Năm 2016, huyện Thanh Trì đã triển khai thành công mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel tại xã Yên Mỹ, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp trên địa bàn…
Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020, huyện Thanh Trì đã triển khai thành công mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel tại xã Yên Mỹ, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp trên địa bàn…
Mô hình điểm
Ông Nguyễn Mạnh Hồng, xóm 7, xã Yên Mỹ, cho biết, Thanh Trì có truyền thống trồng rau từ lâu đời, song phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ. Tìm hiểu, được biết nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam đã thành công nhờ trồng rau thủy canh trong nhà lưới, nhà kính theo công nghệ Israel, mỗi năm có thể trồng 12 -15 lứa, năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Canh tác theo phương thức này đòi hỏi chi phí lớn, nhưng với quyết tâm làm giàu nên ông đã lựa chọn áp dụng trồng.
Đây cũng chính là chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TP. Hà Nội và huyện Thanh Trì. Ông được huyện cho đi tham quan mô hình tại Đà Lạt (Lâm Đồng) và một số địa phương khác ở miền Bắc như: Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh… Đi nhiều, có thêm kiến thức về trồng trọt, nhất là rau thủy canh, ông Hồng quyết tâm thuê 5.000m2 đất ở Yên Mỹ để canh tác.
Tháng 6/2017, ông hoàn thành sơ bộ cơ sở hạ tầng và phần nhà kính, với quy mô 2.600m2. Kinh phí đầu tư 100 triệu đồng/100m2, tương ứng đầu tư mô hình trên 2,6 tỷ đồng (huyện hỗ trợ 1,15 tỷ đồng).
Tháng 8/2017, cơ sở đi vào hoạt động và đã có các sản phẩm như: rau muống, cải (nhiều chủng loại), dưa leo, cà chua bi, xà lách Nga, Hà Lan. Để khép kín mô hình trồng rau chất lượng cao, ông đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, với 7 thành viên.
Sau khi đi vào sản xuất, ông lại gặp phải khó khăn về kỹ thuật pha chế dinh dưỡng, cách chăm sóc cho cây, do mỗi loại rau có thời kỳ sinh trưởng và chế độ dinh dưỡng khác nhau. Sau hơn 10 tháng triển khai mô hình, ông Hồng đã làm chủ được kỹ thuật pha chế dinh dưỡng, không phải mua thức ăn pha sẵn trên thị trường với giá thành cao.
Hiện, ngoài hai vợ chồng ông trông coi khu sản xuất, cơ sở còn thuê 2 nhân công, với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Song, điều mà ông trăn trở nhất là, rau sạch của ông chưa có “đầu ra” ổn định. Nếu để người sản xuất có lãi, giá 1kg rau nói chung phải được 12.000 đồng trở lên, còn thấp hơn thì sẽ hòa hoặc lỗ. Trong khi đó, giá rau đầu bờ của Đà Lạt là 40.000 đồng/kg.
Định hướng vùng rau chất lượng cao
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Phó trưởng phòng Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, cho biết: “Thanh Trì có 104,5ha rau an toàn, năng suất bình quân đạt 189 tạ/ha. Ngoài ra, huyện đang chỉ đạo thí điểm một số mô hình trồng rau chất lượng cao, trong đó có rau thủy canh Đức Phát.
Mô hình của ông Hồng có khu thủy canh hồi lưu có 104 giá, 728 máng và 21.840 hốc trồng rau; năng suất bình quân đạt 2,1 tấn/lứa. Khu thủy canh nhỏ giọt gồm 2.000 bịch giá thể, trồng các loại rau, cà chua, dưa chuột, năng suất bình quân đạt 4 tấn/vụ. Tháng 8/2017, mô hình đã bắt đầu vận hành, thử nghiệm và hiện đang từng bước tổ chức sản xuất”.
Bà Tuyết Anh cho biết thêm, các sản phẩm thủy canh đã được Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra, dư lượng, vi chất đều đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, các sản phẩm đang được trưng bày, giới thiệu và cung cấp đến tay người tiêu dùng thông qua các điểm cung ứng sản phẩm an toàn của huyện và tại 1 số siêu thị.
Mặt khác, huyện Thanh Trì đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hỗ trợ gia đình ông Hồng các thủ tục thành lập HTX nông nghiệp công nghệ cao; xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; xin giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP, để đưa các sản phẩm rau thủy canh vào siêu thị, thị trường cao cấp.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục xây dựng mô hình nhóm hộ trồng rau hữu cơ ở xã Duyên Hà, phối hợp với Công ty Anstcom xây dựng kế hoạch, phương án triển khai mô hình. Huyện cũng đã tổ chức các buổi họp nhân dân, phân công cán bộ đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền, tập huấn quy trình chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thành ổn định, diện tích ban đầu đạt 1,4ha.
Xây dựng mô hình tổ chức nhóm hộ liên kết chuỗi, tiếp tục lựa chọn, giới thiệu doanh nghiệp cho bà con, phối hợp với UBND các xã Yên Mỹ, Duyên Hà tổ chức họp dân, phổ biến phương án thành lập nhóm liên kết. Hiện Yên Mỹ đã có 60 hộ, Duyên Hà 50 hộ tham gia.
Đồng thời, huyện còn hướng dẫn bà con bầu nhóm trưởng, xây dựng kế hoạch sản xuất theo nhu cầu của đơn vị thu mua, tổ chức ký hợp đồng, liên kết tiêu thụ với HTX An Phát, Công ty Hưng Gia gần 16ha, với mức giá thu mua ổn định và cao hơn thị trường 10 -15%.
Để nhân rộng mô hình rau thủy canh của HTX Đức Phát, ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ, kiến nghị, Nhà nước và thành phố cần có chính sách hỗ trợ ban đầu về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp kèm theo, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm... Và đặc biệt, thành phố và huyện cần nghiên cứu xây dựng một chợ đầu mối sản phẩm rau an toàn đích thực trên địa bàn. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.