Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 8 năm 2020 | 20:16

Tin Ngư nghiệp: Ngư dân Nghệ An ra khơi trở lại sau bão số 2

Sau bão số 2, tàu thuyền của ngư dân Nghệ An đã ra khơi trở lại, sau khi được có lệnh "mở biển" của tỉnh.

Sáng 3/8, trời quang mây tạnh, ngư dân Trịnh Đức Dũng, phường Nghi Thủy (T.X Cửa Lò) đã cùng 20 thuyền viên ra cảng để lau dọn tàu thuyền, mua sắm nhiên liệu, nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến tàu mới.

 

ra-kh-9.jpg

Các chủ tàu huy động thuyền viên kiểm tra, dọp dẹp tàu thuyền để ra khơi trở lại. Ảnh: Quang An.

 

Anh Dũng cho biết, tàu của anh có công suất 820 CV, là một trong những tàu có công suất lớn nhất trên địa bàn xã, nên công tác chuẩn bị cũng vất vả hơn.

Anh em thuyền viên chia nhau để làm việc, người thì kiểm tra các bộ phận, máy móc của tàu sau 4 ngày nằm trú bão, người đi mua đá lạnh, dầu, nước uống, thực phẩm...

Do phải nghỉ bão, thu nhập của thuyền viên cũng giảm sút nên chuyến này anh Dũng cùng các bạn sẽ đi lâu hơn với hy vọng được nhiều hải sản.

Ngay sáng 3/8, hàng chục tàu thuyền của ngư dân phường Nghi Thủy -nơi có số lượng tàu thuyền lớn nhất Thị xã Cửa Lò, đã nối đuôi nhau ra khơi trở lại.

Theo thống kê, toàn phường hiện có 110 tàu, trong đó có 40 tàu công suất lớn, sẽ xuất phát muộn hơn do phải chuẩn bị kỹ càng, số còn lại cơ bản đã ra khơi từ tờ mờ sáng.

Còn tại cảng Lạch Vạn, cảng cá lớn nhất huyện Diễn Châu, ngư dân cũng tấp cập chuẩn bị cho chuyến biển mới sau thời gian nghỉ bão.

Ông Nguyễn Văn Trung, ngư dân xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cho biết: "Chuyến biển vừa rồi mới đánh bắt được 1 ít lại phải quay về ngay vì nhận được tin bão, vừa tốn công sức, chi phí sản lượng đánh bắt cũng không đủ bán.

Do đó, chuyến này tôi hy vọng trời yên biển lặng, thuận lợi hơn trong việc đánh bắt, để ngư dân yên tâm bám biển."

Toàn xã Diễn Ngọc có 96 tàu công suất lớn và khoảng 100 tàu công suất nhỏ. Số tàu thuyền công suất nhỏ thường đi về trong ngày, nên từ sáng sớm, hàng chục tàu đã ra khơi.

Riêng đối với các tàu lớn, việc chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm, huy động thuyền viên mất nhiều thời gian,  nên ra khơi sẽ muộn hơn và sẽ  dài ngày hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: "Thời điểm ra khơi trở lại này, trùng với lúc cả nước đang căng mình chống dịch Covid -19, do đó, bên cạnh việc chấp hành nghiêm túc các quy định về khai thác hải sản, các thuyền viên cũng như người dân mua bán tại cảng đều phải chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay vì cảng Lạch Vạn có hàng nghìn người tập trung thời điểm thuyền về bến".

Tại các địa phương khác như Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, ngư dân cũng đã rục rịch ra khơi trở lại, với hy vọng cá tôm đầy ắp..

Bình Thuận: Sớm nâng cấp Cảng cá La Gi

Sau nhiều năm được đưa vào sử dụng, hiện Cảng cá La Gi bị xuống cấp và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, vận chuyển hải sản, neo đậu tàu thuyền của ngư dân.

 

ca-33.jpg

Theo phản ánh của nhiều ngư dân, hệ thống Cảng cá La Gi hiện nay vừa xuống cấp, vừa chật chội gây khó khăn cho việc cập bến của các tàu thuyền.

 

Có mặt tại cảng vào lúc sáng sớm, trước mắt chúng tôi là hàng chục chiếc tàu tấp nập, chen chúc nhau để vận chuyển hải sản lên bờ và tiếp nguyên liệu cho chuyến ra khơi sắp tới. Mỗi khi thuyền cập cảng, hàng trăm tiểu thương chen lấn, xô đẩy tìm cho mình một vị trí thích hợp để thu mua hải sản.

Bà Nguyễn Thị Nam, chủ vựa thu mua hải sản cho biết: “Vào giờ cao điểm từ 4 - 9 giờ sáng, tàu cá của ngư dân cập cảng rất nhiều, người mua kẻ bán phải len lỏi vất vả trong phạm vi chật hẹp của cầu cảng. Hơn lúc nào hết, ngư dân chúng tôi mong muốn có một cảng cá rộng hơn, thuận tiện hơn để phát triển nghề cá của địa phương”.

Không chỉ chật chội, chen lấn, cơ sở xuống cấp mà môi trường ở Cảng cá La Gi cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Qua quan sát, một màu đen sì của nước rỉ từ hải sản chảy tràn lan quanh khu cảng cá, rác bẩn, xác hải sản thối... bốc lên mùi tanh tưởi.

Càng về trưa nắng gắt, càng bốc mùi hôi tanh, ruồi nhặng bâu đen kịt. Ông Lê Ngọc Hải, người bốc vác tại cảng cho biết: “Cảng La Gi đã ô nhiễm từ nhiều năm nay, mùi hôi thối khó chịu lắm. Do miếng cơm manh áo nên chúng tôi mới phải bám trụ nơi này”.

Ban Quản lý Cảng cá La Gi cho biết: Đây là cảng loại II, đồng thời là nơi neo đậu của trên 2.000 tàu cá của thị xã, hoạt động nghề vây rút chì, giã, mành khai thác từ bờ đến khơi.

Nơi đây còn là trung tâm hậu cần nghề cá của thị xã La Gi, phục vụ cho công tác đánh bắt, tiêu thụ, chế biến hải sản của địa phương và các vùng phụ cận; thời điểm này cảng cá đã xuống cấp trầm trọng.

Theo đó, khu tập kết phân loại hải sản có mái che do Công ty BOT quản lý sử dụng không đúng mục đích quy hoạch, sử dụng sai công năng, xây tường gạch ngăn lô, xây nhà vệ sinh, cho người cư trú, xả nước thải ra đường, không xây bể lắng nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống nước thải chung.

Mặt khác, thiết kế quy hoạch Cảng cá La Gi hiện nay quá tải, so với sự phát triển của ngành khai thác thủy sản, lượng tàu thuyền lớn, ô tô tải đông lạnh ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, cảng cá bị bồi lấp nghiêm trọng khiến tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Do hạ tầng không đảm bảo, tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp - PTNT đưa Cảng cá La Gi ra khỏi danh sách cảng cá đã được chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác vào tháng 4/2020.

Chỉ khi nào đủ điều kiện mới đề xuất bổ sung đưa vào lại, để xác nhận nguồn gốc thủy sản. Về hạ tầng, tỉnh có 1 dự án riêng, đang triển khai mở rộng, nâng cấp Cảng cá La Gi, dự kiến giai đoạn 2020 - 2021.

Đối với một số hạng mục xuống cấp, Sở đang đề xuất, bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của La Gi, số  tàu thuyền công suất lớn của thị xã chiếm gần 30% tổng số tàu thuyền của tỉnh, sản lượng khai thác bình quân đạt trên 55.000 tấn/năm.

Do đó, việc sớm đầu tư lại cảng cá nhằm đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao giá trị gia tang, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, là việc làm cần thiết. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.                           

Quảng Ngãi: Khẩn trương bồi hoàn đa dạng sinh học cho biển

Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa đề xuất chương trình bảo tồn gen các loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa tại huyện Lý Sơn. Đây là giải pháp nhằm cứu những sinh vật biển đang dần biến mất, trước sự khai thác quá mức của con người.

 

qn-36.jpg
 Khai thác quá mức hải sản ven bờ, khiến nhiều sinh vật biển đặc trưng của Lý Sơn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

 

Trai tai tượng, nằm trong danh mục các loài quý hiếm, phân bố hẹp và không phải là đối tượng khai thác, nhưng hiện được bán ở các cửa hàng ẩm thực tại huyện đảo Lý Sơn.

“Tôi khá bất ngờ khi trai tai tượng được nhiều nhà hàng, quán ăn tại Lý Sơn bày bán với giá chỉ từ 100 - 120 nghìn đồng/kg”, du khách Nguyễn Cao cho biết. 

Theo ngư dân địa phương, trai tai tượng là sinh vật biển đặc trưng của Lý Sơn, thường sống bám vào các bờ đá, hoặc rạn san hô. Khoảng 10 năm trước, chỉ cần ra cách bờ chưa đầy 1 hải lý, là ngư dân có thể bắt được từ 2 - 3kg trai tai tượng, nhưng 3 năm trở lại đây, số lượng trai tai tượng không còn nhiều.

Không chỉ riêng trai tai tượng, mà cua dẹp - một loài sinh vật biển đặc trưng tại đảo Lý Sơn, từ chỗ nhiều vô kể, và có giá chỉ vài chục nghìn đồng một ký, thì đến nay, giá cua dẹp đã tăng từ 7 - 10 lần so với cách đây 5 năm, hiện ở mức 700 - 800 nghìn đồng/kg.

Giá cua ngày càng đắt đỏ, khiến loài sinh vật biển bản địa này đứng trước nguy cơ cạn kiệt, vì bị săn lùng ráo riết.

Trước thực trạng này, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã đề xuất chương trình bảo tồn gen loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa cấp tỉnh tại huyện đảo Lý Sơn.

Theo Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Huỳnh Ngọc Dũng, 5 loài mà BQL đề xuất bảo tồn (hải sâm, bào ngư, tôm hùm đá nhiệt đới, trai tai tượng và rong biển đỏ) đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác hàng loạt trong những năm gần đây.

Việc bảo tồn sẽ được thực hiện bằng phương pháp bảo tồn tại chỗ, ứng dụng tạo giống và nuôi thành phẩm giúp lưu giữ lại nguồn gen quý hiếm, góp phần phát triển nguồn gen phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, việc điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển, khai thác bền vững cua dẹp tại huyện đảo Lý Sơn cũng đang được địa phương tích cực triển khai.

Hiện, địa phương đang tiến hành điều tra, xác định khu vực sinh sống chủ yếu của cua dẹp tại Lý Sơn, để thực hiện cắm mốc, bảo vệ môi trường sống tự nhiên cho cua dẹp.

Đây được xem là giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi cua dẹp đang bị người dân địa phương khai thác theo kiểu tận diệt trong thời gian gần đây và có xu hướng tuyệt chủng.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top