Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 11 năm 2018 | 13:51

Thái Nguyên phát triển cây ăn quả chất lượng cao

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, nhà vườn Thái Nguyên đã và đang đẩy mạnh phát triển cây ăn quả chất lượng cao.

1.jpg
Một góc vườn nhãn ghép của gia đình anh Ngô Doãn Mai ở xóm Vải, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên).

 

Thu nhập tăng  20 - 50%

Thái Nguyên hiện có 17.054ha cây ăn quả, trong đó vải, nhãn và chuối chiếm hơn 50%. Phần còn lại là các loại cây ăn quả khác như na, cam, bưởi Diễn...

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên Lương Văn Vượng cho biết: Trước đây, nông dân đầu tư trồng các loại cây ăn quả chưa có sự tính toán. Hầu như các loại cây trong vườn đều trồng theo ý thích. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tư duy người dân đã có nhiều thay đổi. Bà con mạnh dạn phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao.

Hướng tới phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao, nông dân Thái Nguyên đã áp dụng kinh nghiệm trồng, thâm canh và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng túi bao quả, nuôi cấy mô… Bên cạnh đó, khuyến nông, Hội Làm vườn  cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nhà vườn, từng bước nâng cao nhận thức, tay nghề về lựa chọn giống, phân bón, bón phân hợp lý cho từng loại cây theo giai đoạn sinh trưởng; giúp nhận biết và phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả...

Qua đó, thu nhập của người trồng cây ăn quả tăng  20 - 50% so với 5 năm trước. Thu nhập từ na đạt  300-350 triệu đồng/ha/năm; bưởi Diễn 300-400 triệu đồng/ha/năm; nhãn chín muộn 250 triệu đồng/ha/năm, chuối 150 -180 triệu đồng/ha/năm…

Ông Nguyễn Văn Phòng, ở xóm Ao Rôm 2, cho hay: Mấy năm trước, gia đình  chỉ trồng lác đác các loại cây ăn quả như ổi, bưởi, chuối... Số quả thu được mỗi năm chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc bán với giá khá thấp. Sau khi mạnh dạn phá bỏ và trồng thay thế vào đó 120 cây nhãn ghép, 800 gốc chuối tiêu hồng, qua 2 vụ thu hoạch, thu được hàng trăm triệu đồng. Vụ nhãn năm ngoái, gia đình thu hoạch được 12 tấn, giá bình quân 18.000 - 25.000 đồng/kg (năm nay, nhãn được mùa nên sản lượng sự kiến tăng khoảng 30%). Ngoài ra, đợt Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình thu được gần 800 buồng chuối, bán với giá 120.000 đồng/buồng.

Chú trọng xây dựng thương hiệu

Thực tế thấy, khi phát triển cây ăn quả chất lượng cao, ngoài việc lựa chọn giống quả ngon để đầu tư thì việc đầu tư thâm canh tăng năng suất cũng như tạo ra các loại quả sạch cung cấp cho thị trường đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả kinh tế của người trồng cây.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, cho rằng: Hiện, tư duy của người tiêu dùng đã thay đổi, họ không chỉ có nhu cầu ăn các loại quả ngon mà còn phải an toàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là lý do để Thái Nguyên phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn, chất lượng.

Hiện, Thái Nguyên đã hình thành 8 vùng sản xuất quả các loại với tổng diện tích trên 420ha, tập trung tại các địa phương có truyền thống trồng cây ăn quả  như Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Võ Nhai… Trong đó có 30,5ha áp dụng quản lý nước tưới bằng hệ thống tưới tiết kiệm sử dụng phun van xoay tự động.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc phát triển cây ăn quả chất lượng cao của Thái Nguyên vẫn đang gặp không ít khó khăn do người dân chưa có kho riêng lưu giữ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; không có sổ sách theo dõi chủng loại, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngày sử dụng. Hiện tượng chăn thả gia súc, gia cầm vẫn diễn ra trong giai đoạn thu hoạch ở các vườn cây ăn quả, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật có hại trên vỏ quả. Ngoài ra, các địa phương cũng chưa chú trọng nhiều tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây ăn quả để truy xuất nguồn gốc xuất xứ...

Bởi vậy, trong thời gian tới, cùng với việc định hướng về chủng loại giống, xây dựng vùng sản xuất..., ngành Nông nghiệp Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền để nhà vườn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao; xây dựng mô hình đồng bộ về giống, kỹ thuật chăm sóc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và sơ chế cây ăn quả. Đồng thời, phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn cho người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học hữu cơ trong sản xuất cây ăn quả; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong việc đầu tư làm thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật và tích cực xử lý môi trường cho diện tích trồng cây ăn quả giống mới; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng từng vùng…

 

 

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc
Top