Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 11 năm 2020 | 18:37

Thiếu nguồn giống sản xuất, khôi phục vùng rau sau lũ ở miền Trung

Người dân miền Trung thiếu nguồn giống để sản xuất và đang nỗ lực khôi phục vùng rau củ quả bị tàn phá sau lũ lụt.

Thừa Thiên - Huế: Thiếu nguồn giống để canh tác sau lũ

Tận dụng thời tiết tạnh ráo, ngay sau lũ nông dân Thừa Thiên - Huế đã ra đồng tổng vệ sinh, đắp lại kênh mương, làm đất chuẩn bị xuống giống vụ mới.

Song, việc thiếu giống cây trồng sau lũ đang là “trở lực” khiến nông dân gặp khó khăn trong khôi phục sản xuất.

 

giog-19.jpg

 Giống rau má sau lũ phải chủ động khai thác hạt tại ruộng.

 

Thiệt hại do mưa lũ đã làm thiếu hụt lượng giống rau màu, để cung ứng cho vụ đông 2020 và vụ đông xuân 2020-2021 trên 32 ha rau canh tác quanh năm của 750 hộ dân tại xã Quảng Thành (Quảng Điền), “thủ phủ” rau sạch của tỉnh. Nguồn cung rau ở địa phương này không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn đưa đi các địa phương khác.

Sau lũ, diện tích rau bị thiệt hại được người dân gom lại, tổng vệ sinh đồng ruộng. Ở những khu vực thấp trũng phải vớt bèo, rêu rác và cào mỏng đất bề mặt lộ lớp phù sa để xuống giống mới.

Song, nhiều ngày nay, người trồng rau vẫn đang loay hoay tìm nguồn giống để tái sản xuất.

Ông Ngô Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thành thông tin, địa phương cần 3,5 tạ hạt giống rau các loại. Ngoài một số nông dân trữ hạt giống mua từ trước đó, thì đa số người trồng rau hiện nay đang khan hiếm nguồn giống. Các đại lý giống rau các loại trên địa bàn xã hiện nay gần như “cháy hàng”.

Do sau lũ nông dân đồng loạt xuống giống nên nhu cầu giống cây rau các loại rất cao. Nhiều khu vực đồng ruộng trên địa bàn xã là vùng thấp trũng, rêu rác, bèo lục bình còn nhiều, công việc làm đồng được đẩy nhanh nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện, nên nguy cơ xuống giống vụ này chậm.

“Địa phương đã kết nối với các đại lý giống cây tại TP. Huế để cung ứng cho người dân kịp xuống giống. HTX cũng khuyến cáo bà con trước mắt trồng cây rau ngắn ngày để kịp bán; ở những vùng chưa xử lý xong đồng ruộng thì trồng rau dài ngày để bán gối vụ về sau”, ông Ngô Hợi cho biết.

Sau lũ, nước sông Bồ trắng đồng đã khiến 65 ha rau má ở Quảng Thọ (Quảng Điền) thiệt hại 70-80%, có nơi mất trắng. Những bụi hom rau má bị ngâm thối trong nước, khiến làng rau khan hiếm hom cây tái tạo sản xuất. Trước đây, nguồn giống cây rau má chủ yếu người dân tự túc, vụ này làm giống gối vụ sau.

Ông Nguyễn Lương Trí, Giám đốc HTX NN Quảng Thọ 2 cho biết, nước lũ vừa rút nhẹ, HTX vận động người dân ra đồng vớt hạt rau má về làm giống.

Hạt rau má sẽ được phơi sấy bảo quản, để xuống giống cho vụ tới. Tuy nhiên, tùy điều kiện phơi sấy, thời gian để hạt giống sau khi vớt lên bao lâu, có đảm bảo hay không.

Chưa kể, ươm rau má từ hạt, thời gian sinh trưởng kéo dài 3 tháng mới  thu hoạch; trong khi sử dụng hom cây khoảng 2 tháng đã có thể thu hái.

Ngoài nguồn giống tại chỗ trong dân, nhiều HTX đã sử dụng nguồn lúa giống được cung ứng tại Công ty CP Giống Cây trồng Vật nuôi tỉnh. Ông Phùng Hữu Thạnh, Giám đốc HTX NN Thủy Thanh cho hay, vụ đông xuân tới, dự kiến gieo khoảng 310 ha các loại giống lúa như JO2, Khang Dân, khoảng 30 tấn giống các loại.

“Nhiều năm nay HTX sử dụng giống lúa xác nhận đăng ký tại công ty, bởi nguồn giống trong dân không được bảo quản tốt (thời gian thu hoạch tháng 8, nhưng đến vụ đông xuân tháng 12 mới xuống giống nên không đảm bảo).

Vụ hè thu HTX sử dụng khoảng 60% giống lúa xác nhận tại công ty, còn các xã viên sử dụng lúa “vụ 3” để trữ làm giống. Nhìn chung, HTX luôn cân đối nguồn giống sản xuất từng mùa vụ, rà soát từng khung lịch thời vụ để có phương án sản xuất hợp lý”, ông Thạnh cho biết.

Sở NN&PTNT đã hướng dẫn một số giải pháp kỹ thuật gồm: vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây trồng, tu bổ, nạo vét kênh mương, cải tạo đất, diệt chuột sau lũ; tăng cường sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh phối hợp với Phòng nông nghiệp, Phòng kinh tế các huyện, thị xã chỉ đạo khắc phục kịp thời, hiệu quả để khôi phục sản xuất sau lũ.

Ông Hồ Đắc Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh thông tin, ngoài tuyên truyền, hướng dẫn trồng, chăm sóc các giống cây ngắn ngày, triển khai trồng mới, đơn vị còn cử cán bộ phối hợp với địa phương kiểm tra cơ sở, đánh giá mức độ thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất, chủ động cân đối nguồn giống cây trồng, vật nuôi cho vụ mới.

Quảng Nam: Khôi phục vùng rau sau lũ

Hiện, nông dân Quảng Nam đang tất bật khôi phục sản xuất ở các vùng rau củ quả sau cơn bão số 9.

 

kf69.jpg

 Nông dân kỳ vọng vào rau vụ đông. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

 

Hơn 2ha đất trồng rau củ quả ở khu canh tác rau sạch Trường Xuân (phường Trường Xuân, TP. Tam Kỳ) bị bão số 9 tàn phá. Hiện, nhiều nông dân đang khôi phục sản xuất. Sau khi vệ sinh đồng ruộng, ông Phạm Tổng đã gieo lại nhiều luống cải mầm, hành, ngò, xà lách, cải bẹ.

“Hơn 3 sào rau củ quả đã bị bão làm hư hại. Tôi ưu tiên trồng các loại cây ngắn ngày, sau đó canh tác lại khổ qua, dưa leo, bí đao, bí đỏ. Hy vọng, vụ này thu nhập khá để bù thiệt hại vừa qua” - ông Tổng nói.

Cũng tại vùng rau sạch Trường Xuân, ông Đoàn Đông khẩn trương trồng lại rau: húng, hẹ, mồng tơi, quế, rau lang, rau muống. “Khi trời nắng ráo, gia đình nhanh chóng thu dọn rau bị dập, hư hỏng, cày xới đất để xuống giống mới kịp thời vụ. Cây ngắn ngày trồng trước, các loại bí, mướp đắng, đậu leo, cà chua thì chờ cắm lại giàn, buộc dây leo mới gieo lại” - ông Đông nói

Tại huyện Thăng Bình, nhiều nông dân ở xã Bình Sa cũng tất bật trồng lại các loại rau củ quả đã bị bão phá nát. Ông Trương Công Bình (thôn Bình Trúc) cho biết, do trồng rau sạch ở các chân ruộng cao, nên ngoài 5 sào rau dền, xà lách, đậu cô ve, khổ qua bị hư hại, vẫn còn hơn 1 sào rau hành, ngò, tía tô, mồng tơi có thể tận thu.

“Sau bão, rau sạch tăng giá do khan hiếm, nên chúng tôi cũng có nguồn thu tạm, mỗi ký rau hơn 30.000 đồng. Hiện, nước rút đến đâu làm đất, tạo rãnh, xuống giống đến đó.

Hy vọng, thu nhập khá ở vụ đông, song, khoai môn, bí đao, khoai từ có thời gian sinh trưởng hơn 3 tháng, nên không thể kịp Tết 2021” - ông Bình nói.

Ông Châu Quang Anh - Chủ tịch xã Bình Sa cho biết, diện tích rau củ quả  bị thiệt hại do bão số 9 trên 100ha. Chính quyền đã đôn đốc nông dân làm đất, mua giống khôi phục sản xuất.

Đặc biệt, các ruộng rau bị ngập úng cục bộ, đã được huy động các lực lượng tập trung giúp người dân dọn dẹp, khơi thông cống rãnh để tái sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV Sở NN&PTNT cho biết, diện tích rau củ quả trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại hơn 400ha.

Đáng lo nhất là khôi phục các vùng rau nhà kính, nhà lưới. Trước hết là vốn, các HTX, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng cần phải vay vốn lớn mới có thể đầu tư lại.

Không những thế, đang mùa bão nên họ còn dè dặt, chưa dám khôi phục vì rủi ro luôn rình rập. Theo bà Sương, sản xuất rau củ quả vụ đông đã đem lại thu nhập ổn định cho nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ở các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, người dân đã liên kết với DN xây dựng vùng chuyên canh rau quả vụ đông hiệu quả. Bởi vậy, trong lúc khó khăn, ngành chức năng sẽ hỗ trợ giống, tập huấn, chuyển giao khoa học, áp dụng canh tác tiên tiến, giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn.

Quảng Bình: Vựa rau Quảng Long mất trắng sau lũ

Sau đợt mưa lũ lớn, 50ha rau màu của người dân phường Quảng Long (TX. Ba Đồn) đã thiệt hại nặng nề. Các vườn rau gần như hư hại hoàn toàn, phải phá bỏ để chuẩn bị trồng vụ mới.

 

rau-99.jpg
Rau màu hư hại được người dân thu gom để xử lý.

 

Phường Quảng Long có diện tích rau màu thiệt hại lớn nhất Thị xã Ba Đồn, hơn 50ha bị mất trắng. Hiện, người dân đang tất bật dọn dẹp, thu gom rau màu hư hại để làm đất, vào vụ mới.

Theo ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng Long, đây là nơi cung cấp rau, hoa màu chủ yếu cho chợ đầu mối Thị xã Ba Đồn. Nhờ trồng rau màu, nhiều hộ thoát nghèo, trở thành khá giả.

Đầu vụ, người dân Quảng Long gieo trồng 50ha rau, hoa màu, nhưng do mưa lũ, nhiều diện tích đã  bị ngập úng, hư hại nghiêm trọng, ước tính thiệt hại hơn 7 tỷ đồng.

Ông Võ Minh Sáng, tổ dân phố Chính Trực, phường Quảng Long chia sẻ: “Vụ mùa năm nay, tôi trồng 1.200m2 dưa lưới trong nhà màng và 1.000m2 măng tây. Trong đó, măng tây năng suất cao, sắp đến mùa thu hoạch, song, mưa lớn, nước ngập toàn bộ diện tích măng tây và dưa lưới. Ngoài ra, hệ thống dàn tưới nhỏ giọt Isarel cũng bị hư hỏng. Ước tính, thiệt hại hơn 270 triệu đồng”.

Không chỉ ông Sáng mà hầu hết hộ dân trồng rau màu trên địa bàn phường Quảng Long đều hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra. Anh Hoàng Nam Doan, tổ dân phố Trường Sơn cho hay, thấy nhu cầu tiêu thụ rau sạch của người dân ngày càng cao, anh đã đầu tư 2 nhà màng trồng dưa lưới, dưa vàng, dưa chuột hơn 800m2.

Dự kiến, cuối tháng này sẽ thu hoạch: “Cứ ngỡ, sẽ có tiền để chi trả các khoản đầu tư ban đầu, nhưng không ngờ thiên tai đã cướp đi tất cả. Ngoài 800m2 trồng dưa,  còn thiệt hại hơn 2ha rau màu…, ước tính gần 150 triệu đồng”, anh Doan nói.

Phường Quảng Long có vùng chuyên canh rau màu tập trung ở các tổ: Trường Sơn, Tiền Phong, Chính Trực…Từ lâu rau màu Quảng Long luôn được người dân tin tưởng, tin dùng vì sản xuất theo quy trình VietGAP.

Nhờ trồng rau, hoa màu đời sống người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân trên dưới 50 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, sau mưa lũ, toàn bộ rau sạch của các hộ đều dập nát, khiến cho việc cung cấp rau gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Phan Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp rau hoa phường Quảng Long cho biết, ông trồng hơn 1,5ha rau màu các loại nhưng đều mất trắng.

Nếu không bị thiệt hại do mưa lũ, với diện tích trên sẽ thu 30-40 triệu đồng/vụ. “Tất cả rau màu, hoa màu của các hộ dân trong chi hội đều bị ngập nước, hư hại, ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hiện, chúng tôi đang làm đất, khôi phục diện tích đã bị chết để kịp thời xuống giống, chuẩn bị rau Tết”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng Long cho biết: "Sau khi mưa lũ, xã đã cử cán bộ về từng thôn nắm tình hình, đánh giá thực tế thiệt hại, để xem xét phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Hiện, người dân Quảng Long đang thu gom, xử lý lượng rau, màu hư hại. Họ đang rất cần hỗ trợ hạt giống, phân bón để trồng rau, màu  kịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021".

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top