Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 2 năm 2018 | 15:51

Tín dụng chính sách “xanh”, xu thế của tương lai

Tăng trưởng xanh từ lâu đã trở thành xu thế mới trên thế giới để thích ứng với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo bền vững và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

 

tr9.jpg
Vốn vay chính sách đã giúp cho nhiều hộ có nước sạch để dùng, có vốn để phát triển sản xuất.

 

Một trong những mắt xích quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là hệ thống tài chính ngân hàng. Theo đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư, tín dụng xanh, hỗ trợ các khu vực kinh tế thực hiện các dự án tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tín dụng chính sách “xanh” giúp “xanh hóa” nền kinh tế

NHCSXH được Chính phủ thành lập vào năm 2002 nhằm thực hiện tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến hết năm 2017, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đạt trên 175.000 tỷ đồng (tương đương gần 8 tỷ USD); tổng dư nợ đạt trên 171.000 tỷ đồng (tương đương hơn 7 tỷ USD) với hơn 6,9 triệu khách hàng, trong đó gần 80% khách hàng hiện đang sinh sống tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khu vực miền núi. 

15 năm hoạt động, NHCSXH đã có mạng lưới hoạt động đến tận xã, phường, thị trấn trong cả nước, với 63 chi nhánh cấp tỉnh, 631 Phòng giao dịch cấp huyện, gần 11 nghìn Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại thôn, xóm, ấp, bản làng. Chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được củng cố, nâng cao với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,8% trên tổng dư nợ.

NHCSXH xác định mục tiêu tăng trưởng xanh là một trong những nội dung quan trọng. Tăng trưởng xanh giúp NHCSXH thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tín dụng chính sách, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư, cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Với bề dày 15 năm hoạt động về tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, nhận thức sâu sắc, chỉ có phát triển bền vững mới đem lại thu nhập ổn định cho người dân sản xuất kinh doanh (SXKD) và giúp cho NHCSXH giảm thiểu rủi ro hoạt động, thời gian qua, NHCSXH thường xuyên chú trọng cho vay các dự án, phương án SXKD nông nghiệp phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường. Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của NHCSXH luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường. Các chương trình, dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiên quyết loại trừ cho vay đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường - xã hội.

Hiện nay, NHCSXH đang cho vay hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 70% tổng dư nợ tín dụng của NHCSXH. Đặc biệt, NHCSXH đã tham gia thực hiện nhiều chương trình, dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức quốc tế tài trợ như: Chương trình Phát triển ngành lâm nghiệp; Dự án khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững (KfW6); Dự án cho vay rừng ngập mặn miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, NHCSXH hiện đang thực hiện cho vay Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình cho vay đầu tư trồng rừng sản xuất, chăn nuôi tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020.

Bảo tồn thiên nhiên và nước sạch

Năm 2005, diện tích rừng của Việt Nam đã giảm từ 14,3 triệu hecta (năm 1943) xuống còn 10,7 triệu hecta. Sau hàng thập kỷ rừng bị tàn phá, cả nước có 7 - 8 triệu hecta đất rừng không được sử dụng, bị thoái hóa và trở thành đồi trọc. Khoảng 25 triệu người nghèo và đồng bào DTTS sống phụ thuộc vào rừng. Để giải quyết những thách thức đó, năm 2005, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam hỗ trợ NHCSXH triển khai thực hiện dự án phát triển ngành lâm nghiệp nhằm giúp các hộ gia đình ở các tỉnh miền Trung Việt Nam vay vốn trồng rừng nhằm cải thiện sinh kế, góp phần bảo vệ rừng, thiên nhiên.

Đây là dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, với 2 trọng tâm chính là: Phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung và bảo tồn thiên nhiên. Dự án được triển khai tại 6 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa và Nghệ An. Sau 12 năm cho vay, đến nay doanh số đã đạt trên 828 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt hơn 376 tỷ đồng. Dư nợ đạt 500 tỷ đồng với hơn 50.000 lượt khách hàng vay vốn. Nhờ có nguồn vốn mà đến nay đã phủ kín được gần 76.000ha rừng trồng sản xuất.

Chương trình tín dụng NS&VSMTNT của NHCSXH là một trong những kênh tín dụng “xanh” thiết thực, hiệu quả nhất, đã và đang mang lại cho người dân cuộc sống tươi vui, giảm được dịch bệnh và tạo ra một môi trường xanh - sạch - đẹp hơn. Chương trình không chỉ nhằm mục tiêu kinh doanh mà còn giúp các hộ gia đình sinh sống ở những vùng nông thôn có điều kiện vay vốn để cải tạo, xây mới hoặc nâng cấp các công trình cung cấp nước sạch, cải tạo vệ sinh, đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Sau 13 năm thực hiện, NHCSXH đã triển khai tới 63/63 tỉnh, thành phố với dư nợ đạt trên 26.000 tỷ đồng, cho khoảng 2,6 triệu khách hàng vay vốn, với hơn 9,9 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả.

Tín dụng chính sách “xanh” trong tương lai

Với mục tiêu xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh trong tái cơ cấu nền kinh tế, trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu chiến lược để thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững hơn, trong đó nổi bật nhất là Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020. Tín dụng xanh đã và đang chứng minh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu.

Từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành hoạt động tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với hiệu quả và ưu tiên đầu tư vốn tín dụng vào các lĩnh vực, dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh.

Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh, Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng chỉ rõ, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, thời gian tới, với hoạt động của mình, NHCSXH tiếp tục cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó chú trọng đến những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; thúc đẩy đầu tư tăng trưởng tín dụng xanh, nông nghiệp sạch, khuyến khích các mô hình vay vốn SXKD thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm năng lượng.

Tăng trưởng xanh giúp NHCSXH thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tín dụng chính sách, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư, cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

P.V

 


 

Ý kiến bạn đọc
Top