Thời tiết cực đoan, mưa nắng thất thường khiến hoa nở sớm, ngoài ra, do năm nhuận dài thêm 1 tháng là những nguyên nhân dẫn đến nhà vườn thất thu.
Quảng Nam: “Hoa Tết chỉ mong hoàn đủ vốn”
Còn khoảng một tháng nữa mới đến Tết Mậu Tuất 2018, song vào thời điểm quan trọng này, những vựa hoa như An Trung, An Lạc huyện Duy Xuyên và Thị trấn Ái Nghĩa huyện Đại Lộc (Quảng Nam), phải đối mặt hiện tượng thời tiết cực đoan, rét kéo dài, mưa, nắng thất thường, khiến nhiều chủ vườn thấp thỏm, đứng ngồi không yên.
Vựa hoa An Trung, xã Duy Trung, (Duy Xuyên) có khoảng 10 hộ chuyên canh hoa Tết, với đủ chủng loại: cúc đại đóa, cúc pha lê, mắt nai, đồng tiền, mai địa thảo, mai dạ thảo, vạn thọ… Nhưng những ngày cuối đông này, dạo quanh các vườn hoa ở đây và một số vùng lân cận, không khí ảm đạm hơn so năm trước, do thời tiết thất thường, mưa nhiều, rét kéo dài, khiến hoa kém xanh tươi.
Vợ chồng ông Nguyễn Đình Hoa và bà Đoàn Thị Lục, cả 2 đã trên 65 tuổi, cho biết, đây là năm thứ 4 họ theo đuổi nghề trồng hoa Tết từ việc cải tạo khuôn viên vườn tạp. Bà Lục tâm sự, Tết này, vườn nhà sẽ bị thiệt hại nhiều do hàng trăm gốc cúc vạn thọ đang xanh tốt, bị ảnh hưởng sương muối, héo rũ toàn bộ, chậu hoa trơ trọi, khiến gia đình đã mất đứt 20 triệu đồng.
Cúc vạn thọ nở bung, người dân thấp thỏm trông chờ ...
Theo đó, cả mấy trăm chậu cúc pha lê, vốn là cây chủ lực của vườn năm nay cũng kém xanh tốt, mặc dù được chăm sóc rất cẩn thận và chong điện cả tháng trời để kích thích cây phát triển. “Nếu năng suất năm trước đạt 10 thì năm nay chỉ 5, 6 thôi. Bao nhiêu vốn liếng, công sức bỏ hết vào đó rồi, cũng phải theo tới cùng thôi, cải thiện được chút nào hay chút đó chứ thời tiết khó tránh khỏi” - bà Lục chia sẻ. Nhìn những luống vạn thọ ươm sẵn trong các chậu chỉ còn 1 tháng nữa là xuất bán bị còi cọc, ông Nguyễn Đình Hoa cho biết, lứa hoa này chắc tới Tết cũng kịp thôi, nhưng sẽ không đẹp bằng năm trước, và giá cả cũng sẽ thấp hơn. Nếu năm ngoái, trừ hết chi phí, vợ chồng tôi kiếm được vài chục triệu đồng để lo Tết, có thêm tích lũy, thì năm nay chỉ mong hoàn đủ vốn.
Cách vườn ông Hoa không xa, anh Nguyễn Hồng, đang tưới phân hữu cơ cho cả nghìn chậu cúc đại đóa, cúc pha lê đang ướm nụ, cũng cho biết: “Nhờ cả chục năm kinh nghiệm với hoa cúc, chủ động lai tạo giống F1 ở Đà Lạt, cho cây F2 có sức sinh trưởng mạnh, thích hợp với thổ nhưỡng, song tôi cũng đang phải xoay xở với thời tiết khắc nghiệt như thế này”.
Ngoài ra, anh Hồng còn tự đúc 1.500 cái chậu, tự tay chăm sóc cả nghìn chậu cúc mỗi ngày, để tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất, nhân công. Với khuôn viên vườn 1.000m2, trồng 1.200 chậu cúc đại đóa, pha lê, 200 chậu vạn thọ, bình thường, mỗi cặp cúc phalê, đại đóa có giá từ 400 -500.000đồng; mỗi lứa hoa Tết thu lãi vài trăm triệu đồng.
Theo thường lệ, từ thời điểm này trở đi các thương lái mới bắt đầu đến xem hoa, đặt hàng và tầm 20 tháng Chạp, cây bung búp, trổ hoa đẹp, cũng là thời điểm khách đến đặt cọc tiền, nhưng năm nay thì chưa biết thị trường ra sao.
Cũng như Duy Xuyên, ở Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, bà con cũng đang thấp thỏm chờ vụ mai Tết. Ông Lê Me, cho biết, sau chuỗi ngày mưa, rét lạnh, nắng bắt đầu hửng, gia đình ông và hàng chục công nhân đang bắt đầu tỉa lá, chăm sóc mai.
Bà Ngô Thị Thu, vợ ông Me cho biết, so với các chủng loại cúc, thược dược, hoa mai vốn có sức chịu đựng thời tiết tốt hơn. Nhưng năm nay có thêm một tháng nhuận, nên người trồng mai rất lo lắng, phải chờ hết tháng này mới tỉa lá, vì sợ mai nở rộ trước Tết.
Để chủ động, vườn mai của bà Thu đã chia làm ba giai đoạn để tỉa lá. Những gốc mai đang có búp nhỏ sẽ ưu tiên tỉa lá trước để kịp Tết, còn cây có búp lớn thì để sau, tránh nở sớm. Để điều chỉnh cho cây ra hoa đúng thời điểm, ông bà đã có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật, song, thời tiết thì không chủ động được. Qua mấy chục năm gắn bó với nghề trồng mai, vợ chồng ông đã xem vườn mai là khúc ruột của mình.
Mỗi sáng, ông bà thức dậy từ 4 - 5 giờ để phun sương giữ búp, tránh bị khô vằn bởi sương muối. Việc chăm sóc cây, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân được hoàn tất lúc 6 giờ sáng. Bà Thu cho hay, cũng phải đầu tháng Chạp trở đi, các thương lái mới tới vườn xem mai, đặt tiền cọc, sau đó, khoảng 20 - 25 tháng Chạp trở đi mới quay lại để chở mai đi phân phối, thường là ra cánh Bắc.
Hiện, ông bà có 900 gốc mai, mỗi cái Tết, chỉ riêng người dân trong vùng Đại Lộc đã tiêu thụ tới cả trăm chậu lớn nhỏ, số còn lại đưa ra Bắc. Chậu mai có giá thấp nhất hiện là 2 triệu đồng, chiếm số đông tầm 5 - 20 triệu đồng, có những chậu cả trăm triệu đồng.
Theo bà Thu, nếu những năm trước thị trường chuộng hồng diệp mai, thì gần đây chuộng mai sanh, song, loài này rất hiếm, giá lại cao, khan hiếm, trong khi hồng diệp mai có sẵn, giá vừa phải. Những cây có thế đẹp, độc đáo thường được nhiều resort, công ty, doanh nghiệp thuê với giá cao từ 30 - 40 triệu đồng/cặp. Đa số mai cổ ở vườn đã được bán hết, nay chỉ lưu giữ 4 – 5” lão” mai, có tuổi 200 năm, trị giá 300 triệu đồng/gốc.
Bà Thu nhẩm tính, cả vườn mai 900 gốc này là tài sản có giá trị vài tỷ đồng, với biết bao công sức đầu tư của gia đình. Mỗi cái Tết, vựa mai của vợ chồng bà và nhiều chủ vườn ở khu 7, khu 8, Thị trấn Ái Nghĩa cung cấp cho thị trường Đại Lộc và các nơi cả nghìn chậu mai đủ chủng loại, thu về tiền tỷ, nhưng năm nay đang thấp thỏm trông chờ.
Đà Lạt: Địa lan nở sớm, nhà vườn thất thu
Hiện, những vườn địa lan, hồ điệp các loại hoa cao cấp tại TP. Đà Lạt đã nở rộ trong khi còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2018. Điều này đã khiến nhiều nhà vườn trồng hoa cao cấp ở thành phố này lâm vào cảnh thất thu, hoặc phải chấp nhận cắt bán hoa cành với giá chỉ bằng một phần mười
Được biết, các trang trại trồng địa lan, lan hồ điệp, lan vũ nữ… ở Đà Lạt và các huyện lân cận đều cho biết, tỉ lệ hoa nở rộ chiếm tới 70%. Hoa nở sớm, đã khiến chủ các trang trại địa lan phải cắt, bán với giá hoa cành. Trung bình, mỗi cành hoa địa lan vào thời điểm này có giá khoảng 40.000-70.000 đồng/cành, chỉ bằng 1/10 so với giá bán hoa chậu phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên, trước thực trạng hoa lan các loại nở rộ, không thể kiểm soát được, buộc nhà vườn phải cắt cành để bán, mong vớt vát lại phần nào công sức đã đầu tư, chăm sóc suốt một năm qua.
Địa lan nở rộ trước Tết Nguyên đán
Ông Đoàn Văn Quỳnh, chủ vườn hoa địa lan Anh Quỳnh, 49 đường Vạn Kiếp, TP. Đà Lạt cho hay, đến thời điểm này nhiều loại hoa địa lan cao cấp của gia đình ông đã nở rộ, chiếm gần 70% diện tích, khiến cho nguồn cung thị trường Tết 2018 sắp tới bị hụt mạnh, so với Tết trước. Hiện, hầu hết những gốc địa lan có thể nở trúng vào dịp Tết Mậu Tuất tại vườn hoa Anh Quỳnh, đã được khách đặt hàng.
Không riêng địa lan, người trồng lan hồ điệp, một loại hoa cao cấp khác của Đà Lạt thường được thị trường Tết ưa chuộng, cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông Trần Dũng, chủ vườn lan Dũng Ly, tại Đa Phú, Phường 7, TP. Đà Lạt, cho biết, phần lớn diện tích lan hồ điệp các loại của gia đình ông đã bắt đầu nở cách đây vài tuần. Thiệt hại do hoa nở trước Tết Nguyên đán cả tháng là rất lớn.
Nguyên nhân khiến địa lan, tại các trang trại hoa ở Đà Lạt nở sớm trước cả tháng, là do năm 2017 nhuần hai tháng 6 (Âm lịch) nên Tết cổ truyền đến trễ một tháng. Chủ nhiều vườn lan có kinh nghiệm cho biết, từ hồi giữa năm, họ đã tìm cách làm chậm sự phát triển của hoa như: dùng lưới đen che tối vườn, hạn chế chất dinh dưỡng… Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết Đà Lạt lại khá thuận lợi cho các loại hoa phát triển. Buổi tối trời lạnh nhưng ban ngày lại nắng ấm, số giờ nắng trong ngày cao, đã kích thích các loại lan bung hoa, nở sớm.
Do nguồn hàng không dồi dào như năm trước, nên trong dịp Tết cổ truyền sắp tới, các loại địa lan, lan hồ điệp được một số nhà vườn dự báo giá sẽ nhỉnh hơn năm trước. Hiện địa lan vàng new zealand nở vào dịp Tết đang được chủ vườn bán với giá 800.000 đồng/cành; địa lan SJC, vàng chanh và xanh 207 có giá 600.000 đồng/cành; địa lan cam lửa khoảng 300.000- 400.000 đồng/cành...
Đà Nẵng: Làng hoa Hòa Cường “nín thở” chờ Tết
Mưa nhiều, cùng thời tiết lạnh kéo dài khiến bà con trồng hoa ở làng hoa Hòa Cường, quận Hải Châu (Đà Nẵng), thấp thỏm lo vụ hoa Tết khi xuân Mậu Tuất 2018 đang gần kề
Những ngày này, người dân trồng hoa Hòa Cường đang hối hả “chạy đua” cùng thời gian, với mong muốn đưa hoa nở đúng dịp, kịp thời phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Do thời tiết không thuận lợi, mưa kéo dài, lại là năm nhuận, nên nhiều luống hoa vạn thọ đã trổ sớm trước Tết nhiều ngày, khiến người trồng hoa thấp thỏm, không yên.
Tỉa bớt nụ hoa nở sớm để kịp đón Tết
Bà Trần Thị Thu Thủy, làng hoa Hòa Cường, có khoảng 1.500 cây đã được đưa vào chậu, chuẩn bị cung ứng thị trường Tết. Song, bà đã phải thuê nhân công “cấp tốc” chăm sóc hoa, ngắt bớt nụ dự kiến nở sớm trước Tết Nguyên đán, với tiền công 150 nghìn đồng/người/ngày. Không riêng bà, nhiều vườn hoa ở Hòa Cường, cũng đang được bà con tỉa bớt nụ nở sớm, để kịp đón Tết Mậu Tuất 2018, với giá ngày công khá cao.
Vẫn còn một chút thời gian để bà con trồng hoa hy vọng và mong đợi, xin chúc các nhà vườn gặp nhiều may mắn, trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 đang đến rất gần.
An Như (Tổng hợp)
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.