Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 16:19

Tín chỉ carbon nông nghiệp: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Năm 2019, nguồn thu từ định giá carbon toàn cầu lên tới 45 tỷ USD. Trong khi đó, mỗi năm nước ta có thể bán ra thị trường 57 triệu tín chỉ carbon và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, có thể thu về hàng trăm triệu USD.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị và hướng tới thị trường carbon còn khá mờ nhạt.

Xu hướng chung của toàn cầu

Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng carbon dioxide nhất định hoặc các khí nhà kính khác. Một tín chỉ cho phép phát thải 1 tấn carbon dioxide hoặc tương đương trong các khí nhà kính khác.

 

z3564026432700_d3e674cf7adcd69f986a92dbd168fbd6.jpg
Cần tận dụng tiềm năng của rừng để có thêm nguồn lực tài chính từ việc mua bán tín chỉ carbon.

 

Thị trường tín chỉ carbon được xem là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế lượng khí thải phát sinh gây ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn buộc phải trả tiền để mua thêm “quyền được phát thải” và ngược lại, những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có mức phát thải thấp hoặc có khả năng lưu trữ, thu hồi khí thải sẽ nhận được thêm nguồn lợi tài chính.

Ví dụ, một công ty tạo ra 12 tấn khí thải trong khi giới hạn cho phép là 10 tấn, thì họ có thể mua lại 2 tín chỉ từ các công ty tạo khí thải thấp hơn mức giới hạn và có tín chỉ dư. Điều này được xác nhận bởi một bên thứ ba và các tín chỉ được cấp thông qua những nỗ lực này có thể được giao dịch trên thị trường carbon.

Nói cách khác, thị trường tín chỉ carbon là công cụ bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Đây cũng là cách tiếp cận mới quan trọng được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Người mua tín chỉ carbon khá đa dạng, từ doanh nghiệp thuộc các ngành truyền thống như năng lượng, vận tải… cho tới những khách hàng mới đến từ ngành giải trí, mỹ phẩm… 

Tín chỉ carbon có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và thị trường nơi chúng được giao dịch. Năm 2019, giá tín chỉ carbon trung bình là 4,33 USD/ tấn. Con số này tăng lên 5,60 USD/tấn vào năm 2020, trước khi giảm xuống mức trung bình 4,73 USD (năm 2021).

Tiềm năng lớn từ rừng

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), mỗi năm, Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Không chỉ vậy, hiện nay, Việt Nam đang theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh đồng thời với cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 sẽ tạo ra quy mô thị trường carbon rất lớn, trị giá hàng tỷ USD, mở ra một ngành kinh doanh mới.

Quảng Nam hiện là tỉnh duy nhất được Chính phủ đồng ý lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon (CO2) rừng với thời gian thí điểm dự án 5 năm (2021-2025). Theo đề án, UBND tỉnh Quảng Nam dự tính xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn 2021-2025. Giá bán thấp nhất 5 USD/tấn CO2, mang lại cho  Quảng Nam nguồn thu 110-130 tỷ đồng/năm, cao hơn với nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, bằng 2-2,5 lần đầu tư ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương vào lâm nghiệp.

Theo các  chuyên gia, việc phát triển thị trường carbon sẽ giúp tạo ra sinh kế của người dân, chủ rừng và đồng thời thực hiện mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Trong tương lai rất gần, sẽ có những người dân, nhóm hộ gia đình, hợp tác xã vùng rừng núi kinh doanh thương mại, môi giới đầu tư tín chỉ carbon rừng, tạo ra bước phát triển chưa từng có trong lâm nghiệp.

Ông Lê Đức Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn (Quảng Nam), cho rằng, Đề án bán tín chỉ carbon rừng khi đi vào thực tiễn sẽ giúp người dân địa phương và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hưởng lợi từ nguồn kinh phí thu được từ rừng. “Để chuẩn bị cho việc bán tín chỉ carbon rừng, lực lượng kiểm lâm đã huy động mọi lực lượng tại địa phương, tập trung tuần tra, truy quét quyết liệt việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản cũng như săn bắt động vật hoang dã trái phép”, ông Tuấn cho biết.

Theo tính toán sơ bộ, mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn carbon dioxide (CO2), hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2 tương đương. Quảng Nam hiện có gần 630.000 ha rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được xấp xỉ 1 triệu tấn carbon. Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng sẽ giúp Quảng Nam tăng 20% diện tích rừng tự nhiên trong vòng 10 năm tới, qua đó, nâng độ che phủ rừng lên 61% vào năm 2025, phục hồi và làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu mét khối gỗ và giảm phát thải khoảng 14 triệu tấn CO2 từ rừng vào năm 2030.

Trong giai đoạn thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, Quảng Nam sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký hợp đồng đầu tư, thu mua tín chỉ carbon rừng. Hiện, nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước  quan tâm đầu tư và mong muốn mua tín chỉ carbon rừng của Quảng Nam.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, đây là lĩnh vực mới, cần phải qua đấu thầu quốc tế nên tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai.

“Quảng Nam đã làm việc với các nhà đầu tư, các nhà tư vấn để hoàn thiện đề án này, nếu làm được, bình quân mỗi năm tỉnh sẽ thu được 5 -10 triệu USD, cộng với nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, Quảng Nam sẽ dùng nguồn lực này để gia tăng công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là phát triển rừng gỗ lớn, hướng đến sản xuất công nghiệp có giá trị gia tăng cao”, ông Thanh nói.

Chưa được chú trọng

Theo nhận định của các chuyên gia, tại Việt Nam, tuy sản xuất được tín chỉ carbon và đã bán nhưng những giao dịch này chưa được quan tâm nhiều.

Hiện nay, có 3 đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước. Một là, các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Hai là, tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ba là, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.

Đánh giá về thị trường tín chỉ carbon của nước ta, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên minh Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu với sự gia tăng cả về lượng và chất của các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của quốc gia và cộng đồng dân cư. Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Việt Nam cùng gần 180 bên đã tham gia vào Công ước khí hậu ký vào tháng 4 năm 2016 tại Trụ sở Liên Hợp quốc. Ngày 3/11/2016, Thông báo Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt và chính thức gửi lên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc.

Đặc biệt, trong khuôn khổ các cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ 21.

Có thể thấy, việc Việt Nam đang theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh, đồng thời với cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, sẽ tạo ra quy mô thị trường carbon rất lớn.

Do vậy, thời gian qua, Chính phủ đã xây dựng lộ trình triển khai các chiến lược, kế hoạch, chương trình thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với xu thế chung của thế giới về áp dụng các tiêu chuẩn trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, từ đó giúp nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu và quảng bá thương hiệu Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng theo ông Phòng, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất và thương mại tín chỉ carbon trên các sàn giao dịch quốc tế, song những giao dịch này chưa được chú ý nhiều, dẫn tới nguy cơ bỏ lỡ khoảng 57 triệu tín chỉ carbon với giá trị lên tới hàng trăm triệu USD.

Ngành Nông nghiệp - mắt xích quan trọng 

Đứng trước xu hướng phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, ngành Nông nghiệp là một trong những mắt xích quan trọng khi phải hướng đến mục tiêu kép: vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa nắm bắt những cơ hội, tiềm năng lớn đến từ thị trường tín chỉ carbon.

 

z3564026452016_0dcd56dd6aaccffb81835d05ada319dd.jpg
Việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp cũng là một giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh chụp tại Kiên Giang.

 

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, giảm thiểu lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… không gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính cần được các doanh nghiệp nông nghiệp và mọi nhà nông đẩy mạnh triển khai.

Theo ông Francois Visser, Công ty Carbon Friendly, ngành nông nghiệp rất có tiềm năng khi tham gia thị trường carbon quốc tế. Lạm dụng các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nông nghiệp sẽ gây tác động mạnh đến tình trạng phát thải khí nhà kính.

“Nông dân chính là “người anh hùng” giảm thiểu carbon trong nông nghiệp. Điều này cần được lan toả. Hệ thống sản xuất bền vững sẽ xuất phát từ đây”, ông Francois Visser nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo: “Hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị nông sản bền vững toàn cầu thông qua hệ thống chứng nhận và thị trường tín chỉ carbon”,  ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Thành, cho rằng, hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, ngoài sản xuất lúa, còn có nhiều diện tích trồng rừng cũng như cây ăn quả. Thực tế cho thấy, quá trình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang lạm dụng các sản phẩm phân bón và thuốc BVTV hóa học, qua đó tác động mạnh đến tình trạng phát thải khí nhà kính.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Trường chia sẻ: “Xu hướng toàn cầu hiện nay là hướng đến việc giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0%, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những cam kết với thế giới về vấn đề này. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp Việt Nam cần ứng dụng những phương pháp, công nghệ mới trong sản xuất. Ví dụ như: sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học để giúp giảm thiểu lượng phân bón cần thiết. Phân bón hữu cơ, phân bón sinh học cũng chứa những sinh vật có lợi cho môi trường, qua đó không làm phát thải khí nhà kính”.

Đồng thời, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp cũng là một giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, thiết bị bay không người lái sẽ sử dụng nhiên liệu là pin, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu…, qua đó cắt giảm một lượng lớn phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực sản xuất lớn như ĐBSCL, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái sẽ hỗ trợ người nông dân tự động hóa hoàn toàn các công đoạn gieo giống, phun dung dịch, rải phân… Qua đó, nông dân có thể cắt giảm một lượng lớn, ít nhất là 20% thuốc BVTV trong sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Trường cũng khuyến nghị, phát triển nông nghiệp bền vững thông qua hệ thống chứng nhận và thị trường tín chỉ carbon cần trở thành cuộc cách mạng toàn dân, bởi tổng diện tích nông sản cả nước rất lớn (hơn chục triệu hecta).

TS. Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn, quan điểm về giá trị kinh tế của rừng. Thực tế, rừng không chỉ có giá trị ở gỗ, lâm sản, cảnh quan mà còn có thể khai thác giá trị bảo tồn và cả tín chỉ carbon. Tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon là rất lớn nhưng mới chỉ ở giai đoạn thí điểm, cần phải có kế hoạch cụ thể để giữ rừng, làm giàu rừng, tăng hấp thụ carbon rừng, đảm bảo có “hàng” để đem bán và đạt được mục tiêu tham gia thị trường này một cách mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, đi đôi với những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính, các nhà hoạch định chính sách cần tạo ra cơ sở pháp lý, thúc đẩy thị trường carbon minh bạch hoá, khuyến khích các chủ rừng tham gia bảo vệ, làm giàu rừng. Đặc biệt, cần có các chính sách về quyền carbon như quyền sở hữu lượng carbon tích luỹ của rừng; quyền chuyển giao, chuyển nhượng, mua bán và quyền hưởng lợi, từ đó mới thúc đẩy được bảo vệ rừng gắn với tạo giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, cần tạo kênh đàm phán, thương mại, thúc đẩy thị trường này.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top