Tàu cá của ngư dân Quỳnh Lưu đã cập cảng, thu hàng trăm triệu đồng/chuyến biển, trong những ngày vừa qua.
Với giá bán 150.000 nghìn đồng/kg cá thu, tàu cá về cập cảng Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) thu hàng trăm triệu đồng/chuyến biển.
Thương lái thu mua cá tại cảng Quỳnh Phương.
Tàu vỏ sắt NA 99399 TS, của anh Nguyễn Văn Phương, vừa trở về sau chuyến đánh bắt tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Chuyến tàu của anh khai thác được gần 4 tấn cá các loại, trong đó, riêng cá thu được hơn 3 tấn.
Dịp này, do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực gặp khó, nên giá cá giảm 20 - 30.000 đồng/kg.
Hiện, cá thu bán tại cảng loại 1, có giá 150.000 đồng/kg, cá loại 2 có giá 135.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chi phí xăng dầu cũng giảm, nên các tàu thuyền vẫn có lãi. Chuyến biển này, tàu của anh Phương thu trên 400 triệu đồng.
Cùng chung niềm vui được mùa cá thu, các tàu công suất lớn, khai thác xa bờ khác cũng trúng từ 2- 3 tấn cá thu/chuyến. Cá thu được đánh bắt xa bờ khoảng 60-80 hải lý. Mỗi con nặng từ 3,5 trở lên, có con năng đến hơn chục kg.
Do cảng cá Quỳnh Phương có vị trí neo đậu tàu thuyền thuận lợi, và giá cá nhập ở Nghệ An cũng cao hơn một số nơi khác, nên nhiều tàu thuyền của Nam Định, Thanh Hóa cũng ghé để xuất bán. Bình quân mỗi ngày có hàng chục tấn cá thu được bán tại cảng cá Quỳnh Phương.
Cá thu có giá trị kinh tế cao, khi đánh bắt về, được thương lái và các chủ đại lý thu mua ngay, tại cảng cá Quỳnh Phương. Sau đó đem đi bán lẻ tại các chợ trên địa bàn tỉnh, và nhập cho xe đông lạnh, mang đi tiêu thụ các tỉnh lân cận.
Đây là những chuyến tàu trúng cá thu lớn nhất đầu năm đến nay ở Nghệ An.
Khánh Hoà: Nâng cao năng lực khai thác cảng Ba Ngòi
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh cho biết, hiện, đơn vị đang quản lý, khai thác 2 cầu cảng. Cụ thể, cầu số 1 được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1991, được nâng cấp mở rộng năm 2006.
Một góc cảng Ba Ngòi
Cầu cảng này có chiều dài 182m, rộng 20m, tiếp nhận tàu tổng hợp đến 30.000DWT phía ngoài, và tàu tổng hợp đến 5.000DWT phía trong. Cầu cảng số 2, được xây dựng năm 2012, có chiều dài 180m, chiều rộng 30m, tiếp nhận tàu tổng hợp đến 50.000DWT (bao gồm cả tàu container có kích thước tương đương) phía ngoài và tàu tổng hợp đến 3.000DWT phía trong.
Cả cầu cảng số 1 và 2 sử dụng chung 1 cầu dẫn, có chiều dài 80m, chiều rộng 15m, chưa đáp ứng hoạt động khai thác, đồng thời, gây tắc nghẽn hoạt động vận tải hàng hóa từ cầu cảng vào kho bãi, và ngược lại; tiềm ẩn nguy cơ phải dừng hoạt động khai thác cảng, khi có sự cố xảy ra trên cầu dẫn, hoặc khi cầu dẫn phải sửa chữa bảo trì.
Hiện, sản lượng hàng hóa, đội tàu thông qua cảng Ba Ngòi tăng trưởng mạnh. Năm 2019, cảng tiếp nhận 305 lượt tàu, với sản lượng hàng hóa đạt gần 3 triệu tấn, vượt công suất thiết kế.
Dự kiến năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng sẽ vượt 3 triệu tấn; đến năm 2030 đạt 7,1 đến 7,5 triệu tấn.
“Để đạt được sản lượng hàng hóa thông qua cảng nói trên, doanh nghiệp đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thiếu: 2 cầu cảng, với 4 bến tiếp nhận cỡ tàu từ 3.000 - 50.000DWT, nhưng chỉ có 1 cầu dẫn, có thời điểm, ách tắc giao thông khi giải phóng hàng hóa, kéo dài thời gian giải phóng tàu.
Cùng với đó, trụ neo phía hạ lưu chưa được xây dựng, nên việc bố trí, sắp xếp tàu neo đậu gặp khó khăn, đặc biệt, khi có cùng lúc 2 tàu trọng tải lớn neo đậu phía ngoài.
Trong khi cỡ tàu đến 7.000DWT, chiếm tỷ trọng tương đối lớn, trong đội tàu đến cảng, nhưng các bến phía trong, chỉ tiếp nhận được tàu đến 5.000DWT, nên cảng phải bố trí neo đậu phía ngoài, tại các bến 30.000DWT hoặc 50.000DWT, làm hạn chế khả năng khai thác của các bến này.
Bên cạnh đó, một số khách hàng lớn của cảng (doanh nghiệp làm dăm gỗ, cát, đá xuất khẩu…) điều chỉnh cỡ tàu khai thác đến 70.000DWT để giảm chi phí vận tải”, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.
Được biết, năm 2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt Quyết định về năng lực hàng hóa, thông qua cảng đến năm 2020, đạt 3,4 - 3,8 triệu tấn/năm, đến năm 2030 đạt 7 - 7,5 triệu tấn/năm. Với quyết định này, nếu các khó khăn, thách thức nêu trên không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để tạo điều kiện cho cảng phát triển, Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh đã có văn bản, đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, chấp thuận cho phép đầu tư, nâng cao năng lực khai thác cầu cảng Ba Ngòi.
Cụ thể, sẽ xây dựng mới 1 cầu dẫn, đường dẫn, 1 trụ neo phía hạ lưu; nạo vét, hoàn thiện khu nước đậu tàu, và thay thế một số đệm va, bích neo, để cầu cảng số 1, tiếp nhận tàu đến 50.000DWT, giảm tải phía ngoài.
Cầu cảng số 2, tiếp nhận tàu đến 70.000DWT giảm tải, tàu khách đến 70.000GRT phía ngoài, tàu 7.000DWT phía trong. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58 tỷ đồng, từ nguồn vốn của cảng, và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam, trong thời gian chờ phê duyệt, cho phép công ty được khai thác thử nghiệm, tiếp nhận tàu trọng tải 58.000DWT, giảm tải tại cầu cảng số 2, làm cơ sở để đánh giá, hoàn thiện giải pháp đầu tư, cải tạo, nâng cấp cầu cảng.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản của UBND tỉnh, về chủ trương đầu tư, nâng cao năng lực khai thác cầu cảng Ba Ngòi.
UBND tỉnh giao sở chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu văn bản UBND tỉnh, có ý kiến với Bộ GTVT về việc này.
Hiện, sở đã gửi văn bản cho các sở, ngành, địa phương.
Quảng Ngãi: Khó hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Theo quy định, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) phải hoàn thành trước 1.7.2019, đối với tàu cá từ 24m trở lên (nhóm 1), và trước 1.4.2020, đối với tàu từ 15m - dưới 24m (nhóm 2).
Cán bộ thuỷ sản, kiểm tra công tác lắp đạt thiết bị GSHT hành trình tàu cá trên biển
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng việc lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, rất khó hoàn thành.
Quảng Ngãi là một trong những địa phương, có số tàu cá lớn của cả nước, trên 5.600 chiếc. Trong đó, tàu có chiều dài 15m trở lên, buộc phải lắp đặt thiết bị GSHT là 3.338 chiếc.
Song, đến thời điểm này, chỉ có khoảng 70 tàu cá nhóm 1, và 1.000 tàu cá nhóm 2, đã lắp đặt thiết bị GSHT.
Số tàu hành nghề lưới kéo rất lớn, 1.454 chiếc (trong đó có 112 tàu có chiều dài trên 24m), nhưng phần lớn là những tàu “3 không”: Không lắp VMS; không giấy phép khai thác thủy sản; không thực hiện đánh dấu tàu cá.
Hơn nữa, các tàu này đều khai thác hải sản sai ngư trường, nên chủ tàu cố tình không lắp đặt thiết bị GSHT, vì sợ bị lực lượng chức năng phát hiện sai phạm”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương lý giải.
Khó khăn hiện nay là nhiều ngư dân còn đắn đo, cân nhắc trong việc lựa chọn thiết bị GSHT để lắp đặt. Hiện chỉ có hai loại thiết bị GSHT của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (Vishipel), được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) công nhận để cung cấp, và lắp đặt cho tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, chi phí lắp đặt và sử dụng hai thiết bị trên, chênh lệch nhau khá lớn, nên ngư dân còn băn khoăn.
“Thiết bị GSHT của hai đơn vị trên chênh nhau khoảng 5 - 6 triệu đồng. Hơn nữa, ngoài chi phí mua máy và lắp đặt, phí duy trì hoạt động cũng như sử dụng các tiện ích của thiết bị cũng khá cao”, ngư dân Nguyễn Thanh Nam, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.
Việc lắp đặt thiết bị GSHT mang lại nhiều tiện ích cho ngư dân. Bởi ngoài chức năng tự động báo cáo vị trí, với tần suất 2- 3 giờ/lần về Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá; kết nối, đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát, lắp đặt, tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá... thiết bị GSHT còn giúp chủ tàu theo dõi, giám sát từ xa, hoạt động của tàu cá (qua điện thoại thông minh).
Thiết bị của VNPT còn có thêm tiện ích về hỗ trợ thông tin, dự báo thời tiết, gửi báo động cấp cứu, thông báo vị trí tàu gặp sự cố, hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển...
Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Quảng Ngãi, Nguyễn Anh Tuấn cam kết: "Chúng tôi sẽ lắp đặt cho ngư dân đúng loại thiết bị GSHT đã được Tổng cục Thủy sản cho phép; hỗ trợ công tác lắp đặt và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng, vận hành, quản lý thiết bị; cũng như khắc phục, sửa chữa miễn phí lỗi thiết bị trong thời gian bảo hành 12 tháng”.
Song, ngư dân vẫn còn băn khoăn về chất lượng các dịch vụ tiện ích, được tích hợp trên các thiết bị GSHT. Không những thế, chi phí sử dụng và duy trì các tiện ích của thiết bị GSHT khá cao, nên dù ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, đã và đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, nhưng vẫn chưa có nhiều ngư dân lắp đặt, dù thời hạn sắp hết.
Hiện, để có biện pháp mạnh, Sở NN và PTNN đã chỉ đạo các đơn vị, tập trung kiểm tra, và sau ngày 1.4 sẽ xử phạt nghiêm, những chủ tàu không lắp đặt thiết bị GSHT. Chi cục Thuỷ sản tỉnh kiên quyết không cấp mới; không gia hạn giấy phép khai thác.
Mặt khác, Sở Nông nghiệp cũng tham mưu Tỉnh, gửi văn bản đến 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước, kiên quyết không cho tàu cá Quảng Ngãi cập bến và xuất bến, nếu không có thiết bị GSHT và giấy tờ liên quan.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.