“Đảm bảo đủ nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Đó là một trong những vấn đề quan trọng được các đại biểu thảo luận và quyết nghị tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, diễn ra từ ngày 11 đến 13/12.
Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. Về cơ chế chính sách, có 10 nhóm vấn đề đề nghị tỉnh cần rà soát, tích hợp các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn đảm bảo đủ mạnh, đủ nguồn lực để thực hiện. Sớm ban hành chính sách cho cán bộ thôn, bản sau khi sáp nhập.
Có cơ chế chính sách về tích tụ ruộng đất, gắn với phát triển công nghệ cao và tiến hành thí điểm trước khi triển khai trên diện rộng. Cần có chính sách để duy trì vùng cao su đã trồng theo quy hoạch. Quan tâm đưa gai xanh vào cơ cấu cây trồng chính của tỉnh. Nâng cao mức khoán bảo vệ rừng. Quan tâm xây dựng chính sách phát triển rừng gỗ lớn. Sắp xếp lại các ban quản lý rừng phòng hộ…
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh Thanh Hóa, qua báo cáo cho thấy: Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa 17 quyết nghị tại Nghị quyết số 74 ngày 07/12/2017 đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 15,16%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, có một số nổi bật như: Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; giá trị sản xuất tăng 1,6% so với cùng kỳ; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 02 huyện, 283 xã và 567 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân mỗi xã đạt 16 tiêu chí, cao hơn bình quân chung của cả nước.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất tăng 34,2%, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 23.500 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao trên 1.600 tỷ đồng, cao hơn mức phấn đấu vượt thu được HĐND tỉnh quyết nghị và gấp gần 1,8 lần năm 2017. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách trên địa bàn Thanh Hóa vượt qua con số 20.000 tỷ đồng. Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt 103.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Các hoạt động văn hóa - xã hội năm 2018 của tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tiến bộ. Giáo dục mũi nhọn và thể thao đạt thành tích cao, tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Thi học sinh giỏi châu Á - Thái Bình Dương và Olympic quốc tế đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiếp tục giữ ổn định. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được quan tâm. Khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hoàn thành chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố...
Nhìn chung, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đã đạt và xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch đến năm 2020. Dự báo có 23 chỉ tiêu HĐND tỉnh khóa 16 quyết nghị tại Nghị quyết số 145 ngày 11/12/2015 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020) sẽ đạt và vượt kế hoạch.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã đi qua hơn nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2015 - 2020. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của HĐND tỉnh, sự điều hành có hiệu quả của UBND tỉnh, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GRDP và thu ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại. An sinh xã hội và đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên”.
Kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa lần này đã tiến hành các thủ tục miễn nhiệm chức vụ ủy viên UBND tỉnh và bầu bổ sung ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đồng thời, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
Đặc biệt quan tâm tới những hạn chế, yếu kém trong phát kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đề cập tới những khó khăn trong phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Xuất phát từ thực tế nền nông nghiệp quy mô sản xuất nhỏ, sản xuất chưa gắn với hàng hóa, chưa tạo dựng được thương hiệu trong khi Thanh Hóa là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Xây dựng các khu tái định cư nâng cao sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng của các dự án thủy điện. Đánh giá tổng thể ảnh hưởng của các công trình thủy điện, nhất là việc xả lũ đối với các lưu vực sông…
Đại đa số đại biểu tham dự kỳ họp đã thống nhất cao với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa năm 2018 và các giải pháp đề ra trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2019. Tình hình kinh tế năm 2018 của tỉnh có nhiều tín hiệu mới khả quan và là năm có mức tăng trưởng GRDP cao nhất từ trước đến nay.
Theo các đại biểu, những thành quả đã đạt được là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn tới. Kết quả đó cũng thể hiện hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.