Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2019 | 14:53

Tiền Giang: Khắp nơi trồng mít Thái, ngành chức năng phải vào cuộc

Nông dân đổ xô trồng mít Thái, bất chấp thị trường tiêu thụ, ngành chức năng đã yêu cầu chấn chỉnh.

Hiện, mít Thái đang rớt giá chỉ còn 2.500 - 16.000 đồng/kg, nhưng nông dân Tiền Giang vẫn “kiên định” trồng.

Giữa cái nắng chói chang, ông Tư Nhật, xã Mỹ Phước vẫn xăm xoi những cây mít Thái 3 tháng tuổi. Vườn mít Thái rộng 4ha này trước đây trồng khóm.

 

mit-666.jpg

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp khảo sát trồng mít Thái tại Tiền Giang. Ảnh T.Đ                             

“Tui đầu tư cho vườn mít 4ha hết 800 triệu đồng. Vườn khóm ngày trước vẫn cho thu nhập tốt, nhưng đất Tân Phước ngày càng kém phèn nên cây khóm cũng kém dần”, ông Nhật thổ lộ.

 

Tuy nhiên, cái chính ông Tư Nhật bỏ khóm trồng mít là vì đầu tư thấp, giá tốt hơn, cho trái nhanh (1,5 năm cho thu hoạch), ít tốn công chăm so với khóm.

Ông Tư còn cho rằng, mình trồng mít không phải theo phong trào, mà đầu tư thật sự. Đã tính nát nước nên không sợ dội chợ, kế hoạch của ông là nuôi thêm heo rừng, cá. Nếu thương lái không mua thì làm thức ăn cho cá, heo

Hiện, Tiền Giang, cuộc làm ăn với mít Thái không còn khu trú trong  nông dân. Một đại gia phân bón ở Mỹ Tho, cho biết, anh đã mua 30ha đất tại Đồng Nai, để làm trồng 30.000 gốc mít.

“Mít được trồng để cung cấp cho một công ty xuất khẩu trái cây với giá bao tiêu 20.000 đồng/kg, nên không bàn đến chuyện dội chợ”, doanh nhân này cho hay. Anh nhẩm tính, chỉ cần thu hoạch vụ đầu tiên, đã được 14 tỷ đồng.

Mới đây, đoàn công tác Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp đã khảo sát việc trồng mít Thái tại Tiền Giang. Theo Cục trồng trọt, mít Thái sau trồng 12-15 tháng, đã bắt đầu cho quả. Nếu chăm sóc tốt năng suất đạt 20-25 tấn/ha/năm.

Do giá cả và hiệu quả sản xuất cao, từ năm 2017 đến nay, một số nông dân các tỉnh phía Nam đang chuyển đổi sang trồng mít Thái, trên vườn cây ăn quả, cây công nghiệp kém hiệu quả, vườn mít giống cũ, và diện tích trồng lúa kém năng suất.

Năm 2018, diện tích mít Thái cả nước là 26.174 ha, sản lượng 307.534 tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL có diện tích lớn nhất: 10.105ha.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc phát triển mít Thái trên cả nước vẫn trong tầm kiểm soát, và chưa đến nỗi dội chợ trong thời gian tới.

“Việc phát triển cây mít không hoàn toàn do bà con trồng tự phát, theo phong trào. Tất cả đều có sự tính toán”, ông Tùng nhận định.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đầy rủi ro, khi họ đòi hỏi tất cả nông sản xuất khẩu phải theo đường chính ngạch, kiểm dịch chặt và truy xuất được nguồn gốc, trong khi phía nhà vườn, doanh nghiệp Việt chưa chuẩn bị gì. Đặc biệt, theo ghi nhận của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), Trung Quốc cũng đang phát triển diện tích mít lên 180.000ha.

“Về xúc tiến thương mại, Bộ NN&PTNT đang tiếp xúc với các nước để xuất khẩu chính ngạch. Riêng doanh nghiệp trong nước cũng đang tìm thị trường tiêu thụ mít”, ông Tùng thông tin.

Trong khi đó, theo một cán bộ Chi cục Trồng trọt tỉnh Tiền Giang thì, tỉnh sẽ không mở rộng diện tích mít trên địa bàn. “Quan điểm của tỉnh là duy trì diện tích hiện có, tập trung chăm sóc, quản lý tốt chất lượng. Riêng đầu ra, Tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phải tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ mít cho nông dân”, vị này cho biết.

Hiện, Tiền Giang đã chỉ đạo gắt gao các cơ quan chức năng, phải nghiêm khắc trước việc bà con trồng mít trên đất lúa, bằng Thông tư số 19 của Bộ NNPTNT.

Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa phải được chính quyền địa phương đồng ý. Tiền Giang đã cho lập biên bản những vi phạm về chuyển đổi cây trồng trái quy định.

Hiện, Tiền Giang có khoảng 6.000ha mít Thái. Diện tích trồng mới trên đất lúa, từ năm 2017 đến nay là 1.150 ha. Số còn lại, được chuyển đổi và trồng xen, trong các vườn cây ăn quả kém hiệu quả.

Bonsai xoài - sáng tạo của nông dân Cao Lãnh  

Được thành lập khoảng năm 2009, hiện, Hội Sinh vật cảnh xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp đã hoạt động được 10 năm. Tuy nhiên, Hội viên của Hội Sinh vật cảnh xã Tân Thuận Tây, chỉ bén duyên với nghề làm bonsai xoài khoảng 3 năm nay. 

 

xoai-699.jpg

Bonsai xoài của nông dân T. Phố Cao Lãnh được khách hàng ưa chuộng

 

Nhiều cây xoài được nông dân tuyển chọn, dáng vẻ gân guốc, độc- lạ để đưa vào chậu tạo thế bonsai. Mỗi chậu bonsai xoài có giá dao động từ 8–10 triệu đồng, cây có thế độc đáo lên tới vài chục triệu đồng...

Ông Võ Văn Lợi, Chủ nhiệm Hội Sinh vật cảnh xã Tân Thuận Tây, cho biết: “Ban đầu anh em chỉ chơi bonsai, cây kiểng bình thường, chưa thử sức tạo bonsai xoài.

Khi được chính quyền vận động đã chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần, sang chú trọng giá trị gia tăng. Đồng thời, thử sức làm bonsai xoài”.

Theo nhà vườn, không phải cây xoài nào cũng có thể đem vào chậu bonsai. Để tuyển chọ “dàn mẫu xoài” làm bonsai đúng chuẩn, nhà vườn phải chọn lựa rất tỉ mỉ, công phu.

Ông Lê Phước Tánh, Phó Chủ nhiệm Hội Sinh vật cảnh xã Tân Thuận Tây, chia sẻ: “Để tìm được cây xoài tạo thế rất khó, phải săn tìm, không phải cây nào cũng là cây kiểng, có cây to, thẳng như cột đình cũng không phải kiểng, bởi không có dáng thế.

Ngược lại, những cây bị xiêu ngã, tự gượng  sống, thành dáng thiên nhiên, sẽ được chọn để chế tác bonsai”.

Ngoài ra, các thành viên cũng tự ươm cây từ hạt xoài, để chế tác theo nhu cầu người chơi kiểng. Trung bình, một cây xoài phôi từ ươm hạt đến đưa lên chậu mất 3 năm.

Song, vấn đề nhà vườn ngại nhất là khả năng hao hụt khi đưa xoài vào chậu. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho xoài bonsai Tân Thuận Tây dù giá cao, nhưng vẫn rất hút hàng.

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Đồng Tháp, cho biết: Kiểng trái vào chậu đang là xu thế mới trong ngành sinh vật cảnh. Hiện, Hội Sinh vật cảnh xác định, mô hình kiểng trái trong chậu giúp nông dân đa dạng hóa các sản phẩm từ nông nghiệp, tăng thu nhập từ vườn cây ăn trái.

Trồng thành công nấm hoàng đế ở Quảng Trị

Đam mê nghiên cứu, và trồng nấm, chủ động nắm bắt thị trường, vợ chồng anh Hoàng Văn Hiệu, thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh) đã đưa nấm hoàng đế về trồng, bước đầu thu kết quả khả quan.

 

nam-363.jpg

 Anh Hiệu đang  chăm sóc nấm hoàng đế

 

Anh Hiệu cho biết, anh có trại trồng nấm sò, linh chi. Sau khi tìm hiểu, thấy nấm hoàng đế chưa có trong tỉnh, nên quyết định ra phía Bắc học hỏi kinh nghiệm.

Sau khi nắm vững kĩ thuật, anh vào TP. Hồ Chí Minh đặt mua 500 bịch phôi nấm hoàng đế trồng thử nghiệm. Chưa đầy 1 tháng, 500 bịch nấm phát triển tốt, thu hoạch 7 – 8 kg nấm tươi/ngày.

Theo anh Hiệu, dù là loại nấm mới, lần đầu có mặt ở Quảng Trị, nhưng do chất lượng hơn hẳn so các loại khác: thịt chắc, dày, thơm, vị ngọt thanh, nên được khách hàng ưa chuộng.

“Dự kiến, mỗi bịch sẽ cho thu hoạch khoảng 2 – 2,5 tháng. Hiện, thu hoạch tới đâu, thương lái thu mua đến đó, với giá 60 – 70.000 đồng/kg”.

Theo anh Hiệu, đây là loại nấm nhiệt đới, dải nhiệt độ thích hợp 25 – 38 độ C, có kích thước rất lớn, chiều cao tối đa 20 cm, 1 bịch nấm 1,2 – 1,4 kg, cho thu hoạch khoảng 0,7 – 1 kg nấm tươi.

Đặc biệt, khi trồng trong khay hoặc phủ luống tơ, nấm có thể liên kết từ bịch phôi này sang bịch phôi kia, cho ra cụm nấm 40 – 50 cm, nặng 2 – 3 kg, thậm chí 8 – 10 kg.

“Sau 500 bịch nấm trồng thử nghiệm, hiện, tôi đang cấy phôi giống cho 500 bịch nữa”, anh Hiệu nói.

Anh Hiệu lưu ý, đất để trồng nấm có thể sử dụng đất sét khô, đất vườn, đất vi sinh, xỉ than tổ ong… nhưng phải được xử lí sạch bằng cách ủ với vôi khoảng 3% trong vài ngày để loại bỏ vi khuẩn.

Tưới phun sương, ngày 2 – 3 lần ướt bề mặt, hạn chế tối đa tưới lên tai nấm. Nơi trồng nấm cần kín nắng, nhưng phải đủ ánh sáng; kín gió, độ ẩm cao.

Từ lúc nấm non nhú ra đến thu hoạch 5 – 10 ngày. Thu hoạch khi viền mũ nấm bắt đầu xòe thẳng. Nấm hoàng đế có thể thu hoạch 3 lần mới thay phôi mới, mỗi lần thu hoạch cách nhau 10 – 20 ngày.

Hiện, mỗi ngày anh Hiệu bán 7 – 8 kg nấm. Ngoài nấm thành phẩm, anh còn cung cấp phôi cho khách tự trồng,  với giá 20 nghìn đồng/bịch. Ngoài ra, anh còn trồng 40 – 50.000 bịch nấm sò và 5 – 6.000 bịch nấm linh chi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Bố Trạch: Gieo trồng 71ha dưa hấu trái vụ    

 

dua-33.jpg

  Thu mua dưa tại gốc ở Thị trấn Nông trường Việt Trung

 

Vụ đông-xuân vừa qua, toàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình), gieo trồng 1.200ha dưa hấu. Nhờ thời tiết thuận lợi, chăm sóc hợp lý nên năng suất cao, chất lượng bảo đảm bảo.

Trung bình đạt 20-25 tấn/ha; sản lượng trên 24.000 tấn. Được thị trường tiêu thụ mạnh, giá bán sỉ tại gốc khoảng 7.000đ/kg, nên nông dân Bố Trạch phấn khởi sản xuất dưa trái vụ.

Dự kiến, khoảng cuối tháng 6, dưa hấu trái vụ sẽ cho thu hoạch. Tuy năng suất không cao như vụ đông-xuân, nhưng với kinh nghiệm chăm sóc, cùng với thời tiết tốt, chất lượng dưa vẫn bảo đảm.

Hiện, các đầu mối tiêu thụ tiếp tục đặt hàng với những người trồng dưa ở Bố Trạch, hứa hẹn thêm vụ dưa được giá năm 2019.

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top