Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 10 năm 2020 | 13:56

Tin NN 24/7: Lúa vụ 3 được mùa, cá tra gặp khó

Tỉnh Hậu Giang đang tất bật thu hoạch lúa Thu đông đầu vụ trong tâm trạng phấn khởi, vì năng suất và giá bán ở mức hấp dẫn. Còn người nuôi cá ĐBSCL lại đổ nợ vì khó tiêu thụ do dịch Covid-19.

Vụ lúa thứ 3 trong năm người dân Hậu Giang được mùa được giá

Hiện, nông dân tỉnh Hậu Giang đang tất bật thu hoạch lúa Thu đông đầu vụ trong tâm trạng phấn khởi, vì năng suất và giá bán ở mức hấp dẫn. Sau vụ Đông xuân và Hè thu, đây là vụ lúa thứ 3 trong năm, nông dân ở địa phương lại trúng mùa, được giá.

 

lua.jpg

Nông dân Hậu Giang bắt đầu thu hoạch lúa Thu đông trong niềm vui trúng mùa, được giá.

 

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch gần 6.000 ha lúa Thu đông trong tổng số diện tích đã xuống giống hơn 40.500 ha. Qua nhận định của người dân, vụ lúa Thu đông năm nay gặp thời tiết thuận lợi khi có nắng, mưa xen kẽ, vào giai đoạn lúa trổ bông cũng gặp ngay thời điểm trời nắng liên tục nên hạt lúa chắc nhiều.

Ngoài ra, nhờ người dân chăm sóc kỹ nên tình hình dịch hại trên cây lúa xuất hiện ít, từ đó chi phí đầu tư thấp và năng suất lúa đạt cao hơn so với cùng kỳ. Năng suất vụ lúa này bình quân đạt gần 6 tấn/ha, tăng hơn 0,4 tấn /ha so với cùng kỳ.

Bên cạnh năng suất, giá lúa hiện nay cũng ở mức cao. Hiện thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng với giá từ 5.400-5.600 đồng/kg đối với giống lúa OM 5451, giống lúa ST 24 và ST 25 dao động từ 6.800-7.000 đồng/kg… so với cùng kỳ giá lúa tăng từ 600 đồng/kg đến gần 1.000 đồng/kg, tùy giống lúa. Sau khi trừ chi phí, nông dân có được nguồn lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/ha.

Anh Trần Út Hóa ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy cho biết: “Tôi trồng giống OM 5451, năng suất đạt hơn vụ rồi, giá 5.400 đồng/kg cũng có giá hơn vụ rồi. Tính ra trừ chi phí hết, một công mình lời khoảng 2 triệu mấy, vừa cắt lúa là thương lái đến tận ruộng mua luôn. Ba vụ lúa, vụ nào cũng lời, giá cao”.

Bạc Liêu được mùa lúa

Ông Trần Văn Na - Chi Cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu cho biết, vụ lúa Hè Thu trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch gần dứt điểm. Đây là vụ lúa mang lại nhiều niềm vui cho nông dân trong tỉnh bởi vừa trúng mùa, lại vừa được giá.

Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã thu hoạch gần dứt điểm hơn 58.000 ha lúa Hè Thu. Vụ này, lúa phát triển tốt, bà con giảm được chi phí sản xuất và năng suất bình quân đạt hơn 6,3 tấn/ha, nên được đánh giá là một trong những vụ lúa Hè Thu trúng mùa nhất từ trước đến nay.

Có được điều này là nhờ ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, lên khung lịch thời vụ xuống giống cụ thể cho từng vùng, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và các địa phương thường xuyên phối hợp cùng nông dân chăm sóc, quản lý và phòng trừ dịch hại trên lúa ở các giai đoạn sinh trưởng.

Không chỉ trúng mùa, nông dân Bạc Liêu còn bán lúa được giá cao. Hiện Việt Nam có nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo càng thúc đẩy, kích thích thị trường kinh doanh, mua bán lúa gạo trong nước sôi động. Trong khi nông dân nhiều tỉnh, thành trong vùng đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè Thu và không còn lúa để bán, thì nông dân ở tỉnh Bạc Liêu mới thu hoạch vụ lúa này.

Hiện nay, khi bà con thu hoạch đến đâu là có thương lái vào tận ruộng mua lúa tươi đến đó, không có trường hợp lúa bị tồn đọng như các vụ Hè thu trước. Với giá lúa được thương lái cân tại ruộng từ 5.400- 7.000 đồng/kg, tùy giống lúa, sau khi trừ chi phí, nông dân có lợi nhuận từ 20-35 triệu đồng/ha.

Cá tra “đổ đống” bán bên lề đường, người nuôi đổ nợ

Với giá cá tra thấp trong gần 2 năm qua, tiêu thụ càng gặp khó khăn thời gian gần đây do xuất khẩu gặp khó bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người nuôi cá tại ĐBSCL phải bày bán cá tra ven các lề đường ngay tại thủ phủ cá tra.

 

ca-tra.jpg
Một điểm bán cá tra bên đường trên quốc lộ 61C (đường nối dài Vị Thanh - Cần Thơ) - Ảnh: CHÍ CÔNG
 

Bày 2 mâm cá tra dưới dốc cầu Ba Láng (quận Cái Răng, Cần Thơ), anh Trần Văn Ngoan - đến từ huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) - cho biết do không có thương lái nào đến hỏi mua, trong khi cá nuôi đã quá tháng nên gia đình anh buộc phải đem cá ra lề đường bán. 

"Dù giá cá bán lẻ lên tới 30.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá bán cho thương lái nhưng tui hổng mấy vui" - anh Ngoan cho biết.

Theo anh Ngoan, sản lượng cá tra thương phẩm của gia đình anh lên tới 50 tấn, đã quá lứa nhưng không thương lái nào đến hỏi mua hoặc mua với giá rất thấp, tính ra bị lỗ nặng nên gia đình anh mới quyết định đưa cá ra bán ở lề đường. Ngoài điểm bán do chính anh đứng trông, gia đình anh còn mở 3 điểm bán lề đường khác.

Dọc quốc lộ 91 từ xã Vĩnh Thạnh Trung đến thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú, An Giang) cũng xuất hiện một số điểm bán cá tra ven đường. Chị Hiền - một người đứng bán cá trên tuyến quốc lộ 91 - cho biết đã đưa cá tra ra bán lề đường hơn một tháng nay, mỗi ngày bán 50 - 100kg. "Bán ở dọc lề đường được nhiều hơn ở chợ, hôm bán được ít cũng khoảng 50kg, còn ngày nào tiêu thụ tốt cũng bán được cả trăm ký" - chị Hiền cho biết.

Ông Phan Thanh Phong (xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết gia đình ông cũng điêu đứng do hơn 40 tấn cá trong ao nuôi đã quá lứa bán nhưng thương lái vẫn biệt tăm, trong khi giá cá có thời điểm thấp hơn 19.000 đồng/kg. 

"Với mức giá này, gia đình tui bị lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Tui buộc phải đem ra chợ bán với giá cao hơn chút đỉnh nhưng một ngày cũng chỉ kéo 2-3 tấn cá. Mà kéo riết cá đừ nên bỏ ăn và mất ký, tui cũng bị lỗ nặng" - ông Phong chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Tuấn - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, diện tích ao nuôi cá tra tại địa phương này có thời điểm lên tới 50 - 55ha nhưng hiện chỉ còn khoảng 12ha, nhiều người đóng ao nuôi hoặc bán đất trả nợ vì giá cá tra quá thấp, càng nuôi càng lỗ và ôm nợ. 

"Với những hộ nuôi cá tra còn đất sản xuất, chúng tôi tìm giải pháp hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trồng mít, chanh không hạt hoặc nuôi các loại cá khác... để ổn định cuộc sống" - ông Tuấn cho biết.

Người dân “thủ phủ cá bổi” Cà Mau gặp khó vì giá giảm

Cá bổi (sặc rằn) - một trong những đặc sản có tiếng của Cà Mau - đang giảm giá mạnh khiến người nuôi rất lo lắng.

 

ca-boi.jpg

Những hộ thả nuôi cá bổi sớm ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau hiện đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, giá cá loại 8 con/kg chỉ khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ khoảng 15.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi hòa vốn, thậm chí những hộ bị hao hụt nhiều sẽ bị thua lỗ.

Anh Trần Văn Vẽ (ở thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) cho biết, tình hình nuôi cá bổi năm nay không thuận lợi. Mùa hạn kéo dài và gay gắt ngay thời điểm cá còn nhỏ nên dễ bị bệnh và chậm lớn. Do có kinh nghiệm nuôi nhiều năm, bà con vẫn đảm bảo vụ mùa thành công nhưng chi phí có phần cao hơn các năm trước. Trong khi, giá cá bổi thương phẩm lại đang duy trì thấp nên người dân không khỏi lo lắng.

Theo người dân địa phương, nguyên nhân giá cá bổi thấp một phần là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ giảm. Ngoài ra, nguồn cá bổi từ các tỉnh khác đưa về có giá thấp hơn đã kéo giá cá tại địa phương xuống. Trước thực trạng giá cá duy trì thấp, đa số người nuôi cá bổi Cà Mau chưa thu hoạch mà lựa chọn nuôi cầm chừng chờ đợt kích cầu từ thị trường dịp Tết Nguyên đán.

“Giá cả năm nay đầu mùa giờ xuống giá. Để xem đến cuối năm giá cao không, chứ so với cùng kỳ năm trước thì đang thấp” - ông Nguyễn Việt Thắng, người dân nuôi cá bổi ở thị trấn Trần Văn Thời chia sẻ.

Cá bổi là một loại cá đồng phổ biến ở Cà Mau. Khoảng 10 năm trước đây, loại cá này bắt đầu được người dân thả nuôi thâm canh. Diện tích nuôi tập trung chủ yếu tại huyện Trần Văn Thời. Vào năm 2011, Cục Sở hữu Trí tuệ  (Bộ Khoa học – Công nghệ) đã công nhận sản phẩm “Cá khô bổi U Minh” là nhãn hiệu tập thể của người dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Ngành cá hồi được dự báo phục hồi nhanh

Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn nguồn tin từ undercurrentnews cho biết, giá cá hồi và tôm dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới bởi nhu cầu tăng kết hợp với tăng trưởng sản lượng chậm hơn, tuy nhiên ngành cá hồi sẽ phục hồi nhanh hơn. 

 

ca-hoi.jpg

Trên đây là nhận định được đưa ra bởi nhà phân tích Gorjan Nikolik của Rabobank. Ông Nikolik lưu ý rằng, giá cá hồi có thể sẽ được đẩy lên vào cuối năm nay và năm sau do nguồn cung của Chile thắt chặt hơn, dự kiến ​​sẽ giảm 8% so với cùng kỳ vào năm 2021 và tiêu thụ phục hồi dần trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm. Ngành cá hồi châu Âu là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch. Giá cá tăng cao sẽ thúc đẩy ngành này phát triển nhanh hơn và phục hồi sớm.

Nhà phân tích Nikolik đồng thời cho rằng giá cá hồi tăng sẽ cao hơn và diễn ra lâu hơn mức dự kiến ​​trên thị trường tôm, vì chu kỳ sản xuất cá hồi diễn ra nhanh hơn nhiều và các nhà sản xuất có thể nhanh chóng tăng sản lượng nếu giá tăng.

Một báo cáo được công bố hồi cuối tháng 8/2020 bởi Pareto, Fish Pool cũng dự đoán giá cá hồi sẽ tiếp tục giảm ở châu Âu trong 6 tháng cuối năm 2020, nhưng triển vọng giá lại đầy hứa hẹn cho năm 2021 và 2022.

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top