Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 3 năm 2021 | 20:8

Thiếu vốn sản xuất, bất cập ở các công ty cà phê Việt Nam

Người dân thiếu vốn để đầu tư sản xuất cà phê, và những bất cập tại các công ty cà phê ở Tây Nguyên

Nông dân thiếu vốn chăm sóc cà phê

Thời điểm này, các hộ trồng cà phê đang bước vào cao điểm chăm sóc, phục hồi vườn cây. Tuy nhiên, do thiếu vốn, nên nhiều hộ đã gặp khó khăn trong việc đầu tư, chăm sóc.

 

von-3.jpgVườn cà phê của ông Điểu Biên.  Ảnh: Báo Đắk Nông.

 

Vụ thu hoạch cà phê vừa qua, nhiều nhà vườn phải đối mặt với tình trạng năng suất, giá cả giảm mạnh, sau thu hoạch, nhiều hộ bị lỗ nặng. Do đó, bước vào thời kỳ tái đầu tư cho vụ mới, bà con đã lâm vào cảnh thiếu vốn trầm trọng.

Ông Y Jét, thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song, Đắk Nông), có 1,5 ha cà phê. Những năm trước, gia đình ông thu hoạch gần 8 tấn cà phê nhân/năm. Thời điểm giá cà phê tăng cao, trừ chi phí, thu lãi 60 - 70 triệu đồng/ha. Việc đầu tư cho vườn cây khi ấy khá dễ dàng.

Nhưng năm nay, năng suất cà phê giảm thấp, 1ha chỉ được 2 tấn nhân. Cùng với đó, giá cà phê thấp, chỉ 30.000 – 34.000 đồng/kg, nên cả năm gia đình ông chỉ thu về hơn 60 triệu đồng/ha.

Ông Y Jét cho biết: “Hiện, cà phê vào giai đoạn cần cung cấp nước tưới, phân bón, nhưng mới tiến hành đợt 1, tôi đã gặp khó khăn vì hết vốn. Những lần tiếp theo trong suốt mùa khô, không biết lấy gì để chăm sóc nữa”.

Còn ông Điểu Biên, xã Trường Xuân, năm vừa rồi, hơn 1 ha cà phê cũng bị thất bát do mất mùa. Ông Biên cho biết, vườn cà phê sau thu hoạch rất còi cọc, sẽ không ra quả, nếu không được bón đủ phân. Hiện, vụ cà phê vừa qua, chỉ đủ trả nợ, gia đình không còn khoản nào để tái đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, thôn 9, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), với năng suất 3 – 3,5 tấn/ha, kèm mức giá trên dưới 30.000 đồng/kg như hiện nay, thu nhập của người trồng cà phê chỉ khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ.

Trong khi đó, chi phí chăm sóc đã lên đến 50 – 60 triệu đồng/năm. “Sau khi thanh toán công nợ, trả tiền nhân công cuối vụ, số còn lại không được bao nhiêu, không đủ để tái đầu tư vụ sau”, ông Dũng cho biết.

Tình trạng thu không đủ chi, đã lặp đi lặp lại với các hộ trồng cà phê nhiều năm qua. Bởi gần 10 năm nay, giá cà phê chỉ dao động trên dưới 30.000 đồng/kg.

Cùng với đó, sâu bệnh, dịch hại phát sinh nhiều. Do đó, nhiều năm qua, phần lớn người dân chỉ đầu tư cầm chừng để giảm thua lỗ.

Cũng theo ông Dũng, một số hộ dân do thiếu vốn, việc chăm sóc trong mùa khô không bảo đảm. Ngoài việc thiếu phân bón, có hộ còn cắt giảm nước tưới, nên cây sinh trưởng kém, năng suất cũng giảm theo.

Theo bà con, mặc dù vụ thu hoạch cà phê kết thúc chưa bao lâu, nhưng nhiều hộ phải đi vay vốn để tái đầu tư. Thực trạng này đã thành cái vòng luẩn quẩn, người trồng cà phê chưa biết khi nào thoát được.

Mặt khác, nhiều hộ không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, buộc phải vay bên ngoài, lãi suất cao. Trong khi giá cà phê thất thường, mất mùa, nên nhiều hộ dần mất khả năng trả nợ, cuộc sống càng túng quẫn hơn...

Nhiều bất cập ở Tổng Công ty cà phê Việt Nam

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tại Đắk Lắk, hoạt động không hiệu quả. Công tác quản lý, sử dụng đất đai tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối.

 

cf6.jpg

Công trình xây dựng trái phép trên đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng.

 

Hiện, Đắk Lắk có 17 doanh nghiệp (DN) trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đang hoạt động. Sau thời kỳ hoàng kim (cách đây 10 năm), gần đây, sản xuất, kinh doanh của các công ty cà phê gặp nhiều khó khăn. Càng “bết bát” hơn, khi giá cà phê xuống thấp, cùng với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Cụ thể, doanh thu phát sinh của các DN trong năm 2020 chỉ đạt 359 tỷ đồng, trong đó DN cao nhất 80 tỷ đồng, thấp nhất 515 triệu đồng; số tiền lỗ lũy kế đến nay 252 tỷ đồng. Các công ty mất khả năng cân đối tài chính, đang nợ thuế 112 tỷ đồng, trong đó riêng số tiền phải nộp trong năm 2020 là 47,9 tỷ đồng.

Cụ thể, 10 DN chưa nộp đủ tiền thuê đất, tiền chậm nộp theo cam kết 8 DN, tiền chậm nộp phát sinh từ năm 2019 trở về trước, 15 DN chưa nộp đủ tiền thuê đất phát sinh năm 2020.

Theo phương án sắp xếp đổi mới của Chính phủ, trong số 17 DN, có 3 DN phải giải thể, 3 DN chuyển thành công ty hai thành viên trở lên, và 11 DN  cổ phần hóa. Song, đến nay phương án này vẫn chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Điều này cũng khiến các công ty hoạt động khó khăn, mất khả năng cân đối tài chính.

Để tạo điều kiện cho DN nộp thuế cho Nhà nước, tỉnh đã có cơ chế để DN đóng số nợ cũ và phát sinh mỗi năm 20% trong thời gian 5 năm (2020 - 2025), nhưng vẫn khó thu được.

Từ thực tế trên, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, đề nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam yêu cầu các DN thành viên nghiêm túc chấp hành pháp luật thuế, nộp tiền thuê đất, tiền chậm nộp đúng quy định.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại DN, để cơ cấu tài chính và phương thức quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm này, tỉnh đã phê duyệt phương án sử dụng đất cho 14 DN trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, với diện tích hơn 14.052 ha. Trong đó, đất các DN sản xuất kinh doanh hơn 13.025 ha, bàn giao lại cho địa phương quản lý 1.027 ha. Riêng đối với 3 DN thuộc diện giải thể thì không lập phương án sử dụng đất (diện tích 1.981 ha).

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong quá trình quản lý, sử dụng đất được cho thuê, một số công ty cà phê đã để cho người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hộ nhận khoán không thực hiện nghĩa vụ nộp sản phẩm, tự ý chặt phá vườn cây, thay đổi loại cây trồng, sang nhượng vườn cây nhận khoán mà không xin ý kiến của công ty.

Mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã vào cuộc, nhưng vì nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa xử lý dứt điểm. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty và gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn.

Ngoài ra, thời gian qua có nhiều đơn thư khiếu kiện, yêu cầu các công ty giải quyết việc nộp sản phẩm giao khoán, tiền thuê đất, giải quyết chế độ cho người lao động. Đây là vấn đề nan giải, đã tồn tại trong thời gian dài và liên quan đến đời sống của nhiều hộ dân, cần được tháo gỡ bằng những giải pháp rốt ráo và đồng bộ.

Về vấn đề này, tỉnh đã kiến nghị Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng lại phương án khoán phù hợp thực tế, bảo đảm quyền lợi các bên. Tạo sự đồng thuận giữa công ty và hộ nhận khoán, tránh tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến hợp đồng khoán.

Bên cạnh đó, các công ty cà phê cần hoàn chỉnh hồ sơ đất đai, rà soát diện tích đất sử dụng không hiệu quả, bị lấn chiếm, xây dựng trái phép… chuyển trả địa phương quản lý.

Chủ động nguồn nước chống hạn cho cà phê

Thời điểm này, nhiều nông dân ở xã Đắk Sắk huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã chủ động  nguồn nước tưới để phòng, chống hạn cho cà phê.

 

han-91.jpg

Anh Thưởng đang khoan giếng để chủ động nguồn nước tưới cho cà phê trong mùa khô

 

Hiện, dọc các tuyến đường vào xã Đắk Sắk, những chiếc xe càng chở đầy ống nước, nối đuôi nhau chạy vào rẫy. Đến vùng sản xuất cà phê, tiếng máy nổ râm ran khắp các con suối, bờ hồ; trên mái đồi, những chiếc béc quay liên tục suốt ngày đêm tưới nước cho cây trồng...

Anh Nguyễn Kim Thưởng, xã Đắk Sắk, có 1,6 ha cà phê đang cho thu hoạch, để chủ động nguồn nước, anh Thưởng đã sửa sang, đắp thêm hồ để tích nước.

Nhờ đó, chỉ những năm khô hạn khốc liệt, hồ chứa của anh Thưởng mới hết nước. Hồ cách rẫy khá xa, gia đình anh đã chôn đường ống để thuận lợi cho việc tưới nước.

Năm nay, anh Thưởng thuê người khoan thêm giếng lấy nước. Anh cho biết, trước Tết trời có mưa lớn, nên đến nay anh tưới thêm để dưỡng cây.

Sau khi thu hoạch vụ vừa rồi, anh đã cắt tỉa cành khô, tạo tán và tưới nước cho cà phê. Giai đoạn này, việc tưới nước, chăm sóc cho cà phê rất quan trọng. Nếu thiếu nước, cà phê sẽ không thể ra hoa đều, hoặc những mầm hoa có thể khô lại và năng suất sẽ giảm.            

Tương tự, anh Võ Tá Lĩnh, xã Đắk Sắk, có 1,9 ha cà phê đang cho thu hoạch. Rẫy cà phê dù khá gần suối lớn, nhưng để chủ động nguồn nước, anh đã múc hồ chứa ngay giữa rẫy. Hồ rộng hơn 70m2, sâu 5m, luôn bảo đảm nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích cà phê.

Theo anh Lĩnh, việc tưới nước đúng thời điểm, sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng cà phê. Hiện, anh đang áp dụng tưới bằng béc phun mưa, vừa tiết kiệm nước, vừa giảm công lao động.

Người dân Đắk Sắk đang sử dụng phương pháp tưới phun mưa (tưới béc) và tưới gốc (tưới dí). Tùy thuộc thời gian khô hạn hàng năm, thông thường có 3 – 4 đợt tưới trong mùa khô. Nếu mùa khô kéo dài, người dân phải tưới 5 - 6 đợt.

Bên cạnh nước tưới, còn phải bón các loại phân cung cấp dinh dưỡng cho cà phê trong mùa khô. Theo kinh nghiệm, cung cấp đủ dinh dưỡng, cà phê sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu với điều kiện khắc nghiệt của mùa khô, giữ trái, nuôi trái tốt, năng suất cao.

Toàn xã Đắk Sắk có gần 2.000 ha cà phê. Trên địa bàn có 2 đập thủy lợi, nhiều dòng suối nhỏ và hàng ngàn ao, hồ nhỏ cung cấp nước tưới cho cà phê.

Ông Trần Khắc Toản, Chủ tịch UBND xã Đắk Sắk cho biết, người dân đã trải qua nhiều năm sản xuất, có kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc cà phê.

Hiện, dựa vào điều kiện từng khu vực, người dân đã đầu tư nạo vét ao hồ, khoan giếng, chủ động nguồn nước để tưới cho cà phê. Mỗi rẫy cà phê thường có nhiều nguồn nước khác nhau để chống hạn.

Ông Toản cho biết: "Cà phê là nguồn thu nhập chính của người dân xã Đắk Sắk. Vì thế, thời gian này, người dân đang bỏ công sức, tiền của đầu tư, với mong muốn thời tiết bớt khắc nghiệt, cà phê được mùa, được giá. Người trồng cà phê ngày càng ấm no".

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top