Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 2 năm 2020 | 14:31

SX và XK nông sản nhìn qua Covid-19: Cần phải thay đổi

Thực tế đã “lộ diện” những tác động nặng nề lên hoạt động xuất - nhập khẩu nông sản Việt Nam do dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19), bởi cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn.

Nhưng theo đánh giá của ngành chức năng và các chuyên gia, đây cũng là “phép thử” để nông sản Việt chuyển hướng thị trường và thay đổi cơ cấu sản xuất.

 

tr6.JPG
Xe hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Quốc Khánh

 

Bài 1: Xuất khẩu nông sản “nghẽn”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, tình hình xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc sẽ có nhiều khó khăn. Trước những thách thức đó, ngành nông nghiệp cần chủ động tích cực vừa phòng chống dịch, tháo gỡ các điểm “nghẽn”, vừa thúc đẩy phát triển các ngành nghề kinh doanh.

“Nghẽn” hàng vì corona

Bộ Công Thương vừa nhận được thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2/2020. Nhiều khả năng chính quyền tỉnh Vân Nam cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự. Việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu các loại nông sản của Việt Nam.   

Quyết định của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam chỉ ảnh hưởng tới hàng hóa đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Các lô nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch, kể cả thanh long, vẫn được làm thủ tục thông quan bình thường, dù tiến độ có phần chậm hơn do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Nhằm giảm thiểu tác động của việc đóng cửa các chợ biên giới và dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, Bộ Công Thương đề nghị, đối với các loại nông sản đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân (như thanh long và dưa hấu), kiến nghị các doanh nghiệp và người dân có biện pháp điều tiết sản lượng.

Hiện lượng thanh long và dưa hấu đưa lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân đã chậm lại đáng kể.

Thanh long và dưa hấu được xuất khẩu sang thị trường này là chủ yếu nên 2 sản phẩm đã trở thành “điểm yếu” của xuất khẩu nông sản Việt. Do đó, để ứng phó với tình hình dịch bệnh, Chính phủ cùng với các doanh nghiệp và người dân cần quyết tâm, đoàn kết trong kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Thanh long tại Long An và Tiền Giang, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ. Với 150 cơ sở thu mua thanh long trên địa bàn; trong đó hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến; đồng thời, các cơ sở đưa ra giải pháp để tiêu thụ ổn định khoảng 30.000 tấn/tháng.

Cùng với sự điều chỉnh sản xuất thanh long, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, BigC… cũng vào cuộc tích cực.

“Mặt hàng thanh long dễ “tổn thương”, chưa đi qua biên giới được thì cần chú ý thị trường trong nước. Riêng nhóm dưa hấu, nông dân các địa phương hạn chế xuống giống, nên chuyển qua cây trồng khác như đậu tương, ngô, rau…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Ngoài thanh long, dưa hấu thì cá tra cũng là một trong những sản phẩm chịu tác động mạnh từ thị trường Trung Quốc.

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 70% cá tra nguyên liệu của Việt Nam được thị trường Trung Quốc thu mua để chế biến, xuất khẩu. Hiện cá tra đang chịu tác động và phải tìm hướng tiêu thụ tại các thị trường khác và nội địa.

Thế nhưng, tại thị trường nội địa, sản phẩm cá tra lại ít được lựa chọn. Ông Phạm Minh Thiện,- Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, chia sẻ, chính người tiêu dùng Việt chưa có thói quen lựa chọn sản phẩm cá tra đã qua sơ chế. Hầu như người tiêu dùng chỉ lựa chọn sản phẩm cá tra nguyên con để phục vụ cho bữa ăn gia đình. Vì vậy, cá tra gặp khó ngay tại thị trường nội địa.

Để cải thiện tình trạng này, bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá cá tra tại thị trường trong nước, giúp người dân đón nhận sản phẩm này và tăng thị phần ngày trong nội địa.

Các đơn vị kinh doanh nhà hàng, khách sạn cần đưa cá tra lên bàn ăn của người dân, du khách bằng cách đa dạng phương thức chế biến, quảng bá, tạo ấn tượng…

Có như vậy, sản phẩm cá tra mới có thể đứng được trên sân nhà trong thời điểm ứng phó với dịch bệnh Covid-19…

Khó chồng khó

Đề cập đến những tác động của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, tại buổi tọa đàm  mới đây, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN-PTNT, cho rằng, vấn đề lo lắng nhất của nông sản Việt Nam và người nông dân vẫn là  thị trường.

Theo ông Sơn, dịch bệnh Covid -19 tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng. Thứ nhất là cầu. Ông phân tích, hiện thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ corona. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực, thực phẩm, bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Thực tế, tác động đến trái cây, rau  nhãn tiền có thể thấy.

Nhu cầu giảm thêm do ảnh hưởng từ việc buôn bán cũng bị hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ. Chưa kể, giao thương còn bị gián đoạn do dịch bệnh, khiến chi phí giao dịch tăng cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam sẽ không bảo quản được.

Tác động thứ hai là kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Sơn nhấn mạnh, khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ “nghẽn”. 

Chưa tính đến dịch bệnh này, ông Sơn cho biết, đầu năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi khiến cho người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 thì đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn,...

Năm nay ngành nông nghiệp còn phải đương đầu với hạn hán sông Mê Kông. Dịch virus corona nổi lên đã che mất những tác động này nhưng về cơ bản vẫn là những khó khăn chúng ta phải vượt qua.

“Như vậy, khó khăn sẽ chồng khó khăn. Chúng ta khó có thể lạc quan về nông nghiệp trong năm nay được”, ông Sơn nói.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch một công ty chuyên về xuất khẩu nông sản, cho biết, với hàng trái cây nói riêng và nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nói chung, truyền thống của Việt Nam là xuất tươi và xuất bằng đường bộ sang các chợ truyền thống, chợ buôn của Trung Quốc. Do đó, việc những cửa khẩu trên biên giới Việt - Trung tạm đóng một số ngày do dịch Covid-19 chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu nông sản Việt.

Chiến lược sản xuất “thoát nỗi lo thị trường”

Theo bà Thực, phần lớn nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc thời điểm hiện tại là dưa hấu, thanh long, chuối và mít, chủ yếu tập trung tại chợ buôn Giang Nam - Quảng Châu, trong khi chợ này vẫn trong tình trạng đóng cửa nhằm nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Bà Thực cho rằng, không phải đến lúc có dịch bệnh này chúng ta mới gặp khó khăn về xuất khẩu. Nếu không có dịch, thời gian tới chúng ta cũng phải đối mặt với khó khăn này do vướng mắc trong quy định về truy xuất nguồn gốc xuất khẩu nông sản, bao gồm mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc. Đến nay, chúng ta vẫn “giậm chân tại chỗ”, trong khi chính sách này được phía Trung Quốc thông báo từ 2 năm trước.

Các nước trên thế giới đều mong muốn được bán hàng cho Trung Quốc, đặc biệt là nông sản. Vì vậy, bà Thực cho rằng, không nên bài xích Trung Quốc mà phải làm sao có thể chiếm được thị trường lớn này và có đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác.

Hiện nay, thương mại điện tử của họ đã phát triển, song nông sản Việt Nam vẫn kém cả về chất lượng và mẫu mã. Do đó, chúng ta sẽ còn gặp khó khi xuất khẩu nông sản vào thị trường 1,4 tỷ dân này.

“Nếu làm tốt, chúng ta sẽ không còn tình trạng giải cứu ở biên giới nữa”, bà nói và cho biết, bản thân Luật Trồng trọt của Việt Nam có Điều 64 về quản lý vấn đề truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như UBND các cấp chưa có.

Trước câu hỏi nông dân cần được hỗ trợ gì lúc này, ông Sơn cho rằng, không thể trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, những hỗ trợ tạm thời như khoanh nợ, giảm thuế, mở kênh phân phối,... Về dài hạn, chúng ta phải làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn... Những vấn đề này được nhắc đến rất nhiều nhưng chưa làm được.

Trước đó, khi đề cập đến tác động của dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, về lâu dài, các địa phương cần khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết. Như Sơn La thành lập khá nhiều HTX nên hầu như không có tình trạng giải cứu. Bởi, nếu không làm theo chuỗi, không tái cơ cấu, không ảnh hưởng vì virus corona thì cũng có thể lao đao vì những dịch bệnh, biến động khác.

Cùng với các chiến lược và kế hoạch sản xuất, xuất khẩu ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, các kế hoạch sản xuất nông sản trong nước cũng được Bộ Nông nghiệp và PTNT điều chỉnh hợp lý.

Với sản lượng đã hoặc sắp thu hoạch, tiếp tục hạn chế đưa hàng lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch; liên hệ với chủ hàng để đàm phán chuyển đổi sang chính ngạch và chủ động các biện pháp để sẵn sàng chuyển đổi sang chính ngạch...

Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các phòng giấy phép của Bộ tại các địa phương ưu tiên cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức chính ngạch.  

Với các doanh nghiệp logistics, đề nghị tiếp tục hỗ trợ thông qua việc ưu tiên bảo quản các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc và trong khả năng, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa  để hỗ trợ nông dân.

 

Bài 2: Nông nghiệp chuyển hướng 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top