Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 24 tháng 8 năm 2020 | 20:5

Tin Ngư nghiệp: Ngư dân gặp khó khi dịch Covid-19 tái bùng phát

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến đầu ra của các loại hải sản bấp bênh, trong khi đó trữ lượng cũng giảm, khiến ngư dân và bạn biển Quảng Nam gặp khó.

Dịch Covid-19 vẫn khó kiểm soát, khiến đầu ra các mặt hàng hải sản ở Quảng Nam bấp bênh, giá thấp, đồng thời trữ lượng đánh bắt cũng giảm sút... khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

 

ca-33.jpg

 Ngư dân Huỳnh Văn Song nói, tàu đã cập bờ thì dù giá cá thấp cũng đành phải bán. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

 

Tàu cá QNa-91298 của ngư dân Huỳnh Văn Song (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) cập bờ bán hải sản. Thu được gần 20 tấn cá nục, cá ngừ sau 25 ngày bám biển ở ngư trường Hoàng Sa, ông Song và 15 bạn biển kỳ vọng sẽ có nguồn thu nhập khá.

Song, số cá trên chỉ bán được hơn 200 triệu đồng, trong khi chi phí chuyến biển đã gần 200 triệu đồng, nên cả chủ tàu lẫn bạn biển, không có lãi để chia.

“Giá cá quá thấp, cá loại 1 chỉ bán được hơn 15 nghìn đồng/kg, cá loại 2 dưới 15 nghìn đồng/kg, nên chúng tôi chỉ thu đủ bù chi. Tư thương cho rằng dịch bệnh Covid-19 khiến hải sản mất giá, nên chúng tôi đành bán vậy. Tàu đã cập bờ thì không thể trữ cá lại, cũng không thể bán cá ở tỉnh khác” - ông Song nói.

Bà Lê Thị Lai - chủ cơ sở thu mua hải sản Toàn Lai (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) cho biết, chưa bao giờ đầu ra hải sản bất ổn như giai đoạn này. Các loại hải sản đều giảm giá hơn 50% so với trước khi dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát.

“Tôi bán hải sản cho thị trường nội địa và doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu, nhưng cả 2 thị trường đều ách tắc. Với các mối làm ăn quen thuộc, chúng tôi phải mua hải sản khi chủ tàu cá cập bờ. Do chưa thể bán hết nên phải thuê kho đông lạnh bảo quản hải sản, chi phí rất cao” - bà Lai nói.

Cũng theo bà Lai, đội xe đông lạnh 7 chiếc chuyên chở hải sản cung cấp cho đối tác ở TP. Hồ Chí Minh hiện không thể hoạt động, do mang biển kiểm soát tỉnh Quảng Nam - địa phương thuộc vùng dịch, do đó phải thuê đội xe của tỉnh khác nên chi phí đội lên khá cao...

Còn ông Phạm Tấn Vũ - chủ cơ sở kinh doanh hải sản ở thôn An Hải Đông (xã Tam Quang) cho biết, khi thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó thì cả chủ vựa cá lẫn ngư dân đều chịu thiệt.

Ngư dân Huỳnh Văn Diệp, chủ tàu cá QNa-90745 cho biết, sau khi lệnh cấm đánh bắt 3 tháng rưỡi ở Biển Đông, do Trung Quốc ngang nhiên áp đặt kết thúc ngày 16.8, tàu cá Trung Quốc từ đảo Hải Nam ồ ạt tràn xuống vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

“Trữ lượng hải sản ở các vùng biển xa ngày càng giảm sút. Tàu cá Trung Quốc ngày càng đông đảo, sản xuất tận diệt nên cá, mực ngày càng ít. Sản lượng hải sản thu được ở các chuyến biển từ đầu năm đến nay đều ít hơn mức trung bình năm trước. Rất may là có sự hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước, chứ không thì ngư dân thua lỗ nặng” - ông Diệp nói.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiêp, cùng với sự hỗ trợ của kiểm ngư, cảnh sát biển, khi đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa, ngư dân nên nương tựa nhau theo mô hình tổ, đội đoàn kết, để tương trợ kịp thời khi gặp tai nạn, sự cố trên biển.

Về trữ lượng hải sản giảm sút ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ông Ngô Tấn cho hay, Bộ NN&PTNT đang giao trách nhiệm cho Viện Nghiên cứu hải sản, khẩn trương điều tra nguồn lợi và áp dụng nhiều giải pháp hữu hiệu để tái tạo nguồn lợi.

“Trung ương đang đẩy mạnh công tác thu thập, cập nhật dữ liệu hải dương học nghề cá. Nhiều mô hình dự báo, bảo vệ, bổ sung nguồn lợi hải sản tiên tiến của thế giới, đang được áp dụng sát với thực tiễn, kỳ vọng giúp ngư dân sản xuất tốt hơn trong thời gian đến” - ông Ngô Tấn chia sẻ.

Bình Định:  Cương quyết xóa số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Cùng với việc đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát khai thác thủy sản, quản lý tàu cá, Bình Định đã triển khai các giải pháp mạnh, trong việc xử lý tàu cá hoạt động ngoài tỉnh không về địa phương, để ngăn chăn vi phạm vùng biển nước ngoài.

 

bđ-99.jpg

Theo dõi hoạt động KTTS tàu cá Bình Định tại Trạm bờ Chi cục Thuỷ sản

 

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp PTNT), đến nay, toàn bộ 3.140 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đang hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng khơi, đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo luật định.

Riêng với các tàu hoạt động tại ngư trường ngoài tỉnh, đã lâu không về địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, BĐBP tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển rà soát lại, đưa vào nhóm có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và thông báo xóa số đăng ký tàu cá.

Qua thống kê, từ ngày 1.1.2018 đến nay, cả tỉnh có 638 tàu cá thường xuyên hoạt động, xuất nhập bến tại các cảng cá, bến cá các tỉnh phía Nam không về địa phương; trong đó có 88 tàu đã về khai báo năm 2019, còn  550 tàu không về, chủ tàu không báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động tại ngư trường ngoài tỉnh.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh, hành vi của 550 chủ không đưa tàu về địa phương, không báo cáo, cung cấp thông tin về  hoạt động, đã vi phạm điểm m, khoản 1, Điều 60 của Luật Thủy sản về không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký KTTS, không báo cáo theo quy định.

Do đó, Chi cục đã thông báo xóa số đăng ký tàu cá đối với số tàu này. Đây là giải pháp mạnh được tỉnh Bình Định áp dụng đầu tiên trong 28 tỉnh, thành ven biển cả nước, quyết tâm khắc phục “thẻ vàng”của tỉnh Bình Định.

Sau đó, đã có 55/550 chủ tàu cá Bình Định hoạt động ngoài tỉnh, đưa tàu về khai báo thủ tục và được ngành Thủy sản tỉnh phục hồi biển số đăng ký để tiếp tục hoạt động.

Ngư dân Trần Cung, ở xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), chủ tàu cá BĐ 93631-TS, bộc bạch: “Thật tình mà nói chúng tôi cứ nghĩ tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình, có đăng ký, đăng kiểm, giấy phép KTTS và các giấy tờ, chứng chỉ liên quan là sẽ hoạt động, không biết rằng tàu ở lâu tại các tỉnh, không về khai báo, là vi phạm luật. Bởi vậy, ngay khi nhận được thông báo xóa số hiệu tàu cá, tôi đã đưa tàu về để đăng ký phục hồi số hiệu”.

Cùng tâm trạng, ngư dân Lý Hoài Quỳnh, ở phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn), chủ 2 tàu cá BĐ 95254-TS và BĐ 96039-TS, thổ lộ: “Tàu của tôi thường xuyên hoạt động tại ngư trường  Trường Sa và các tỉnh phía Nam, lâu nay ở luôn trong đó.

Sau khi bị ngành Thủy sản thông báo xóa số hiệu, tôi liền đưa 2 tàu về đăng ký phục hồi số hiệu trong tháng 8.  Sau này, cứ mỗi năm, tôi phải đưa tàu về khai báo, mới đảm bảo điều kiện hoạt động theo luật định”.

Bên cạnh việc đăng thông báo công khai danh sách tàu cá Bình Định bị xóa số, Chi cục Thủy sản tỉnh còn gửi danh sách này, đến các địa phương  trong tỉnh và các chi cục thủy sản tại 28 tỉnh, thành ven biển cả nước để phối hợp quản lý.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh, cho biết: “Các tàu cá trong danh sách thông báo đã xóa số đăng ký, nếu tiếp tục mang biển số  Bình Định, hoạt động KTTS không về báo cáo, là hành vi mang biển số giả, sử dụng giấy chứng nhận tàu cá không đúng quy định, và không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý của Bình Định”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, nhấn mạnh: “Trong số tàu cá Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài, phần lớn là tàu hoạt động tại các tỉnh phía Nam, lâu không về địa phương. Thậm chí có tàu 8 - 10 năm không về, cả gia đình sinh sống tại đó, nhưng vẫn mang số hiệu BĐ, và khi vi phạm thì Bình Định phải chịu trách nhiệm.

Bởi vậy, phải có biện pháp mạnh, để ngăn ngừa tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” IUU”.

Với nhiều giải pháp cấp bách, Bình Định đã có chuyển biến tích cực chống khai thác IUU, giảm thiểu KTTS vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, cả tỉnh có 4 tàu vi phạm, giảm 9 tàu so năm trước.

Để quản lý chặt chẽ hơn nữa, UBND Tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, BĐBP tỉnh, CA tỉnh phối hợp thực thi Luật Thủy sản, các quy định IUU; đẩy mạnh  tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, tàu cá KTTS; xác nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Tỉnh cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành để xin ý kiến về vấn đề kỹ thuật, khi tàu cá vượt qua lằn ranh trong bản đồ điện tử, cài đặt trên thiết bị giám sát hành trình, và bị lực lượng chức năng cảnh báo, để làm cơ sở xử lý, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bình Thuận: Thả 45 cá thể rùa quý hiếm về biển

Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản huyện Phú Quý (Bình Thuận) đã thả 45 cá thể rùa biển, về với môi trường tự nhiên tại khu vực bãi biển Hòn Tranh (Phú Quý).

 

cua-191.jpg

 Chăm sóc các cá thể rùa trước khi thả về biển

 

Sau thời gian 51 ngày chăm sóc, bảo vệ những quả trứng rùa, đến nay 45 cá thể rùa biển đã nở, và được các nhân viên Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Quý thả về biển cả.

Được biết, đây là những cá thể rùa xanh, được sinh ra từ ổ trứng của một cá thể rùa mẹ, nặng khoảng 100kg, được người dân phát hiện vào bờ đẻ trứng tại bãi biển Vịnh Triều Dương.

Việc đưa 45 cá thể rùa biển con về môi trường biển, nhằm góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là khôi phục nguồn động vật biển quý hiếm, có giá trị và có nguy cơ tuyệt chủng.

Những chú rùa được thả là loại rùa xanh thủy sinh quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là hành động đẹp của người dân Phú Quý, nhằm chung tay bảo vệ sinh vật biển quý hiếm.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top