Thiên tai, dịch bệnh diễn ra trong năm 2020 khiến thời vụ trồng hoa Tết của người dân bị ảnh hưởng.
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021, người trồng hoa Thừa Thiên - Huế đang lo lắng về năng suất của vụ hoa năm nay. Nhiều người nhận định, sức tiêu thụ hoa sẽ kém hơn những năm trước.
Đối mặt nhiều khó khăn
Xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) là một trong những “vựa” hoa Tết của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, đây cũng chính là vùng rốn của những đợt bão lũ, lụt trong năm 2020. Chính vì vậy, để kịp vụ hoa phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021, người dân nơi đây đang phải gồng mình chăm sóc.
Gia đình bà Hồ Thị Thương (58 tuổi, trú thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu) trồng khoảng 2 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2) hoa cúc và hoa vạn thọ. Bà Thương cho biết, năm 2020 do bão lụt, dịch bệnh nên giống hoa khan hiếm hơn, cũng vì vậy mà bà con trồng ít hơn so với các năm trước.
Cùng với đó, bà Thương và nhiều người trồng hoa đang lo lắng, thiên tai, dịch bệnh diễn ra trong năm 2020 khiến người dân gặp khó khăn về kinh tế, dẫn đến nhu cầu mua hoa trưng bày ngày Tết sẽ giảm xuống.
“Dịch Covid-19 cộng với thiên tai liên tục khiến kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nên khách hàng sẽ không ưu tiên nhiều cho việc chơi hoa ngày Tết hoặc chỉ mua hạn chế”, ông Dương Thắng (63 tuổi), người trồng hoa ở thôn Tiên Nộn nhận định.
Đợt bão lụt vừa qua khiến mấy sào hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Minh (85 tuổi, xã Phú Mậu) bị mất trắng. Giờ đây, gia đình ông đang tiến hành canh tác trở lại, tuy nhiên lại hết sức lo lắng vì thời tiết hết sức khắc nghiệt.
“Sau bão lụt phải chờ thời gian để vệ sinh đất rồi mới trồng lại được. Vừa trồng lại thì gặp phải mưa lạnh. Thời tiết mà cứ như thế này thì hoa sẽ khó nở đúng dịp Tết”, ông Minh lo lắng.
Ngoài những bất lợi từ thời tiết, dịch bệnh, nhiều người dân trồng hoa cúc cho biết, mặt hàng này phải đối mặt với sự cạnh tranh thị trường với hoa lan, hoa hồng… và nhiều mặt hàng trưng bày Tết khác đã và đang du nhập về thị trường Thừa Thiên - Huế những năm qua.
Chủ tịch UBND xã Phú Mậu Nguyễn Văn Trai cho biết, các đợt mưa bão, ngập lụt diễn ra từ tháng 10 và tháng 11/2020 đã khiến toàn bộ hoa người dân trồng trước đó bị chết toàn bộ. Hiện tại, người dân đã tiến hành sản xuất trở lại và hướng đến phục vụ Tết Nguyên đán, tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên diện tích trồng hoa tại xã Phú Mậu giảm 15% so với năm ngoái. Và, do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên có thể thị trường hoa Tết sẽ không nhộn nhịp như mọi năm.
Nỗ lực và sáng tạo
Cũng trong thời gian này, người dân tại xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy) đang tích cực chăm sóc hàng chục nghìn chậu hoa để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021.
Ông Nguyễn Văn Lớn (69 tuổi, thôn Dạ Lê, xã Thủy Vân) cho biết, thông thường, người dân cần thời gian 06 tháng để trồng được một vụ hoa cúc trong chậu. Trong đó, công việc chủ yếu của tháng đầu tiên là gieo hạt, chăm sóc cây nhỏ; 02 tháng kế tiếp sẽ thắp bóng điện ban đêm để kích thích cây mọc; đến tháng thứ 4, bóng điện phải tắt hoàn toàn để cho cây ra nụ và 02 tháng cuối sẽ thắp bóng trở lại, chăm sóc kích thích cho bông, lá nở to đẹp…
“Trong đợt mưa lụt vừa qua, nhiều nhà không kịp đưa hoa lên cao khiến cây bị ngập úng và chết cũng khá nhiều. Gia đình tôi trồng khoảng 600 cặp (2 chậu là 1cặp – PV) hoa cúc pha lê và cúc đại đóa. Đợt lụt tôi phải nâng các chậu hoa lên cao. Ngay sau khi nước rút thì chăm sóc, kích thích cho rễ mọc lại nên không bị hư hại quá nhiều”, ông Lớn cho hay.
Hiện tại, gia đình ông Lớn đang phải thuê thêm nhân công để chăm sóc hoa cúc. Theo kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa cúc của ông Lớn, từ khi trồng đến lúc thu hoạch người trồng phải chi khoảng 140.000 đồng/cặp.
Không may mắn như ông Lớn, số hoa cúc trồng trước đó của anh Trương Hữu Phúc (39 tuổi, làng Công Lương, xã Thủy Vân) bị chết gần hết trong đợt lụt bão vừa qua. Giờ đây, anh Phúc đang trồng lại các chậu hoa mới.
“Nghề trồng hoa cúc này là bố tôi truyền lại. Nếu có đủ thời gian 6 tháng thì chúng tôi trồng giống hoa cao. Nhưng năm nay, lứa hoa tôi trồng trước đó đã bị ngập lụt và chết gần hết. Lúc trồng lại lứa hoa này tôi chỉ còn khoảng 4 tháng nên phải đổi qua giống hoa cúc lùn. Cùng với đó phải thắp điện sớm hơn và áp dụng nhiều biện pháp để kích thích cho cây phát triển, nở đúng dịp Tết Nguyên đán”, anh Phúc chia sẻ.
Sẽ có hoa đẹp phục vụ Tết Nguyên đán
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy) thông tin, địa phương có 70 hộ dân trồng hoa cúc trong chậu với sản lượng khoảng 30.000 cặp hoa cúc các loại.
“Các đợt bão lụt vừa qua khiến 10% hoa trồng tại địa phương bị chết 100%, 30 – 40% bị chết khoảng 70%. Sau các đợt lụt, người dân tiến hành trồng hoa trở lại. Hiện tại, sản lượng hoa cúc đang trồng bằng khoảng 80% so với năm ngoái, hứa hẹn sẽ có hoa đẹp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán”, ông Trung chia sẻ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…