Sản xuất đông trùng hạ thảo (ĐTHT) dựa trên ứng dụng nông nghiệp cao theo hình thức bán tự nhiên, đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, tập quán canh tác từ những cây giá trị thấp sang những cây có giá trị cao, nâng cao đời sống bà con vùng biên.
Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) được mệnh danh là “vàng mềm” của Tây Tạng bởi những giá trị hiếm có của nó. Với quy trình sản xuất áp dụng công nghệ cao theo hình thức bán tự nhiên, sản phẩm “vàng mềm” đạt hàm lượng chất lượng cao đã thay đổi tư duy sản xuất và mở hướng làm giàu cho bà con nơi vùng biên giới tỉnh Hà Giang.
Thay đổi tư duy sản xuất
Triển khai thực hiện gần 1 năm, đến nay Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) trên giá thể gạo lứt và các ký chủ khác nhau tại tỉnh Hà Giang” (gọi tắt Dự án) đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao đời sống bà con vùng biên giới tỉnh Hà Giang.
Đó là nhấn mạnh của Giám đốc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Hà Giang Phan Đăng Đông khi đánh giá về những hiệu quả bước đầu của Dự án. Giám đốc Phan Đăng Đông cũng mong muốn triển khai Dự án nhằm mục đích ứng dụng thành công công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và các kí chủ khác nhau (tằm dâu, tằm sắn, sâu chít) tại tỉnh Hà Giang.
Đây là Dự án được Bộ khoa học và Công nghệ uỷ quyền cho Sở khoa học công nghệ tỉnh Hà Giang quản lý, chi nhánh công ty Cổ phần Nông Lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam tại Hà Giang thực hiện với sự chuyển giao công nghệ của Viện di truyền Việt Nam đơn vị khoa học đầu ngành nghiên cứu về nấm ĐTHT trong cả nước. Dự án thuộc chương trình "Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025" ủy quyền cho địa phương quản lý.
Dự án đi vào thực hiện đến nay đã gần 1 năm và đã khẳng định những hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp cho doanh nghiệp và cho người dân vùng cao tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang).
Giám đốc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Hà Giang Phan Đăng Đông cho biết, thông qua việc triển khai dự án đã giúp cho bà con về vấn đề thay đổi tư duy, tập quán canh tác từ những cây giá trị thấp sang những cây có giá trị cao. Giá trị cao ở đây liên quan đến sản phẩm đông trùng hạ thảo (ĐTHT) dựa trên ứng dụng nông nghiệp cao.
Theo đó, đối với các hộ nông dân trồng chít lấy sâu, trồng dâu, trồng sắn nuôi tằm, họ có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm thông qua việc bán các sản phẩm như nhộng tằm, tằm tươi, sâu chít cho công ty để nuôi trồng ĐTHT. Khi tham gia liên kết với doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất nấm ĐTHT theo mô hình bán tự nhiên, người dân sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập từ bán con nấm ĐTHT.
Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động, người dân bản địa tại khu vực miền núi của tỉnh Hà Giang. Thông qua Dự án đào tạo cho tỉnh Hà Giang và doanh nghiệp nguồn lao động chất lượng cao, giàu kinh nghiệm trong việc nuôi trồng, sản xuất nấm ĐTHT theo mô hình bán tự nhiên.
“Dự án thực hiện thành công sẽ góp phần mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cho đơn vị chủ trì. Doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu sạch cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh nấm Đông trùng Hạ thảo chất lượng cao. Sản phẩm chế biến, sản phẩm tinh có hàm lượng Cordycepine cao được Chi nhánh và Công ty đầu tư nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa. Đây là những sản phẩm khác biệt với các sản phẩm ĐTHT trên thị trường do được quản lý chặt chẽ từ các khâu nguyên liệu, thu hoạch, thu hái, sơ chế và bảo quản. Mỗi năm, Chi nhánh công ty dự kiến thu về từ 1,5-2 tỷ đồng từ việc nuôi trồng nấm ĐTHT trên môi trường gạo lứt và trên các ký chủ sâu chít, tằm dâu, tằm sắn tương ứng với 20.000 con nấm Đông trùng Hạ thảo (mỗi loại đạt 5000con)”, ông Đông chia sẻ.
Chú trọng yếu tố chất lượng
Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp, công nghệ nuôi trồng nấm ĐTHT theo quy mô công nghiệp là công nghệ mới đang được áp dụng và nhân rộng trong nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại quá trình nuôi trồng nấm TĐHT tại Việt Nam là nhân tạo trên giá thể gạo lứt trong môi trường được kiểm soát và điều khiển hoàn toàn bằng máy móc do vậy sản phẩm chưa mang tính thiên nhiên và chưa có tính đặc thù. Hơn nữa hiện nay chưa có một đơn vị nào kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất ĐTHT. Do vậy, Dự án chuyển giao khoa học cộng nghệ sản xuất “vàng mềm” tại Hà Giang chính là bước đệm, tiên phong tạo sản phẩm chất lượng với dược tính cao đã mở hướng làm giàu cho bà con vùng biên.
“Chúng tôi hiện nay đang đặt vấn đề về chất lượng là tiêu chuẩn số 1, đó cũng là lý do tại sao mà chúng tôi phải chọn loại ĐTHT sản xuất ở những nơi có điều kiện tốt nhất và chúng tôi chọn Hà Giang vì nó có những cơ sở, sở cứ về khoa học để đạt được hàm lượng cao, đối với dược liệu thì hàm lượng dược liệu là quan trọng chứ không phải là số lượng”, PGS-TS Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Chủ nhiệm đề tài Dự án, Thạc sỹ công nghệ sinh học Viện nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp Nguyễn Thị Hoa Ánh cho biết, Dự án giúp cơ quan chủ trì làm chủ công nghệ nuôi trồng nấm ĐTHT Cordyceps militaris trên các giá thể khác nhau trong môi trường nhân tạo cũng như bán tự nhiên; giúp người tiếp cận được với kỹ thuật nuôi trồng nấm ĐTHT cả ở trong phòng và bán tự nhiên và chủ động về kỹ thuật trong tạo ra nấm ĐTHT trên các kí chủ khác nhau với chất lượng tốt và giá thành phù hợp.
“Việc nuôi cấy ĐTHT bán tự nhiên phải đòi hỏi điều kiện tự nhiên thuận lợi phù hợp cho việc nuôi trồng các ký chủ cũng như khả năng phát triển của nấm. Xuất phát từ đó, tỉnh như Hà Giang được đánh giá có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nấm ĐTHT theo hình thức trong môi trường nhân tạo và bán tự nhiên phục vụ cho nhu cầu phát triển các loại nấm dược liệu”, Th.s Nguyễn Thị Hoa Ánh nêu rõ.
Tạo “đầu ra” rộng mở
Theo Chủ nhiệm đề tài Dự án Th.s Nguyễn Thị Ánh Hoa, công nghệ nuôi trồng nấm ĐTHT Cordyceps militaris trong phòng và bán tự nhiên trên giá thể gạo lứt và các kí chủ sâu chít, tằm dâu, tằm sắn, gồm những điểm mới chưa có ở tỉnh Hà Giang như: Phương pháp nuôi cấy ĐTHT trên gạo lứt và trên ký chủ sâu chít, tằm dâu, tằm sắn; Áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong thu hái, sơ chế, chế biến và bảo quản nấm Đông trùng Hạ thảo; Xây dựng chuỗi sản xuất tạo ra sản phẩm ĐTHT chất lượng cao đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Đối với dự án này, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao cho đơn vị chủ trì tiếp nhận và làm chủ quy trình: nhân giống, nuôi trồng nấm ĐTHT trên giá thể gạo lứt và trên một số loại ký chủ trong điều kiện bán tự nhiên; sơ chế và bảo quản nấm ĐTHT tại Hà Giang với điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi sẽ giảm được chi phí sản xuất song nâng cao chất lượng sản phẩm. Kết quả giảm được giá thành sản phẩm và sản phẩm có thể được ứng dụng rộng rãi hơn, phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng”, Th.s Nguyễn Thị Ánh Hoa phân tích.
Giám đốc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Hà Giang Phan Đăng Đông cho biết, để sản phẩm ĐTHT của Hà Giang có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm trong nước và thế giới, Viện di truyền nông nghiệp đã áp dụng công nghệ nuôi cấy Invitro được coi là công nghệ nuôi cấy tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay. Nhờ đó, sản phẩm có hàm lượng Axit Cordyceptin cao, có tác dụng chống ung thư và nhiều dược tính tốt cho sức khỏe, làm đẹp.
Giám đốc Sở khoa học và công nghệ tỉnh Hà Giang Phan Đăng Đông cũng mong muốn, với sản phẩm ĐTHT chất lượng cao tại địa phương sẽ hỗ trợ phục vụ trực tiếp các đối lượng tiêu dùng với giá cả hợp lý. Từ đó, tạo cơ hội phát triển, mở rộng quy mô cả thị trường trong nước và nước ngoài.
Đặc biệt, hiện nay sản phẩm đã được liên kết và phân phối độc quyền bởi Công ty cổ phần Dược Quý Đường. Đây chính là chuỗi cung ứng có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà khoa học được kiểm chứng lâm sàng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo “đầu ra” rộng mở trên khắp cả nước và thị trường quốc tế./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.