Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 1 năm 2017 | 9:11

Tập trung xây dựng nền nông nghiệp thông minh

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thông báo kết luận nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp so với các nước trong khu vực; mặt khác, phần lớn dân số nước ta sống ở nông thôn, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp lớn, ngành nông nghiệp cần phát huy những lợi thế, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp phải chú trọng về giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm chủ lực, thế mạnh.

Đồng thời khai thác được thế mạnh từ biển, tập trung phát triển thuỷ hải sản; chủ động thích nghi, chống chịu được với các tác động của biến đổi khí hậu và tác động từ hoạt động khai thác sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn; chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng về xuất khẩu nhưng trước hết phải phục vụ nhân dân; tập trung xây dựng nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tạo ra sản phẩm giá trị cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành nông nghiệp trong năm 2017 và thời gian tới, tập trung khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu; tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017, bảo đảm hiệu quả sản xuất, ổn định đời sống cho người nông dân; đảm bảo điều kiện học tập, khám chữa bệnh; chăm lo Tết Nguyên đán cho người dân vùng thiên tai, không để người dân đứt bữa, đói cơm.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp thay vì sản lượng, số lượng. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt; giảm chi phí, nâng cao năng suất, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Tổ chức lại hoạt động hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã, hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng xuất khẩu nhiều sản phẩm thô, giá trị thấp.

Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo đảm môi trường sống cho người dân nông thôn, trong đó tập trung nâng cao đời sống của người dân nông thôn; ưu tiên nguồn lực, khoa học kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường đầu tư hiện đại hoá hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là năng lực phòng chống, chống chịu với thiên tai. Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp, giành nguồn lực thoả đáng cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo một số sản phẩm nông nghiệp có khả năng xuất khẩu, bảo đảm vượt kế hoạch đề ra; rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, nhất là về đất đai và quy hoạch đất lúa theo hướng bãi bỏ các thể chế, chính sách trói buộc, kìm hãm phát triển nông nghiệp, nông thôn, trước hết là những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục khai thác các cơ hội từ hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam để phát huy các thế mạnh các sản phẩm, bao gồm sản phẩm quốc gia, nhóm lợi thế địa phương, nhóm đặc sản vùng, miền.

PV.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top