Vượt qua mọi khó khăn, bằng sự tìm tòi, học hỏi, chịu khó, gia đình ông Trần Công Yên, bà Trần Thị Phương ở xóm Tiền Phong, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc - Nghệ An) đã thành công nhờ trồng bưởi Diễn.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy (74 tuổi), thông thường chỉ vui thú cùng con cháu, nhưng ông Yên đã không ngồi yên. Hơn 5 năm trước nhờ con trai giới thiệu giống bưởi Diễn ở Hà Nội ăn ngon, năng suất cao đã tìm hiểu và thấy hợp với thổ nhưỡng, khí hậu quên mình. Do vậy, ông quyết tâm trồng thử.
Ông Yên tâm sự, “thật ra trồng cây bưởi Diễn nói khó thì cũng không đúng, mà dễ cũng chẳng sai, tùy vào tính cách của mỗi người, phải thật sự chịu khó, bỏ công thì cây sẽ không phụ mình”.
Hiện, gia đình ông đang mở rộng trồng giống bưởi Diễn này. Đưa được cây bưởi về với miền biển đã không dễ, và trồng thành công lại càng khó. Với 50 gốc bưởi Diễn, mỗi dịp tết đến xuân sang, những quả bưởi đến thì sẽ vàng óng, đẹp mắt, trưng tết thì khỏi chê.
Thuở ban đầu, ông Yên tìm mua cây giống tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam với giá 40.000 đồng/cây.
So với các loại bưởi khác, bưởi Diễn có đặc trưng rất thơm, càng lâu năm quả càng bé, vỏ càng mỏng, ăn có vị ngọt đậm như mía lùi. Ngoài ra, vỏ bưởi Diễn có màu vàng óng, căng mọng, bóng bẩy và đặc biệt không sần sùi như các loại bưởi khác. Bên cạnh đó, bưởi Diễn cũng chẳng khó trồng, đây là loại cây ăn quả thích hợp với nhiều loại đất. Ngoài ra, so với bưởi da xanh thì bưởi diễn chịu hạn tốt.
Ông chia sẻ kinh nghiệm: Dùng cuốc moi hố đã bón phân lót được để từ 20 – 30 ngày, đất giữa hố phải lớn hơn bầu cây, cắt dây buộc bầu rồi sau đó đặt cây nhẹ nhàng xuống hố tránh làm vỡ bầu đất. Sau đó, để cây ở tư thế thẳng đứng sao cho mặt bầu cao bằng mặt ụ rồi sau đó lấp đất nén chặt xung quanh tán cây. Chú ý: không nén chặt quá và không nén ở phần gốc cây tránh làm đứt rễ. Tiếp đến, lấy 3 cái cọc cắm chéo nhau để trống cho cây không bị siêu vẹo khi có gió to hoặc có con vật nào chạy qua. Dùng mùn rác, cỏ khô phủ kín gốc giúp giữ đổ ẩm cho đất. Sau khi trồng xong, tưới nước 1 lần. Các ngày sau mỗi ngày tưới 2 lần vào khoảng 9h sáng và 3 – 4h chiều mát. (không tưới vào sáng sớm khi trời vẫn còn sương và giữa trưa khi trời vẫn còn nắng ngắt). Có thể tùy vào thời tiết mà có lượng nước tưới phù hợp giúp rễ và lá phát triển tốt nhất. Thời gian trồng tốt nhất từ tháng chạp đến tháng 2 năm sau, thời điểm đó cây sẽ phát triển tốt hơn.
Với 50 gốc bưởi diễn trong vườn nhà, đến mùa thu hoạch 1 gốc có thể cho về 70 quả, mỗi quả có giá 30.000 đồng, mỗi năm ông thu về 50 triệu đồng. Nhìn những quả bưởi diễn lủng lẳng treo trên cành mới thấy được tâm huyết của gia đình ông Yên, bà Phương đổ vào đấy nhiều chừng nào. Quả nào cũng căng mọng, vàng óng, bắt mắt.
Sau hơn 5 năm trồng, theo dõi, ông Yên đã tích lũy được nhiều hiểu biết về bưởi, quả bưởi Diễn càng để lâu càng héo thì càng ngọt.
Theo ông Yên, cây bưởi Diễn ưa phân chuồng, ngoài ra muốn để quả ngọt hơn thì người trồng phải bón thêm phân kali và phân đầu trâu. Lúc cây bắt đầu ra quả, các gia đình trong và ngoài xã tìm đến gia đình ông dể đặt cọc mua.
Ông Yên hồ hởi chia sẻ, “nếu như các hộ gia đình trong xã muốn học tập mô hình này, tôi sẽ nhân rộng mô hình, giúp bà con nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mỗi gia đình”.
Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây bưởi Diễn, nhiều hộ gia đình trong xóm, xã đã bắt đầu tìm đến nhà ông bà để học tập phương pháp, kĩ thuật trồng. Hy vọng rằng, tương lại không xa, khi trở lại Nghi Tiến sẽ được ngắm những vườn bưởi trĩu quả.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.