6 tháng đầu năm 2016, Thái Nguyên thu hút được 15 dự án đầu tư, nâng tổng số dự án toàn tỉnh lên 151 dự án trong 4 KCN đang hoạt động. Trong đó, 77 dự án trong nước với số vốn đăng ký lên đến 11 nghìn tỷ đồng, 74 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký 7 tỷ USD, chiếm 97,2% vốn FDI đăng ký trên toàn tỉnh.
Hướng tới phát triển bền vững
Có thể nó, trong những năm qua, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên có bước chuyển mình mạnh mẽ. Điều này nhìn thấy rõ rệt nhất ở hai chỉ số FDI và PCI trong lĩnh vực công nghiệp. Thành công này trước hết phải kể đến sự đồng thuận từ cơ chế, người vận hành cơ chế đến người dân với mục đích tổ chức tốt việc thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp của tỉnh.
Do có vị trí thuận lợi lại có nhiều điều kiện từ cơ sở vật chất hạ tầng đến cơ chế để phát triển các khu công nghiệp (KCN), từ đó thu hút đầu tư nhằm phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất của tỉnh.
Nguồn lực cũng là một thuận lợi để các nhà đầu tư vào Thái Nguyên, với hệ thống đào tạo chính quy của Đại học Thái Nguyên với 7 trường đại học, 23 trường cao đẳng, 52 trường dạy nghề hàng năm cung cấp nguồn nhân lực khá dồi dào.
Nhân viên vận hành nhà máy nước thải giải thích quy trình xử lý.
Mặc dù vậy nhưng tỉnh này luôn đặt ra hướng phát triển bền vững, mục đích mang lại nguồn phúc lợi cho nhân dân trước tiên. KCN Điềm Thụy cách đây 3 năm là khu vực đồi trọc, khô cằn, người dân nhọc nhằn kiếm sống. Thế nhưng từ khi KCN đi vào hoạt động, người dân nơi đây từng bước cải thiện đời sống, nhiều gia đình còn trở nên khá giả.
KCN Điềm Thụy sau hơn 2 năm khởi công xây dựng nay đã đưa vào hoạt động. Phát triển song song với đó, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã xây dựng và đưa Nhà máy xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm vào vận hành, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường ở khu vực công nghiệp được xem sôi động nhất Thái Nguyên. Dự án Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Điềm Thụy (tỉnh Thái Nguyên) do Ban quản lý các KCN Thái Nguyên làm chủ đầu tư, có số vốn hơn 15 tỷ đồng.
Một góc Khu Công nghiệp Điềm Thụy
Với công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, tự động hóa cao, Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Điềm Thụy có hệ thống đường gom nước thải từ các trục chính trong KCN và hệ thống các bể: bể thu gom, điều hòa và thiết bị lược rác thải, bể điều chỉnh PH, bẻ châm PAC - Polymer, bể tạo bóng, bể lắng, khử trùng, bể xử lý bùn, bể keo bùn…
Qua quá trình chạy thử nghiệm, nồng độ các chất ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp sau khi được xử lý đều có thông số và nồng độ các chất trong nước thải đạt quy chuẩn Quốc gia về nước thải (QCVN 40:2011/BTNMT).
Ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Công trình xử lý nước thải KCN Điềm Thụy đi vào vận hành đảm bảo xử lý cơ bản lượng nước thải của hơn hơn 20 nhà máy sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện cho Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình, thị xã Phổ Yên mới đầu tư vào KCN Điềm Thụy.
Với sức hút đầu tư ngày càng cao vào KCN Điềm Thụy, hiện nay, Ban quản lý KCN Thái Nguyên đã chuẩn bị sẵn diện tích đất ngay trong khuôn viên Nhà máy xử lý nước thải hiện tại để sẵn sàng lắp đặt thêm 1 mô đun xử lý nước thải công nghiệp khi có nhu cầu…
Hiện KCN Điềm Thụy đã thu hút được 53 dự án đầu tư, chủ yếu là các dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 5.500 lao động, dự kiến nộp ngân sách trong năm nay đạt trên 100 tỷ đồng.
Chiều 25/8, trong đợt kiểm tra đột xuất của Ban quản lý các KCN Thái Nguyên tại một cơ sở sản xuất linh kiện điện tử ô tô Công ty Iret Vina (Korea Electric Term Nal Viet Nam), các kết quả hiện lên: chỉ số PH= 7,7; Độ dẫn điện (S)750; Tổng chất rắn hòa tan (TDS) 370; Nhiệt độ 32 độ. Tại thời điểm kiểm tra, Công ty IRET đủ yêu cầu thải vào hệ thống KCN Điềm Thụy.
Phấn đấu thành tỉnh công nghiệp
Nhằm phát huy thế mạnh của mình, đồng thời thực hiện chủ trương thu hút đầu tư phát triển các KCN của Đảng và Nhà nước, Thái Nguyên đã thành lập một số KCN để thu hút đầu tư nói chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng, coi đó là nguồn lực tốt để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành lập 6 KCN tập trung với diện tích 1.420 ha, bao gồm KCN sông Công I (195 ha), KCN Sông Công II (250 ha), KCN Nam Phổ Yên (120 ha), KCN Yên Bình (400 ha), KCN Điềm Thụy (350 ha), KCN Quyết Thắng (105 ha). Trong 6 KCN đã có 4 khu đi vào hoạt động.
Để làm tốt công tác thu hút đầu tư, Ban quản lý (BQL) các KCN đã tập trung vào công tác cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách theo hướng đơn giản, tiết kiệm thời gian làm thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp, thực hiện dự án và các thủ tục có liên quan đến đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kết quả thu hút đầu tư đến hết năm 2015 là 136 dự án, trong đó có 73 dự án trong nước, 63 dự án FDI. Riêng 6 tháng đầu năm 2016 thu hút được 15 dự án, nâng tổng số dự án lên 151 dự án trong 4 KCN đang hoạt động. Trong đó, 77 dự án trong nước với số vốn đăng ký lên đến 11 nghìn tỷ đồng, 74 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký 7 tỷ USD, chiếm 97,2% vốn FDI đăng ký trên toàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản từ hoạt động của KCN đều có mức tăng trưởng trên 17% như kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD, tăng 18,5%, nhập khẩu ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 17,2%, nộp ngân sách 2.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Mặc dù sự phát triển KCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian đạt được những kết quả quan trọng nói trên, song vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Thời gian tới, BQL các KCN Thái Nguyên tiếp tục kế thừa, phát triển những thành quả đạt được gắn với khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế để tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu.
Biên bản kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất linh kiện điện tử ô tô Công ty Iret Vina (Korea Electric Term Nal Viet Nam) KCN Điềm Thụy.
Tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất trình cấp độ có thẩm quyền xem xét bổ sung vào danh mục các KCN theo hướng KCN có lợi thế so sánh tốt với tính khả thi cao và kiên quyết đưa ra khỏi danh mục những KCN có lợi thế thấp, không có khả năng triển khai. Thêm vào đó, huy động mọi nguồn lực kinh tế tập trung cho phát triển nền kinh tế - xã hội vững mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tiết giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục để bảo đảm thời gian cho tất cả các lĩnh vực chỉ bằng 1/10 thời gian so với quy định.
Chủ động nắm bắt những khó khăn phát sinh trong hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp, thay đổi phương thức vận động, xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, định hướng lựa chọn lĩnh vực ngành thu hút đầu tư phù hợp vào KCN, ưu tiên thu hút dự án đầu tư lớn công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện môi trường.
Với các giải pháp trên, hy vọng các KCN tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sớm đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.
Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi vượt lên trở thành “điểm sáng” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu như cuối năm 2012, Thái Nguyên đứng ở vị trí 44/63 tỉnh, thành phố thu hút FDI trong cả nước, thì đến nay tỉnh đã vươn lên tốp đầu cả nước về lĩnh vực này. Tính riêng trong giai đoạn 2011-2016, tỉnh có hàng trăm dự án đầu tư, trong đó có hơn 60 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là trên 7 tỷ USD, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố có vốn FDI trong cả nước. Nổi bật trong các dự án có nguồn vốn FDI lớn là Dự án Nhà máy điện tử Samsung - Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung Electronic, Hàn Quốc. Một trong những nguyên nhân chủ yếu mang tới thành công cho sự phát triển ở Thái Nguyên là do tỉnh đã quy hoạch và xây dựng được các khu công nghiệp lớn, sẵn sàng đón nguồn vốn đầu tư FDI, cũng như có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vào KCN. |
PV
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.