Nhiều năm trở lại đây, chị Trần Thị Kim Huệ, ở thôn Tú Thủy, xã Phước Hiệp (Tuy Phước - Bình Định), được nhiều người biết đến với mô hình trồng rau an toàn, thu lãi hơn 20 triệu đồng/tháng.
Chị Huệ thu hoạch rau mồng tơi.
Chị Huệ bộc bạch: “Cách đây 4 năm, được dự án sinh kế nông thôn bền vững tỉnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn, sẵn có diện tích vườn nhà rộng, tôi tham gia nhóm trồng rau cùng sở thích của thôn Tú Thủy để học hỏi cách thức trồng rau sạch. Nói thiệt, lúc đầu trồng rau theo quy trình của dự án không dễ chút nào, nhất là khâu làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... Mới làm được một vụ thì đầu ra sản phẩm khó khăn dẫn đến thu nhập thấp, không ít người nản lòng. Riêng tôi rất tin về lâu dài rau an toàn sẽ có chỗ đứng ổn định trên thị trường nên chấp nhận bỏ công làm lời và đã gặt hái được thành công”.
Với hơn 4 sào đất (2.000m2) trong vườn nhà, chị Huệ thường xuyên luân canh trồng nhiều loại rau ăn lá như: cải xanh, cải ngọt, rau dền, rau muống, mồng tơi, bồ ngót, các loại rau gia vị… theo hướng sản xuất “không đụng hàng” bằng việc trồng trái vụ so với các vùng trồng rau khác.
Chị Huệ cho biết: “Vụ hè thu này trong vùng có ai trồng mồng tơi, cải ngọt đâu, tui mạnh dạn xuống giống 2 sào, hiện đã thu hoạch được 3 tấn rau cung ứng cho HTXNN Phước Hiệp với giá 10.000 đồng/kg, thu về 30 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 20 triệu đồng. Thời gian từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch chỉ 30 ngày; mỗi năm trồng được 8-10 lứa rau. Bên cạnh đó, tôi còn trồng xen thêm 100 cây đu đủ để tăng thu nhập. Với thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng, mỗi cây đu đủ cho thu 10kg quả. Với giá bình quân 5.000 đồng/kg, tôi có thu thêm khoảng 5 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Ngọc Ngâu, điều hành nhóm trồng rau an toàn thôn Tú Thủy, cho biết: “Trong số 25 hộ tham gia nhóm trồng rau cùng sở thích tại địa phương thì vườn rau của chị Huệ mang lại hiệu quả cao nhất. Nhờ cách trồng rau luân canh, gối vụ hợp lý, cộng với việc tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên sản phẩm rau đạt chất lượng cao, được HTXNN Phước Hiệp bao tiêu để sơ chế, cung ứng cho các siêu thị, quầy rau an toàn trên địa bàn. Đây cũng là vườn rau mẫu để bà con trong xã tham quan, học tập”.
Phú Mỹ
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.