Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 8 năm 2018 | 13:20

Tam Đảo: Phát triển đàn bò thịt, bò sữa chất lượng cao

Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có nhiều vùng bán sơn địa, ruộng bậc thang, do đó trồng lúa khá tốn kém, năng suất thấp bởi khó  đưa nước vào ruộng. Vì vậy, bà con chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, hiệu quả tăng rõ rệt.

img_1942-1.JPG

Cán bộ khuyến nông (giữa) thăm mô hình nuôi bò của gia đình ông Chí.

 

Từ thực tế đó, Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện đã nỗ lực phát huy thế mạnh này.

Hiệu quả từ chăn nuôi  bò thịt

Ông Đỗ Xuân Be (ở xã Bồ Lý) cho biết, Tam Đảo là vùng bán sơn địa, có nhiều ruộng bậc thang, trước kia người dân chủ yếu trồng lúa, chăn nuôi lợn, gà. Để cấy lúa phải bơm nước lên ruộng rất vất vả, tốn kém, nhưng lợi nhuận không cao. Vì vậy, bà con chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, nhàn và thu nhập ổn định hơn. Hiện, vợ chồng ông nuôi 3 bò sinh sản; bán bê với giá 8-10 triệu đồng/con; bò 7-8 tháng tuổi 13 -14 triệu đồng/con. Thụ tinh cho bò đã có thú y xã đảm nhận với mức giá 200.000 đồng/lần. Gần như 100% số hộ ở đây đều nuôi trâu, bò (70-80% trâu, bò thịt), nhà nuôi nhiều 10-12 con, ít cũng 1- 2 con.

Năm 2014, tổng đàn bò thịt của Tam Đảo có 10.461 con, cuối năm 2015 đạt 10.711 con (tăng 250 con). Tính đến quý 1/2018, tổng đàn bò thịt đạt khoảng 13.300 con. Nguyên nhân do giữa các năm 2015 - 2016, tổng đàn bò thịt tăng mạnh về số lượng, bán được giá nên người dân giữ lại bò cái nền  sinh sản để tăng đàn. Về trọng lượng, bò ré nặng 150-180 kg/con; sau khi được cải tạo bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, lai ¾ máu ngoại, đạt trọng lượng 230-300 kg/con. Không những thế, bò còn tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xé cao, chất lượng thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao.

Đầu tư phát triển bò sữa

Theo ông Chu Trọng Chí (ở thôn Cầu Trang, xã Bồ Lý), trước đây ngoài làm ruộng, ông còn nuôi lợn, gà; song đầu ra bấp bênh. Một lần đến Ba Vì (Hà Nội), nơi có đàn bò sữa khá mạnh và ổn định, so sánh với Bồ Lý, cũng là vùng đồi núi, rất thích hợp việc trồng cỏ, chăn nuôi gia súc lớn, năm 2011, ông chuyển sang nuôi bò sữa.

Lúc đầu chỉ mua 2 con, với giá 92 triệu đồng; bình quân mỗi năm thu hoạch 11 tấn sữa, lãi 72 triệu đồng. Năm 2013, ông mua tiếp 2 con nữa với giá 130 triệu đồng; cứ nâng dần như vậy, lúc cao điểm, ông nuôi 9-10 con bò. Tuy nhiên, vài năm sau, ông chỉ giữ lại 5 con, do nhà chỉ còn 2 vợ chồng chăm sóc; bình quân thu nhập 100 triệu đồng/năm.

“Mấy năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu, tôi không nuôi bò sữa nữa. Để đỡ vất vả, vợ chồng tôi chuyển sang gây dựng đàn bò mẹ, 5 con. Năm cao nhất được 3 - 4 bê cái, năm ít chỉ được 1 con, giá 1 bò mẹ 40 triệu đồng/con, bê cái 6 -7 triệu đồng/con, bê đực 2 triệu đồng/con. Bình quân thu lãi 70 - 80 triệu đồng/năm. “Đầu ra” cho nguồn sữa khá ổn định, từ trước đến nay, chúng tôi vẫn bán cho hãng Cô Gái Hà Lan, có địa điểm thu mua sữa tại huyện Lập Thạch, cách Bồ Lý 3km”, ông Chí chia sẻ.

Được biết, giá sữa Cô gái Hà Lan 11.600 đồng/kg. Hiện, toàn thôn Cầu Trang có 21 hộ chăn nuôi bò sữa, hộ nhiều nhất 20 con, ít nhất 5 con.

Hỗ trợ thiết thực của địa phương 

Dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa huyện Tam Đảo được triển khai thực hiện trong 3 năm, từ 2015-2017. Theo đó, đã đào tạo được 2 lớp dẫn tinh viên nâng cao cho 30 cán bộ chuyên môn; 1 lớp nghề chuyên sâu cho 10 cán bộ chăn nuôi bò sữa cấp xã. Tổ chức tập huấn 67 lớp về cách phòng chống nắng cho bò, tại địa bàn 8/8 xã với gần 6.000 lượt nông dân tham dự; tổ chức tham quan trong tỉnh 1 chuyến; ngoại tỉnh 2 chuyến. Hỗ trợ mua mới 15 con bò/300 con theo kế hoạch, song chưa thực hiện được hỗ trợ lãi suất, do các hộ không có hồ sơ mua/bán, không có thủ tục, giấy kiểm dịch, hồ sơ vay vốn ngân hàng không đúng với mục đích mua bò.

Về bảo hiểm nông nghiệp cho bò sữa, có 27 hộ tham gia; từ tháng 11/2015 - 11/2016, đã có 20 con bò chết do dịch bệnh, đã nhận đủ số tiền bảo hiểm (24 triệu đồng/con). Tháng 12/ 2016, các hộ chăn nuôi tiếp tục ký hợp đồng đóng bảo hiểm cho 176 con/555 con theo kế hoạch; tổng giải ngân đóng bảo hiểm 228.096.000 đồng.

Dự án hỗ trợ xây dựng 1.018/1.175 hầm biogas; 57/250 hộ làm đệm lót sinh học xử lý ô nhiễm môi trường; 31/200 máy vắt sữa; 31/260 máy thái cỏ; 364/1.282 liều tinh nhân tạo. Ngoài ra, còn hỗ trợ  dụng cụ phục vụ thụ tinh nhân tạo: Bình đựng ni tơ, súng bắn tinh, panh kẹp, găng tay, ống gen bắn tinh; thước dây đo bò; bút viết thẻ tai; kìm bấm số tai; thẻ đeo tai bò, với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.  

Đặc biệt, Trạm Khuyến nông huyện, cơ quan thường trực của Dự án, đã tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức chăn nuôi cho người dân từng thôn bản, làng xã, để bà con hiểu rõ về dự án và công tác thụ tinh nhân tạo. Tham mưu cho huyện làm việc với doanh nghiệp thu mua sữa, để giải quyết đầu ra sản phẩm. Phối hợp với doanh nghiệp chọn địa điểm thực hiện khu chế biến sản phẩm từ nguồn sữa, đồng thời, xây dựng điểm tham quan, quảng bá sản phẩm làm từ sữa tại Tam Đảo. 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top