Ngày 23.3, tại Hà Nội, tập đoàn TH đã tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh Kaluga (Liên bang Nga) trong khuôn khổ các Dự án mà tập đoàn TH đang triển khai tại Liên bang Nga.
Đoàn công tác của Chính phủ tỉnh Kaluga do ông Anatoly Dmitriyevich Artamonov, Thống đốc tỉnh Kaluga dẫn đầu; ông Vladimir Potemkin – Phó Thống đốc tỉnh Kaluga, Chánh văn phòng tỉnh Kaluga trực thuộc Chính phủ liên bang Nga; bà Larisa Vorobyeva – Phó Chánh văn phòng tỉnh Kaluga trực thuộc Chính phủ liên bang Nga; ông Denis Cherkesov – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp tỉnh Kaluga; ông Stefan Perevalov – Giám đốc Ủy ban Phát triển Kinh tế Nông nghiệp tỉnh Kaluga. Buổi Lễ cũng có sự tham dự của ông Konstaintin Vnukov – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam.
Bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH trò chuyện với đoàn đại biểu tỉnh Kaluga và chia sẻ sẽ đầu tư mạnh mẽ để sản xuất thực phẩm sạch, an toàn.
Tháng 11.2015, tại Diễn đàn Sữa Quốc tế tổ chức tại Liên bang Nga, bà Thái Hương- Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn TH đã công bố Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa giai đoạn 1 tại Liên bang Nga với vốn đầu tư của giai đoạn này là 500 triệu USD, tổng đàn bò dự kiến là 45 ngàn con; xây dựng nhà máy sữa công suất 800 tấn/ngày, nhà máy thức ăn gia súc công suất 400 ngàn tấn/năm. Đây là giai đoạn đầu tư đầu tiên trong chiến lược đầu tư dài hạn 10 năm tại Liên bang Nga của tập đoàn TH với tổng vốn 2,7 tỷ USD, có sự tư vấn đầu tư của Ngân hàng TMCP Bắc Á. Dự án này sử dụng diện tích đất nông nghiệp của 2 tỉnh Mátxcơva và Kaluga.
Trong buổi làm việc với Đoàn công tác Chính phủ tỉnh Kaluga, bà Thái Hương cho biết, tập đoàn TH dự kiến đầu tư 190 triệu USD để triển khai xây dựng 2 cụm trang trại bò sữa tại tỉnh này (nằm trên địa bàn 2 huyện Ulianov và Mosacalskyi). Đây là bước tiếp theo của tập đoàn TH nhằm thúc đẩy việc triển khai Dự án sữa tươi sạch tại Liên bang Nga, sau các hoạt động tích cực của tập đoàn TH tại tỉnh Mátxcơva. Tập đoàn TH đề nghị tỉnh Kaluga bàn giao đất sạch, thành lập Ban Quản lý Dự án sữa TH để nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án.
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với ông Anatoly Dmitriyevich Artamonov, Thống đốc tỉnh Kaluga
Ông Anatoly Dmitriyevich Artamonov khẳng định, chính phủ tỉnh Kaluga đã bố trí tổng diện tích xây dựng trang trại và cánh đồng nguyên liệu của TH là 70.000 ha, đồng thời có những cam kết về việc bàn giao đất sạch; trợ cấp cho việc cải tạo đất ở những vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang lâu năm; đảm bảo chính sách hỗ trợ về thuế; các điều kiện về hạ tầng phù hợp với pháp luật hiện hành của Liên bang Nga và tỉnh Kaluga. Về việc thành lập Ban Quản lý dự án, tỉnh Kaluga đã cử một Phó Thống đốc phụ trách Dự án của tập đoàn TH và phân công Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý, đồng hành cùng Tập đoàn TH triển khai Dự án ngay sau kết thúc các đàm phán đầu tư.
Hiện tại, Liên bang Nga là nước nhập khẩu sữa lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 12 – 15% thương mại sữa trên toàn thế giới. Liên quan đến cấm vận nhập khẩu sữa từ Mỹ và các nước đồng minh, việc cung ứng sữa tại Nga càng trở nên khó khăn. Định mức tiêu thụ sữa của người Nga do Bộ Y tế Nga ban hành năm 2010 là 340kg/người/năm nhưng theo khảo sát của Hiệp hội Sữa quốc tế, người dân Nga chỉ mới sử dụng 173kg/người/năm. Vì vậy, Chính phủ tỉnh Kaluga hoan nghênh và tạo mọi điều kiện cho tập đoàn TH xúc tiến triển khai Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Kaluga, sớm cho ra đời sản phẩm sữa tươi chất lượng quốc tế như TH đang sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi có kinh nghiệm hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều năm qua tỉnh Kaluga giữ vị trí số 1 ở Liên bang Nga về thu hút đầu tư và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư bằng luật. Vì thế, chúng tôi tin tưởng dự án của tập đoàn TH sẽ sớm được triển khai tại Kaluga”- Ông Anatoly Dmitriyevich Artamonov bày tỏ.
Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH tặng quà thể hiện tình hữu nghị Việt Nga.
Các thành viên trong đoàn cũng bày tỏ ấn tượng với sản phẩm TH true MILK vì những dấu ấn mà TH true MILK đã để lại trên đất nước Nga. Ngày 17.9.2015, lần đầu tiên TH true MILK tham dự triển lãm Thực phẩm Quốc tế Mátxcơva nhưng đã có thắng lợi rực rỡ khi đoạt tới 7 Giải thưởng lớn về chất lượng, trong đó có 3 giải Vàng, 3 giải Bạc, 1 giải Đồng.
Nói về lý do đầu tư vào Kaluga và Liên bang Nga, bà Thái Hương chia sẻ: “Đó là sự tri ân với tình cảm nồng hậu mà nhân dân Nga đã dành cho nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đất nước bị chiến tranh; đồng thời chúng tôi nhìn thấy dư địa kinh doanh trong thời kỳ nước Nga bị cấm vận”
Cũng theo bà Thái Hương, nước Nga có đất đai rộng lớn, màu mỡ, điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển nông nghiệp. Chính phủ Liên bang Nga và tỉnh Kaluga đã ban hành những chính sách hấp dẫn để phát triển ngành nông nghiệp, lôi kéo các nhà đầu tư vào lĩnh vực vốn đã bị ngủ quên trong một thời gian dài. Tập đoàn TH hiện đang hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc organic, đặc biệt là sữa organic. Dòng sản phẩm tươi, sạch này sẽ được triển khai thực hiện tại Kaluga.
Mô hình trang trại của tập đoàn TH dự kiến xây dựng tại Kaluga tương tự mô hình mà tập đoàn đang vận hành tại Nghĩa Đàn (Nghệ An). Trang trại sử dụng các hệ thống chăn nuôi hiện đại nhất trên thế giới được nhập từ các nước có nền chăn nuôi phát triển như Afimilk (Israel), GEA (Đức), Delaval (Thụy Điển), BouMatic (Mỹ).
Trước đó, tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa tập đoàn TH và Chính phủ tỉnh Mátxcơva, Dự án Sữa TH tại Liên bang Nga được đánh giá mang tính biểu tượng của tình hữu nghị Nga- Việt, phù hợp với sự phát triển năng động của quan hệ song phương mà lãnh đạo hai nước đã nâng lên là đối tác chiến lược toàn diện.
Trong ngày 23.3, đoàn công tác Chính phủ tỉnh Kaluga cũng đã có buổi tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ngày 24.3 đoàn sẽ thăm trang trại TH tại Nghệ An- trang trại được Tổ chức kỷ lục Châu Á xác nhận Kỷ lục Cụm trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất Châu Á.
P.V
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.