Cây tràm gió mọc hoang tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh QuảngTrị, tập trung phổ biến ở các huyện như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Cây, mọc thành rừng và rất dễ trồng đây là nguồn nguyên liệu chính để nấu dầu tràm cho hiệu quả kinh tế cao
Về đặc điểm sinh học tràm gió (Melaleuca cajuputi Powell) là một cây nếu để phát triển tự nhiên có thể cao tới 4-5m, nếu bị cắt xén thường xuyên chỉ còn là những cây bụi chừng 40-50cm. Trên thân cây to lớp vỏ bong ra thành từng mảng to dài. Lá mọc so le, cuống màu xanh vàng nhạt, phiến lá hình mác, trên có những gân chạy dọc theo gân chính, lúc đầu mỏng và mềm, về sau thành dày, cứng và dòn; thường dài 4-8cm, rộng 10-20mm. Cây tràm gió là loài cây đa tác dụng, đặc biệt để chiết xuất tinh dầu phục vụ trong y học và dược học. Đây là loại cây trồng một lần và khai thác hết vòng đời của cây, mỗi năm lợi nhuận từ 30 - 40 triệu/ha và cho lợi nhuận các năm tiếp theo. Do đó, cây tràm gió là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên vùng đất nghèo dinh dưỡng.
Giá trị về y học thành phần chủ yếu của lá tràm là tinh dầu, hoạt chất chủ yếu của tinh dầu là cajeputol hay xineola hoặc eucalyptola với tỷ lệ 35 đến 60% (ví dụ: Mẫu tràm gió ở Vĩnh Linh: hàm lượng 2 hoạt chất chính là 1,8-cineole (46,95%) và α-terpineol (12,54%)). Ngoài ra, còn chứa pinen tả tuyền, tecpineola một ít andehyt (valeric, butyric, ben- zylic), các ête như ête axetic. Tinh dầu Tràm thường được dùng nguyên chất để xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp, ho, cảm. Dung dịch tinh dầu tràm 5-10 hay 20% trong dầu còn được dùng với tên gomenol để nhỏ mũi chống cúm, ngạt mũi. Người ta còn dùng tinh dầu pha vào nước với nồng độ 2 phần nghìn để rửa các vết thương rất tốt. Trên thị trường tinh dầu tràm có giá giao động từ 1.300.000 - 2.000.000 đồng/lít.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có hàng chục cơ sở chế biến tinh dầu tràm có công suất từ vài chục lít đến trên 1000 lít tinh dầu/năm, phân bố chủ yếu ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Thị xã Quảng Trị, nguồn nguyên liệu chủ yếu được khai thác từ các cây tràm mọc tự nhiên, có một số hộ gia đình đã nhân giống và trồng cây tràm gió tuy nhiên diện tích trồng đang còn nhỏ, không tập trung. Vì vậy, cây tràm tự nhiên của Quảng Trị đang bị khai thác cạn kiệt. Giá tràm gió nguyên liệu tăng liên tục, từ 1.500-1.700 đồng/kg năm 2014, đến nay mức giá xấp xỉ 5.000 đồng/kg nhưng vẫn rất khan hiếm, một số cơ sở phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh khác về.
Vùng cát phía đông tỉnh Quảng Trị là một khu vực có điều kiện khắc nghiệt về khí hậu và thổ nhưỡng, ngập nước về mùa mưa và khô hạn về mùa hè. Đất cát cằn cỗi, trồng cây nông nghiệp và một số cây lâm nghiệp chưa đem lại hiệu quả cao, năng suất thấp. Tuy nhiên, cây tràm gió có thể phát triển tốt trên điều kiện lập địa này. Hiện nay, đã có một số mô hình trồng cây tràm gió của một số hộ gia đình và doanh nghiệp ở các huyện như Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Bước đầu cho thấy kết quả rất khả quan khi cây tràm gió phát triển tốt, sau hai năm đã có thể cho khai thác lá với năng suất khá cao và ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo nên đặc trưng cảnh quan cho mỗi vùng, phủ xanh vùng đất cát khô cằn ven biển khi được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu.
Vì thế, cây tràm gió là một trong những cây dược liệu chủ lực phát triển trong tương lai của tỉnh Quảng Trị. Loài cây phù hợp cho những vùng đất cằn cổi và chống sa mạc hóa.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.