Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 11 năm 2018 | 14:49

Thương hiệu làm giàu “Gà đồi Thanh Chương”

Phải mất nhiều thời gian, công sức, người dân Thanh Chương (Nghệ An) mới khôi phục được giống gà Ri (gà cỏ - giống gà cổ quý hiếm).

tr4.jpg
Anh Phan Văn Thắm đã nuôi gà thành công sau nhiều cố gắng. Ảnh: Lưu Khuyên.

Năm 2016, sau khi xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Thanh Chương”, sản phẩm nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Phấn khởi nhất là người chăn nuôi, vì đã có đầu ra ổn định và được làm giàu từ giống gà đặc sản.

Khôi phục giống gà cổ bản địa

Sau thời gian dài du nhập nhiều loại gà không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường; hoặc do chăn nuôi gà công nghiệp khiến cho gà Ri bản địa có lúc bị lãng quên. Song với ưu điểm thịt dai, săn chắc và thơm ngon nên bà con đã dần khôi phục giống gà Ri cổ này. Đặc điểm nhận dạng gà Ri bản địa là chân nhỏ, dáng thon gọn, lông có màu cỏ khô và ôm sát vào mình.

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, ở xã Thanh Đức, cho biết, bà mua con mái của nhà này và con trống của nhà kia để có giống gà Ri bản địa thuần chủng khỏe mạnh. Cứ như vậy, không những bà Nga mà bà con Thanh Chương cũng dần khôi phục được giống gà cổ quý hiếm này.

Ông Phan Văn Thắm, ở xã Thanh Hòa, cho biết, ông bắt đầu nuôi gà từ năm 2015 đến nay. Do không giữ được giống gà Ri gốc, nên hiện tại vẫn đang phải sàng lọc, con nào thuần thì giữ lại. Hiện, đàn gà giống của ông có 1.500 con mái, 150 con trống; đã khôi phục được khoảng 60 - 70% so với gà Ri bản địa, dự kiến 2 năm nữa sẽ nâng lên trên 80%.

“Cái khó nhất trong quá trình chọn lọc là, làm sao để gà mái không béo, không gày quá, nếu béo quá gà sẽ đẻ kém. Trước đây, tôi thường cho gà ăn thóc, ngô, cám gạo, gà béo và đẻ ít. Sau khi tìm hiểu, tôi quyết định đặt hàng Nhà máy sản xuất thức ăn gia cầm Thành Long (Hà Nam), nguyên liệu là ngô, lúa và các loại khoáng chất cần thiết khác, nên gà khỏe mạnh, sinh sản tốt”, ông Thắm chia sẻ.  

Xây dựng và phát triển thương hiệu

Ông Nguyễn Văn Nhâm, ở xóm 6, xã Thanh Ngọc, kể: Năm 2016, nhận thấy thị trường bắt đầu có xu hướng quay về dùng các loại gà đặc sản, tôi nhập giống gà lai chọi của Bình Định về nuôi, giá thương phẩm luôn ổn định ở mức 80.000 - 85.000 đồng/kg.

Cũng thời gian này, gà đồi Thanh Chương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể, ông quyết định gia nhập Hội Chăn nuôi gà và sản xuất ổn định từ bấy đến nay. Từ kinh nghiệm nuôi gà lai chọi, ông Nhâm mua con giống ngay sau khi ấp 24-48 giờ, với giá 10.000 đồng/con, để chăm sóc theo cách riêng của mình. Từ bé đến 45 ngày tuổi, ông cho gà ăn cám công nghiệp; sau 50 ngày bắt đầu thả ra vườn. Với 5ha đồi rừng, mỗi tháng ông Nhâm nhập 1.000 gà con (12 lứa/năm), nuôi 6 tháng/lứa. Mỗi ngày xuất bán 40 - 50kg gà thương phẩm, với giá bán buôn cho thương lái tại nhà 80.000-85.000 đồng/kg; từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán, giá cao hơn, đạt 90.000-95.000 đồng/kg; bình quân thu lợi nhuận 150- 200 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Văn Đức ở xã Thanh Thịnh chia sẻ, với diện tích gần 1ha, ông thả 2 lứa gà đồi/năm, mỗi lứa 1.500 con, đầu ra là “Nhà hàng gà Thanh Chương” tại TP. Vinh và một số cơ sở bán lẻ trong thành phố, thu lãi 200-300 triệu đồng/năm. 

Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà Thanh Chương, ông Nguyễn Bá Quý, cho biết: “Sau khi được UBND huyện giao trách nhiệm quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể “Gà Thanh Chương”, Hội đã củng cố bộ máy quản lý và trực tiếp chỉ đạo 49 hộ chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn gắn tem truy xuất nguồn gốc”.

Để hội viên nâng cao nhận thức, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, xây dựng thương hiệu, Hội đã tham mưu với huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT triển khai tập huấn cho hội viên về quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học; quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; tem, nhãn, bao bì sản phẩm; quy chế sử dụng tem truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra gồm: Thường trực Hội, Ban kiểm tra, Trạm thú y huyện đi kiểm tra chất lượng gà giống; công tác phòng chống dịch bệnh; tiêm thuốc Marech gà 12 ngày tuổi, trước lúc xuất cho hội viên nuôi.

Hỗ trợ để phát triển bền vững 

Ông Quý cho biết thêm, mỗi năm huyện hỗ trợ 5 hộ chăn nuôi gà sinh sản nhân giống, với mức 20 triệu đồng/hộ, để chọn lọc gà giống bố mẹ; hỗ trợ 20 hộ chăn nuôi gà thịt với mức 5 triệu đồng/hộ để mua con giống. Thực hiện “Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020”, mỗi năm, Hội phát triển thêm 5 hộ chăn nuôi gà sinh sản để nhân giống và 20 hộ chăn nuôi gà thịt.

Tính đến đầu năm 2018, Hội đã hỗ trợ 49 hộ, trong đó có 9 hộ chăn nuôi gà sinh sản nhân giống; 40 hộ chăn nuôi gà thịt, với tổng số tiền 380 triệu đồng.

Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra sàng lọc chất lượng đàn gà giống 3 tháng, 6 tháng/lần để đôn đốc các hộ tuyển chọn, thanh lý những con chưa đạt tiêu chuẩn; phấn đấu sau 3 năm sẽ có đàn gà giống đạt yêu cầu. Hàng tuần, kiểm tra chất lượng đàn gà thịt của từng hộ để gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi xuất bán ra thị trường.

Năm 2016, Thanh Chương mới có 10 hộ chăn nuôi 7.000 con gà; trọng lượng xuất chuồng 10.400kg,  thu nhập 988 triệu đồng (thời điểm này giống gà chưa được sàng lọc). Năm 2017, đã có 20 hộ chăn nuôi gà giống theo chính sách hỗ trợ của huyện; số gà thịt đạt 20.000 con; trọng lượng xuất chuồng 30.000kg;  doanh thu 3,15 tỷ đồng. Năm 2018, giữ nguyên 20 hộ chăn nuôi con giống; gà thịt đạt trên 40.000 con (trong đó gắn tem truy xuất nguồn gốc trên 17.000 con); trọng lượng xuất chuồng ước đạt 70.000kg;  doanh thu 7,35 tỷ đồng.

Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại cũng được huyện Thanh Chương rất quan tâm, năm 2016 hỗ trợ lắp đặt 1 biển quảng cáo lớn trên Quốc lộ 46  ranh giới giữa 2 huyện Nam Đàn và Thanh Chương. Hội Chăn nuôi gà đã tổ chức 2 điểm giới thiệu bán và tiêu thụ tại TP. Vinh; hỗ trợ tham gia các hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm của thành phố và tỉnh Nghệ An.

Năm 2017, huyện hỗ trợ 20.000 tem truy xuất nguồn gốc; 10.000 tem truy xuất gắn trên bao bì; 10.000 túi xách in logo nhãn hiệu Gà Thanh Chương”; 10.000 bao hút chân không, tổng số tiền hỗ trợ trên 100 triệu đồng. Năm 2018, Hội đã thu phí từ hội viên để nạp phí duy trì mã số, mã vạch nộp về Cục Quản  lý Đo lường Chất lượng năm 2017- 2019.

Mặt khác, 3 năm qua, Hội còn tiếp đón và hướng dẫn 20 đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập mô hình chăn nuôi gà tại xã Thanh Xuân. Riêng đoàn ZiKa Nhật Bản tại Hà Nội và Nghệ An đã đến 7-8 lần.  Các chuyên gia Nhật Bản đã hỗ trợ mở 12 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; nuôi giun quế; ủ men vi sinh các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gà. Liên kết với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm gà Thanh Chương ở TP. Vinh và các tỉnh lân cận; triển khai thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh thực phẩm cho các hộ chăn nuôi đạt tiêu chuẩn.

Hội còn phối hợp với Dự án ZiKa tại Nghệ An để liên kết  tiêu thụ sản phẩm ở các điểm bán thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Hiện, số lượng gà của hội viên đạt 45.000-50.000 con/năm, song, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Để công tác quản lý, chỉ đạo và duy trì tốt nhãn hiệu tập thể “Gà Thanh Chương”, Hội Chăn nuôi gà đề nghị tỉnh Nghệ An, Sở Khoa học và Công nghệ, huyện Thanh Chương cho phép Hội tổ chức Đại hội khóa 2, nhiệm kỳ 2019 - 2023 để tiếp tục củng cố bộ máy quản lý, phát triển thương hiệu; triển khai mô hình chăn nuôi trang trại với quy mô lớn, đạt chất lượng cao. Trước mắt, đề xuất hỗ trợ xây dựng 5 - 10 cơ sở nhân giống; tuyển chọn đàn gà giống bố mẹ, với số lượng 1.000 con trở lên/hộ. Hỗ trợ 2 - 3 lò giết mổ gà để kịp phục vụ khách hàng, triển khai gà đông lạnh để vận chuyển đi xa tiêu thụ.

 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top