Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 6 năm 2020 | 7:43

Tin Ngư nghiệp: Tàu cá Nghệ An hư hỏng nặng do va vào bãi đá

Va vào bãi đá, tàu cá hư hỏng nặng; ngư dân chưa mặn mà ứng dụng công nghệ mới; tiêu thụ cá tra nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản là tin tuần qua.

Tàu cá của ngư dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị nạn tại biển Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu từ hôm 5/6.

 

tau-66-21.jpg

Ngư dân cùng lực lượng chức năng đã nỗ lực cứu trợ con tàu. Ảnh: Văn Xuân

 

Tuy nhiên, đến sáng 7/6 do bị hư hỏng quá nặng, con tàu không thể cứu trợ được.

Tàu cá mang BKS NA 980.38 TS của gia đình anh Nguyễn Văn Xuân, trú tại xóm Tây Lộc, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), đang trên đường đánh bắt trở về thì gặp sóng to, tàu bị đánh dạt vào bãi đá ngầm Hòn Chó, thuộc biển Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu hôm 5/6.

Cú đâm mạnh khiến tàu bị thủng nhiều vị trí, nước và cát tràn vào thân tàu, khiến con tàu  bị "chôn chân" tại bãi đá. Toàn bộ hải sản đánh bắt được bị nước biển cuốn trôi.

Ngay khi gặp nạn, chủ tàu huy động người nhà, cùng với người dân bản địa ra ứng cứu, đồng thời liên hệ với UBND huyện Diễn Châu, Đồn Biên phòng Diễn Thành để có phương án cứu trợ.

Thiếu tá Nguyễn Lương Dũng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Diễn Thành cho biết: "Ngay sau khi nhận được tin, chúng tôi lập tức liên hệ với Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận để phối hợp, nghiên cứu các phương án để cứu trợ tàu, cũng như động viên chủ tàu.

 

Tuy nhiên, do sóng lớn, lực va đập mạnh, nước và cát tràn vào quá nhanh, do đó việc cứu trợ rất khó khăn...".

Đến sáng 7/6, con tàu không thể đưa vào bờ được, do bị hư hỏng quá nặng. Được biết, con tàu giờ chỉ cứu được một phần máy móc, còn lại toàn bộ các bộ phận xác định phải bỏ đi.

Chị Liên - vợ của chủ tàu Nguyễn Văn Xuân buồn bã cho biết: "Chúng tôi mới vay mượn ngân hàng, người thân mua được con tàu này, với giá trên 200 triệu đồng, vừa qua, gia đình tu sửa hết 80 triệu đồng.

Tuy nhiên, mới ra khơi trở lại thì gặp nạn, giờ vợ chồng không biết trông cậy vào đâu, vì toàn bộ vốn liếng, gia sản đổ hết vào con tàu mất rồi...".

Qua trao đổi, lãnh đạo UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Thời gian qua, tàu thuyền của địa phương liên tục bị gặp nạn, ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của bà con ngư dân.

Đối với gia đình anh Xuân, chị Liên - chủ tàu bị nạn tại Quỳnh Thuận, chúng tôi sẽ có đơn kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền, để xin hỗ trợ cho ngư dân. 

Quảng Ngãi: Ngư dân chưa mặn mà khi ưng dụng công nghệ mới  

Không chỉ nâng cao hiệu quả khai thác, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất và bảo quản sau thu hoạch còn giúp ngư dân tăng giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch nghề cá nhân dân sang hiện đại, phát triển bền vững.

 

q-n-33.jpg

Hầm bảo quản công nghệ PU giúp tiết kiệm 15%, tăng 20% giá trị sản phẩm, nhưng chi phí quá cao, ngư dân chưa đầu tư.

 

“Sử dụng công nghệ lưới chụp 4 tăng gông - hệ thống thu lưới bằng máy móc, không chỉ đảm bảo an toàn, mà còn tăng năng suất và hiệu quả nghề chụp mực”, ngư dân Mai Tiến, chủ tàu chụp mực công suất 727CV, ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho biết.

Thay vì “mỗi người một thúng” lênh đênh giữa biển khơi để câu mực như trước, với công nghệ lưới chụp 4 tăng gông, sau khi chong đèn xác định vị trí luồng mực, thuyền trưởng bật 4 tăng gông để bung lưới ra 4 phía, đèn tắt dần, lao động trên tàu rút đáy lưới dồn mực vào túi, rồi kéo lên.

Vì vậy, thời gian mỗi chuyến biển được rút ngắn từ 3 - 4 tháng, xuống còn 1,5 - 2 tháng, giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu và lao động, cũng như tạo tiền đề, để chuyển dịch nghề câu mực khơi trên thuyền thúng, sang chụp mực. 

Trong khi đó, việc chuyển giao và khuyến khích ngư dân dùng máy dò cá Sonar, đèn led, cũng là một trong những “điểm sáng” trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Thiết bị Sonar phù hợp với nghề lưới vây, giúp ngư dân phát hiện đàn cá từ xa, rồi dùng ánh sáng để thu hút, trước khi tổ chức đánh bắt.

“Sử dụng máy dò cá Sonar, kết hợp đèn led giúp tiết kiệm trên 15% chi phí, tăng 20 - 25% giá trị sản phẩm mỗi chuyến biển”, ngư dân Nguyễn Thanh Nam, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) chia sẻ.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với ngư dân tổ chức thực hiện, và chuyển giao một số công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản sản phẩm như: Rađa hàng hải, máy định vị, máy định dạng để dò tìm và đánh dấu tọa độ luồng cá; hầm bảo quản sản phẩm ứng dụng công nghệ PU... bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Dù vậy, chưa có nhiều ngư dân mạnh dạn ứng dụng máy móc, công nghệ và thiết bị vào khai thác, bảo quản hải sản, vì chi phí đầu tư quá lớn.

Cụ thể, rađa hàng hải hay hầm bảo quản sản phẩm ứng dụng công nghệ PU, những thiết bị hữu ích, vừa đảm bảo an toàn cho ngư dân, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, nhưng với kinh phí từ 80 - 100 triệu đồng, nên rất ít chủ tàu đầu tư lắp đặt.

Hay dự án Hỗ trợ trang bị hệ thống làm lạnh và đèn led cho tàu hành nghề chụp mực có nguy cơ “chết yểu”. Nguyên nhân là tổng chi phí lắp đặt toàn bộ hệ thống lên đến 700 triệu đồng, nên dù được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ 50% kinh phí, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có ngư dân nào tham gia.

“Tham gia dự án, ngư dân phải có vốn đối ứng 350 triệu đồng, nên rất khó. Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất vay đầu tư các trang thiết bị và đóng mới tàu thu mua chế biến hải sản, nhưng ngư dân không tiếp cận được, vì ngân hàng... ngại”, Phó trưởng phòng Kỹ thuật ngư nghiệp (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) Phan Thị Thu Hà lý giải.

Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngành chức năng sớm có giải pháp giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, để có cơ hội ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giúp cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong công tác quản lý, giám sát.

Qua đó thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, tiến tới gỡ “thẻ vàng” thủy sản trong thời gian sớm nhất.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra

Theo Tổng Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm sút, do tác động kép của đại dịch cúm Covid-19 và hạn hán xâm nhập mặn.

 

ca-tra-191.jpg

Cá tra đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

 

Cùng với đó, sự phụ thuộc vào xuất khẩu, đã khiến ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn, khi các đơn hàng bị đối tác hủy, hoặc hoãn giao hàng do lệnh giãn cách xã hội ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra ở các thị trường EU, ASEAN, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đều sụt giảm. 

Trước tình hình này, từ ngày 9-12/6/2020 tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, và một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức sự kiện “Kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” trong khuôn khổ Phiên chợ các sản phẩm thủy sản năm 2020.

Các doanh nghiệp sẽ trưng bày và giới thiệu sản phẩm cá tra bên lề sự kiện “Kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” vào chiều ngày 9/6. 

Theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản: “Cá tra là sản phẩm thuỷ sản chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu đi hơn 120 nước trên thế giới với gần 100 sản phẩm.

Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước lại chưa có nhiều cơ hội thưởng thức các món ăn được chế  biến từ cá tra.

Khó khăn từ đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để cơ cấu lại thị trường trong nước - xuất khẩu, với các sản phẩm cá tra nói riêng, và sản phẩm thuỷ sản nói chung.

Sự kiện “Kết nối sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra” cũng là dịp để kết nối các doanh nghiệp sản xuất, với các tập đoàn phân phối, tiêu thụ sản phẩm, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và phát triển bền vững ngành hàng cá tra”.

Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,81 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp – PTNT, riêng trong tháng 5, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 582 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng lên 2,81 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

kh-39.jpg

 

Trong đó, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của nước ta.

Số liệu 4 tháng đầu năm cho thấy, Nhật Bản đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu với 434,39 triệu USD, chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, tăng hơn 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo, do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, vậy nên thời gian tới xuất khẩu thủy sản vẫn khó hồi phục. Quý II, kim ngạch xuất khẩu có thể giảm 5%, so với cùng kỳ năm ngoái, sau đó dần phục hồi vào quý III và quý IV.

Tuy nhiên, năm nay, dự báo xuất khẩu thủy sản chỉ đạt  xấp xỉ 8,3 tỷ USD, giảm khoảng 3,8% so với năm 2019.

Về nhập khẩu, trong tháng 5, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản ước đạt 142 triệu USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm lên 691 triệu USD, giảm hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top