Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 6 năm 2020 | 13:53

Tin 24/7: Vải tươi Việt Nam đã xuất khẩu vào Nhật Bản

Ngày 20/6, 1 tấn vải tươi đầu tiên xuất đi Nhật bằng đường hàng không đã cập bến, tiếp tục khẳng định giá trị nông sản của Việt Nam tại thị trường này.

vai-tuoi.jpg

Gần 4 tấn vải còn lại (trong tổng số 5 tấn của xuất đi ngày 18/6) sẽ đi bằng đường biển và sau khi đến Nhật Bản sẽ được chào bán rộng rãi tại siêu thị AEON, các đầu mối của các nhà nhập khẩu VIENT Corporation, Yufruit, Sunrise Farm…

Để có thể nhập lô hàng quả vải trên vào Nhật Bản, hai bên đã phải trải qua thời gian khá dài từ năm 2014 trong việc xúc tiến thị trường mở cửa thị trường Nhật Bản, giới thiệu công nghệ bảo quản quả vải tươi, xử lý xông hơi, khử trùng, vận chuyển… Quy trình kiểm tra diễn ra nghiêm ngặt dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng hai bên.

Ông Tạ Đức Minh - Thám tán thương mại tại Nhật Bản cho biết, thị trường Nhật Bản không phải là thị trường nhập khẩu vải lớn nhưng vẫn có tiềm năng phát triển do hầu hết người tiêu dùng Nhật Bản chưa quen hoặc chưa biết nhiều về quả vải, hương vị, cách ăn.

Lượng tiêu thụ chủ yếu tập trung ở những người Á Đông vốn đã quen và thích trái vải. Việc tăng cường quảng bá trái vải Việt Nam đến những người dân Nhật Bản để họ biết đến trái vải nhiều hơn là cực kỳ cần thiết. Do vụ thu hoạch vải diễn ra trong thời gian khá ngắn, nên số lượng xuất khẩu ồ ạt trong 1vụ là không đáng kể.

Dự kiến khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật trong năm nay. Trong đó, Tập đoàn AEON của Nhật Bản dự kiến nhập 10 tấn vải tươi, Công ty Yufruit nhập 2 tấn, Sunrise Farm nhập 1 tấn…

Giá thịt lợn hơi bắt đầu giảm

Hiện nay, giá thịt lợn hơi đã bắt đầu giảm, do nguồn lợn sống nhập nguyên con từ Thái Lan về các chợ đầu mối khá dồi dào.

 

lon.jpg

Sau khi các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu gần 1 triệu con lợn sống từ Thái Lan, giá lợn hơi đã hạ nhiệt. Hiện giá lợn hơi đang giao động quanh ngưỡng 90.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết ngày 30/5, có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt lợn từ các nước vào Việt Nam, với tổng lượng thịt lợn nhập khẩu hơn 67.600 tấn, tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay giá thịt lợn hơi đã bắt đầu giảm giảm, do nguồn lợn sống nhập nguyên con từ Thái Lan về các chợ đầu mối khá dồi dào và giá thấp hơn so với trong nước. Tính đến nay các doanh nghiệp đã đăng ký nhập khẩu khoảng 1 triệu con lợn sống gồm cả lợn thịt và lợn giống, việc này góp phần tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ bổ sung nguồn lợn giống nhằm đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, quá trình chăn nuôi từ trang trại đến khâu bán lẻ vẫn phải qua thương lái, hoàn toàn không tiếp cận được với các đơn vị phân phối lớn khiến giá thịt tăng lên. “Mặt hàng thịt lợn là “đụng chạm” đến 70% người tiêu dùng gồm người nghèo, công nhân, nông dân và còn tác động đến giá cả các mặt hàng khác tăng lên. Do đó, vấn đề điều phối hàng hoá, tổ chức hệ thống phân phối thịt lợn là hết sức quan trọng”, ông Phú nói.

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, đến cuối Quý III và đầu Quý IV năm nay, tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 28 triệu con, sản lượng thịt lợn xuất chuồng đạt hơn 3 triệu tấn và dự báo giá thịt lợn hơi sẽ tiếp tục giảm về mức hợp lý.

Chuối Việt Nam lên kệ của siêu thị Lotte Mart tại Hàn Quốc

 

chuoi-viet.jpg
Sản phẩm chuối tươi Việt Nam được chính thức phân phối tại chuỗi siêu thị Lotte Mart trên toàn Hàn Quốc. (Ảnh: ĐSQ VN tại Hàn Quốc)

 

Mới đây, Công ty Lotte Mart đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm chuối Việt Nam phân phối tại chuỗi siêu thị Lotte trên toàn Hàn Quốc. Đây là sự xuất hiện chính thức lần đầu tiên của chuối Việt Nam tại thị trường bán lẻ Hàn Quốc.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Hàn Quốc có sự chuyển biến đáng kể. Nếu như năm 2015, Việt Nam chỉ xuất được khoảng 180 tấn chuối với giá trị 132.000 USD thì đến hết năm 2019 khối lượng xuất khẩu đã tăng lên hơn 6.600 tấn, đạt hơn 4 triệu USD. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực phối hợp với doanh nghiệp Hàn Quốc và Thương vụ nghiên cứu, cải thiện giống chuối, quy trình trồng, thu hoạch, bảo quản và đóng gói sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Hàn Quốc.

Theo một số chuyên gia thương mại, với năng lực vượt trội về hệ thống phân phối và kinh nghiệm quản lý chất lượng của Lotte Mart, thương hiệu chuối LOPANG BANANA của Việt Nam chắc chắn sẽ chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Hàn Quốc. Chuối LOPANG BANANA được trồng trên vùng cao nguyên tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, vỏ dầy và có độ ngọt gấp 1-2 lần so với sản phẩm cùng loại. Dự kiến Lotte Mart sẽ nhập khoảng 1.600 tấn/năm để phân phối qua 81 đại siêu thị trên toàn Hàn Quốc.

Thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Lotte Mart và các nhà phân phối khác để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng trên vào thị trường Hàn Quốc.

Cây tiêu ở Bình Phước chết hàng loạt, tại ai?

Gần 3 năm nay, hơn 1.000 ha tiêu ở xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chết hàng loạt khiến hàng trăm hộ dân điêu đứng.

 

tieu.jpg

Tiêu chết, trở thành con nợ nên người dân chưa dám chuyển đổi cây trồng. Ảnh VOV

 

Mấy năm trước, giá tiêu lên cao, với 2.000 trụ tiêu, mỗi năm gia đình bà Hoàng Thị Hòa (50 tuổi, ngụ ở xã Đăk Ơ) lãi hơn 300 triệu đồng. Gia đình bà vay ngân hàng 1,8 tỷ đồng để đầu tư thêm khoảng 4.000 trụ tiêu. Tuy nhiên, vườn tiêu chưa cho thu hoạch thì bỗng nhiên vàng lá, úng rễ chết hàng loạt.

“Bao nhiêu hộ mỗi nhà mỗi khác, tại sao không chết một vài nhà mà chết đồng loạt. Nguyên nhân là do dịch bệnh chứ không phải tự dưng chết. Nếu nhà nước không hỗ trợ dân thì không còn gì. Gia đình tôi có hai vợ chồng, bản thân thì khuyết tật không làm được gì, cuộc sống vô cùng khó khăn", bà Hòa chia sẻ.

Những hộ gia đình khác ở Bình Phước cùng chung cảnh ngô như gia đình bà Hòa. Nguồn tiền đầu tư vườn tiêu đa số vay từ ngân hàng, khi cây tiêu chết người dân không có khả năng chi trả những khoản nợ tiền tỷ. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 700 hộ dân ở xã Đăk Ơ như đang “ngồi trên đống lửa” khi phải gánh nợ vì đầu tư vào cây tiêu. Nhiều người chán nản cắm bảng bán đất để lấy tiền trả nợ ngân hàng, nhưng ngặt nỗi chẳng ai mua đất. Cho rằng, tiêu chết do dịch bệnh nên người dân mong muốn chính quyền xem xét công bố dịch để được hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, từ tháng 6/2019, cơ quan chuyên môn của Sở và Cục Bảo vệ Thực vật đã tiến hành khảo sát, xác định việc tiêu chết. Đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó có những lý do, như: Trồng trên đất chưa phù hợp, giống không đạt yêu cầu, ngập úng, hạn hán, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, chưa đủ cơ sở để công bố dịch bệnh trên cây tiêu, bởi theo Nghị định 116, thì công bố dịch bệnh phải là do sinh vật gây hại lạ gây ra, hoặc sinh vật gây bệnh vượt quá khả năng kiểm soát có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.

“UBND tỉnh Bình Phước rất thận trọng nên đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển xem xét lại nguyên nhân tiêu chết. Nói về dịch bệnh, công bố dịch để dập dịch chứ không phải để hỗ trợ. Hiện nay ở xã Đăk ơ vẫn còn 647 ha tiêu phát triển bình thường”, bà Tuyết cho hay.

Còn theo ông Vũ Đức Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ơ, nguyên nhân tiêu chết do người dân. Mấy năm gần đây, giá tiêu liên tục tăng cao, có hộ trồng hồ tiêu trúng đậm và trở thành tỷ phú nên nhiều hộ dân khác ồ ạt đầu tư tiền của, thậm chí vay mượn ngân hàng để lấy vốn trồng tiêu. Cây tiêu là cây “nhà giàu” nên đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, người dân thấy giá cao nên cứ trồng theo phong trào, mở rộng diện tích mà không chú trọng đầu tư kỹ thuật chăm sóc nên không bền vững. Điều đáng nói là phong trào trồng tiêu tại địa phương là do tự phát.

Ông Vũ Đức Duy cho biết: “Chưa có văn bản nào khuyến cáo bà con trồng cây gì. Có thời điểm cây cao su được giá như năm 2009, bà con đồng loạt cưa cây điều trồng cây cao su. Sau đó, cưa cây cao su sang trồng tiêu rồi lại trồng điều. Căn cứ tình hình kinh tế, các hộ gia đình tự chuyển đổi”.

Dành hơn 137.000 tỷ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều ngày 19/6, Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, với tỷ lệ 93,58% đại biểu tán thành.

Chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, tối thiểu 137.664 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 104.954 tỷ đồng; ngân sách địa phương 10.016 tỷ đồng; Vốn tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng; Vốn huy động hợp pháp khác 2.967 tỷ đồng.

Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 - 2030.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top