Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 1 năm 2022 | 14:16

Thanh niên Bắc Ninh đam mê khởi nghiệp

Với sự nỗ lực của sức trẻ, tinh thần đam mê trong khởi nghiệp, nhiều thanh niên 9x Bắc Ninh vẫn hăng say trên đồng ruộng, biến vùng đất hoang hoá thành “bờ xôi, ruộng mật” và thu về bạc tỷ.

Đón Xuân mới Nhâm Dần - 2022, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, song, với sự nỗ lực của sức trẻ, tinh thần đam mê trong khởi nghiệp, nhiều thanh niên 9x Bắc Ninh vẫn hăng say trên đồng ruộng, biến vùng đất hoang hoá thành “bờ xôi, ruộng mật” và thu về bạc tỷ.

Lương 20 triệu/tháng vẫn “chê”

Chị Nguyễn Thị Trâm (xã Minh Tâm, huyện Lương Tài) cho biết, chị đang công tác trong một công ty tư vấn thiết kế xây dựng, với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm việc cho Công ty Samsung, lương ổn định 20 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương khá cao và ổn định ở Bắc Ninh. Những lúc rảnh rỗi, anh chị phụ giúp bố mẹ trồng rau, củ, quả sạch trên mảnh ruộng 1 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) của gia đình.

Tuy nhiên, có một điều bất cập là, rau sạch bán buôn ở chợ quê bị ép giá, khiến người trồng nản chí, vì không có lãi, trong khi rau sạch tại các siêu thị giá vẫn cao. Đây là lý do khiến anh chị nghỉ việc, bỏ phố về quê trồng rau VietGAP cùng bố mẹ.

 

1.JPG
Cán bộ Tỉnh Đoàn Bắc Ninh thăm ruộng cà rốt của gia đình chị Trâm.

 

Quyết định như vậy, năm 2014, anh chị thành lập Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu nông sản Hải Phong, chuyên bán cây giống măng tây xanh, nhập khẩu từ Mỹ (trên 1 vạn cây). Công ty tự ươm và bán cây giống  với giá 8.000 đồng/cây, đầu ra là các địa phương ở Bắc Ninh và lân cận như Hải Dương, Hà Nội. Để mở rộng sản xuất, năm 2016, anh chị thuê thêm 5ha đất của bà con trong vùng, quyết tâm trồng rau. 

Tuy nhiên, do Bắc Ninh là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, đồng ruộng bỏ hoang nhiều, nên trước khi trồng và sau mỗi vụ thu hoạch, công ty phải mua đất phù sa để cải tạo. Dùng xơ dừa, phụ phẩm rau, củ thải loại trong nhà lưới để bón cho đất. Hiện, Hải Phong có các loại rau ăn lá theo mùa như: Cà chua, dưa chuột, măng tây, các loại rau cải, ớt chuông, cà rốt, khoai tây… Đầu ra là hệ thống siêu thị ở miền Bắc, giá bán ổn định, cao gấp đôi so thị trường. Đến kỳ thu hoạch, chỉ việc vận chuyển đến kho của đối tác, bình quân 60 tấn/tháng.

Không dừng lại ở đó, khi đầu ra rộng mở, vợ chồng chị Trâm lại nhận được đơn hàng trồng cải thảo, để cung cấp cho các đơn vị chế biến kim chi ở TP. Hồ Chí Minh (Chi nhánh Bắc Ninh). Nhưng khó khăn là khí hậu miền Bắc ngày càng ấm lên, trồng cải thảo ở Bắc Ninh không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, công ty phải thuê 10ha đất canh tác ở Quản Bạ (Hà Giang), liên kết với bà con dân tộc thiểu số trồng rau vụ đông, trước mắt là cải thảo, nhưng sản lượng chưa đủ theo yêu cầu.

“Hiện, mới có trên 40 tấn cải thảo xuất vào miền Nam (nhu cầu cần 100 tấn/vụ), trong tương lai không xa, nếu đầu ra thuận lợi, công ty sẽ mở rộng vùng trồng ở Quản Bạ, và liên kết chuỗi sản xuất, hai bên cùng có lợi, nhất là bà con vùng cao có đất canh tác, nhưng chưa có việc làm ổn định. Để đảm bảo sản xuất, công ty phải thuê thường xuyên 20 công nhân, trả lương 5 - 9 triệu đồng/người/tháng”, chị Trâm cho biết thêm.

Cũng như các bạn ở Lương Tài, anh Bùi Xuân Quế (xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình) cho biết, anh  đam mê nông nghiệp sạch từ khi còn học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, anh vẫn giữ niềm đam mê cũ. Tuy nhiên, khi chia sẻ điều này với bố mẹ, thì nhận được lời khuyên, nên đi làm theo ngành đã chọn và tích lỹ vốn, sau này về làm ruộng cũng chưa muộn. Vì vậy, anh đi làm cho một công ty lớn của Hà Nội (Chi nhánh ở Bắc Ninh), với mức lương 15 triệu đồng/tháng.

Mỗi lần về quê, thấy đồng ruộng để hoang, anh lại thuyết phục bố mẹ cho về làm ruộng, nhưng bố mẹ vẫn không đồng ý. Đi làm về, anh sà xuống ruộng rau 0,5 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) để tưới cây, bắt sâu, vợ anh làm ở Công ty Samsung, cũng hỗ đắc lực với chồng. Cứ như vậy, sau nhiều lần thuyết phục không được, năm 2017, anh Quế chính thức bỏ phố về quê, bắt tay vào làm ruộng. 

Ban đầu, do canh tác ở ngoài trời, vụ được, vụ không, có khi mất trắng gần 200 triệu đồng sau 1 đêm mưa ngập úng. Thất bại, có lúc đã làm anh nản chí, nhưng anh tự động viên, nếu bỏ dở, cả nhà sẽ thất vọng. Vì vậy, anh lại  từng bước khôi phục đồng ruộng. Song, có một may mắn là, năm 2018, anh được tham gia cuộc thi thanh niên khởi nghiệp, do Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tổ chức và đoạt giải Ba. Sau đó, anh được vay vốn khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn 350 triệu đồng, đầu tư xây dựng 1.000m2 nhà màng.

Cũng từ đây, anh chuyển hẳn sang trồng rau an toàn, nhưng vẫn lỗ, do sản lượng ít, hàng lúc đủ, lúc thiếu. Phải đến năm 2020, khi anh vay thêm vốn, tăng diện tích nhà màng lên 5.000m2, công việc mới ổn định như ngày nay. Hiện, anh có bạn hàng là đối tác uy tín như: Công ty Xuất - nhập khẩu Hải Phong, thường xuyên thu mua sản phẩm dưa chuột baby đóng khay của anh để cung cấp cho Siêu thị BigC.

“Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, song, công việc rất ổn định, doanh thu bình quân đạt 150 – 180 triệu đồng/tháng (thu hoạch 10 tháng/năm), lãi khoảng 500 – 600 triệu đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng; vào thời vụ, thuê thêm 4 – 5 người, trả lương 160 – 170.000 đồng/người/ngày”, anh Quế cho biết thêm.

Chung tay cùng đoàn viên

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Sâm, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh,  cho biết: “Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 3 lần bùng phát mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Đoàn và người dân. Song, chúng tôi đã hoàn thành vượt mức 13/14 chỉ tiêu; được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; 113 cá nhân được Trung ương Đoàn tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”. Một cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 5 tập thể, 10 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 3 tập thể, 16 cá nhân được Tỉnh Đoàn trao giải Cuộc thi “Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bắc Ninh” nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng thời, Tỉnh Đoàn đã bàn giao 16,5 km đường điện “Thắp sáng đường quê”, trị giá 340 triệu đồng; xây dựng, sửa chữa 6 mái ấm thanh niên, mái ấm cho em, nhà nhân ái cho đối tượng khó khăn. Trồng, chăm sóc 155.370 cây xanh; tư vấn, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 2.500 lượt người; thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ gần 15.500 lượt đối tượng chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn gần 4,3 tỷ đồng”...

 

2.JPG
Anh Quế trong vườn dưa chuột sắp thu hoạch.

 

Cũng theo anh Sâm, hưởng ứng “Tháng Thanh niên năm 2021” với chương trình:”Chung tay xây dựng Bắc Ninh xanh”, Tỉnh Đoàn đã được Công ty Suntory Pepsico Việt Nam tài trợ 50 triệu đồng để trồng mới 200 cây sao đen; trao 20 suất quà cho 20 hộ nghèo có đoàn viên, thanh niên là học sinh, sinh viên xã Song Liễu, trị giá 27 triệu đồng. Thả cá phóng sinh, tăng nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân tại sông Đuống, trị giá trên 200 triệu đồng…

Ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Đoàn Thanh niên đã hỗ trợ, tư vấn hướng nghiệp cho 74.023 đoàn viên, thanh niên. Giới thiệu việc làm cho 7.283 thanh niên, trong đó 2.912 thanh niên đã có việc làm; hỗ trợ gần 14 tỷ đồng cho 17 dự án khởi nghiệp. Trước đó, năm 2018, Đoàn đã tham mưu xây dựng “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên”, với mức vốn 60 tỷ đồng, sau 3 năm triển khai, đã giải ngân 79,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, tháng12/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã sửa đổi “Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, nâng nguồn vốn từ 60 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng, giúp thanh niên Bắc Ninh phát triển kinh tế ngày càng tốt hơn”.

Hồng Dương
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top