Hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp (DN) tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo quy mô lớn,… là cách mà tỉnh Hà Nam đã và đang triển khai trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Kỹ sư kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm đậu bắp trong nhà kính ở xã Phù Vân (TP.Phủ Lý - Hà Nam).
Tích tụ ruộng đất
“Không tích tụ ruộng đất, không có diện tích lớn, không ứng dụng CNC vào sản xuất…, tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ không thành công”, ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam khẳng định.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện phục vụ cho việc áp dụng cơ giới hóa; quy hoạch vị trí xây dựng khu bảo quản, chế biến sản phẩm; giảm từ 50 - 70% tiền sử dụng đất cho DN, HTX, miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây nhà ở cho công nhân… Hiện, Hà Nam đang hỗ trợ người dân, DN tích tụ khoảng 600ha đất ruộng, dự kiến đến năm 2020 là 3.000ha, chủ yếu ở hai huyện Lý Nhân và Bình Lục. Đến nay, một số công ty đã nhận đất và có sản phẩm như Công ty CP An Phú Hưng, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup...
Những năm qua, Hà Nam đã và đang đẩy mạnh liên kết với các DN Nhật Bản như H.B.C Intermational, Fujisu (Nhật Bản), trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm và chuyển giao công nghệ trồng đậu bắp, rau sạch ở xã Nhân Khang (Lý Nhân). Một công nghệ hiện đại mà DN Nhật Bản đang ứng dụng là sử dụng công nghệ IT, điện thoại thông minh vào quản lý, sản xuất nông nghiệp. Mỗi công nhân được trang bị một điện thoại thông minh, cài sẵn chương trình quản lý. Thực hiện công đoạn nào chỉ việc ấn nút, lập tức tất cả các dữ liệu sẽ tự động gửi về máy chủ và người quản lý sẽ biết được các công việc đang diễn ra.
Xây dựng “biệt thự” bò
Từ năm 2002, Hà Nam là một trong 16 tỉnh phía Bắc triển khai chương trình bò sữa theo Quyết định 167 của Chính phủ về chính sách phát triển bò sữa. Theo đó, tỉnh đã nhập 150 con bò ngoại và chi hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ phát triển thí điểm ở các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Bình Lục và Thanh Liêm. Chỉ sau 4 năm, đàn bò của tỉnh đã lên đến 400 con. Song do kinh nghiệm còn hạn chế, bò nhập ngoại thích nghi kém, cộng với dịch bệnh, giá sữa giảm do “bão” Melamine, khiến đàn bò sụt giảm nghiêm trọng; đến năm 2008, cả tỉnh chỉ còn 100 con bò sữa.
Để vực lại đàn bò, một mặt tỉnh nghiên cứu những vùng phát triển phù hợp, mặt khác đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, như liên kết với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Hà Nam hỗ trợ lãi suất trong vòng 15 tháng cho các hộ vay mua bò.
Ông Đạt cho biết: “Nhờ các chính sách phát triển hợp lý, từ năm 2010 đến nay, đàn bò sữa tăng nhanh. Hiện, Hà Nam đã có 2.200 con bò sữa, phấn đấu năm 2020 là 15.000 con, sản lượng sữa từ 50 - 60 triệu lít/năm”.
Năm 2015, Đề án phát triển trọng điểm bò sữa đã được UBND tỉnh phê duyệt ở vùng bãi ven sông Hồng thuộc các xã Mộc Bắc, Mộc Nam, Chuyên Ngoại… (Duy Tiên); Nguyên Lý, Chính Lý, Nhân Hòa, Nhân Hậu… (Lý Nhân).
Để giải quyết đầu ra của sữa, ông Đạt cho biết, hiện trên địa bàn đã có nhà máy sữa Vinamilk và Công ty TNHH Friesland Campina ký cam kết mua toàn bộ sữa bò của người dân. Theo đó, tại các vùng nuôi khoảng 300 con bò sữa trở lên sẽ được công ty đặt một trạm thu mua sữa, sau đó vận chuyển về nhà máy.
Với những chủ trương và quan điểm phát triển cụ thể, chắc chắn ngành nông nghiệp Hà Nam sẽ có nhiều khởi sắc.
Trung Hiếu
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.