy mạnh thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh trong hoạt động SXKD sản phẩm nông nghiệp của các hộ dân và HTX nông nghiệp.

Tổ chức tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng cho nông dân; hướng dẫn ứng dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật trên điện thoại thông minh.

Xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; ứng dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ truy suất nguồn gốc nông sản, sản phẩm OCOP; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh nhằm khơi dậy tính chủ động của các thành phần tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số./.

 

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Top