Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2019 | 15:54

Tin NN: Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang EU

EU là một thị trường rất lớn của rau quả thế giới, nhưng xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU còn rất khiêm tốn. Vì vậy, Việt Nam đang có nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang khu vực này.

rau-qua-sang-trung-quoc-sut-giam-doanh-nghiep-tim-duong-xuat-khau-sang-eu1571911577.jpg
Ảnh minh họa.

 
Theo Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm nay, trong số 10 thị trường đơn lẻ lớn nhất của rau quả Việt Nam, thì chỉ có một đại diện đến từ EU, đó là Hà Lan (đứng thứ 5), với giá trị xuất khẩu 74 triệu USD. So với tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 11 tháng là 3,41 tỷ USD, thì rõ ràng, giá trị xuất khẩu như trên sang Hà Lan là khá khiêm tốn.

Trong khi đó, EU là một thị trường rất lớn của rau quả thế giới. Theo Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của EU (CBI), với dân số hơn 500 triệu người, EU chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu. 5 trong số 10 nước nhập khẩu hàng rau quả hàng đầu thế giới là ở EU.

Trong khoảng 5 năm gần đây, tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU đã tăng nhanh hơn so với lượng nhập khẩu, lần lượt xấp xỉ ở mức 30% và 24%. Nguyên nhân là do EU tăng nhập khẩu trái cây có giá trị cao như bơ, xoài và chanh; định giá cao hơn của đồng đô la Mỹ so với đồng euro; khí hậu khắc nghiệt dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn...

Nguyên nhân chính khiến cho nhập khẩu rau quả, nhất là trái cây của EU tăng mạnh là do sản lượng rau quả ở khu vực này gần như không tăng.

Sản xuất nông nghiệp mặc dù là một ngành cơ bản, nhưng số lượng trang trại rau quả ở EU đang giảm. Nông dân EU lựa chọn sử dụng công nghệ và phát triển giống để tăng năng suất, kéo dài mùa sản xuất, cải thiện chất lượng và đặc tính sản phẩm. Những nỗ lực này khiến chất lượng sản phẩm cao hơn, nhưng sản lượng hầu như không tăng. Do đó, sản lượng trái cây tại EU trong dài hạn có xu hướng giảm nhẹ, góp phần tạo ra nhu cầu nhập khẩu trái cây.

Một điều đáng chú ý là EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển. Các sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và nhiều tiềm năng tại EU gồm: bơ, xoài và khoai lang. Tổng giá trị nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng 38% trong 5 năm lên 18,2 tỷ euro vào năm 2018, lớn hơn đáng kể so với 3,1 tỷ euro nhập khẩu từ các nước phát triển ngoài EU (tăng 20% ​​trong cùng kỳ). Trái cây tươi có tác động cao hơn đến giá trị nhập khẩu so với rau tươi, vì EU tự cung cấp nhiều rau hơn so với trái cây.

EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển vì nhiều loại trái cây nhiệt đới quan trọng phụ thuộc vào các mùa cụ thể hoặc khí hậu nhiệt đới, không thể tìm thấy tại địa phương.

Một điểm nữa cần phải lưu ý là việc nhập khẩu trái cây vào thị trường EU chủ yếu thông qua Hà Lan do Hà Lan được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau quả. Cụ thể, hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho EU thông qua Hà Lan. Trị giá nhập khẩu rau quả tươi của Hà Lan từ các nước đang phát triển đã tăng 55% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018. Từ cảng Rotterdam, điểm nhập cảnh chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến phần còn lại của EU.

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn xuất khẩu rau quả vào EU cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ ở Hà Lan, để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu vào Hà Lan và qua đó vào EU. Bên cạnh đó, Bỉ và Tây Ban Nha cũng là những nước nhập khẩu rau quả nhiệt đới và tái xuất sang những nước khác trong EU.

Theo Bộ Công Thương, để xuất khẩu được rau quả tươi vào thị trường EU doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý: Phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm; tuân thủ xã hội, môi trường và kinh doanh. Doanh nghiệp có thể cập nhật danh sách đầy đủ các yêu cầu pháp lý tại cổng thông tin trợ giúp thương mại của EU (EU Trade Helpdesk).

Xuất khẩu lâm sản cao nhất từ trước đến nay

Năm nay, ngành lâm nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên 5%, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2018.

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết năm 2019, ngành lâm nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên 5%, trong đó kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2018 - mức tăng cao nhất trong lịch sử của ngành.

 

minh_hoa_glkh.jpg
Chế biến các sản phẩm gỗ phục vụ xuất khẩu.

 
Với kim ngạch xuất khẩu như trên, ngành lâm nghiệp sẽ xuất siêu khoảng 8 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 11 tháng năm 2019, cả nước khai thác rừng trồng tập trung đạt 192.000 ha, sản lượng tương ứng hơn 18 triệu m3, tương đương 93% kế hoạch năm 2019, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước cả năm khai thác rừng trồng tập trung đạt 19,5 triệu m3, đạt 100% kế hoạch.

Đóng góp nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ , khai thác gỗ cao su thanh lý 11 tháng đạt 22.000ha với sản lượng khoảng 4,75 triệu m3. Đây được xem là nguồn nguyên liệu lớn, ổn định và đảm bảo về nguồn nguyên liệu hợp pháp, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc.

Trong hai tháng còn lại của năm, các hợp đồng xuất khẩu của 2019 đã hoàn tất. Cùng với số liệu thống kê của nhiều năm, đây cũng là thời điểm có giá trị xuất khẩu lâm sản đạt cao nhất.

Đối với các nước, đây là thời điểm nhập khẩu nhiều sản phẩm nội thất ngoài trời và trong nhà. Đây là những cơ sở để ngành có thể khẳng định năm 2019 kim ngạch xuất khẩu lâm sản có thể đạt 11 tỷ USD.

“Đây là con số rất có ý nghĩa với ngành lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác có liên quan như bảo vệ rừng, trồng rừng, chế biến, phát triển thị trường…,” ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

Việt Nam với tiềm lực sản xuất và kinh nghiệm truyền thống đang dẫn đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 toàn cầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các sản phẩm lâm sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm trên 80% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản .

Cả nước có trên 4.500 doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản; trong đó có trên 1.800 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu. Cùng với các doanh nghiệp trong khối FDI đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ. Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, gỗ, sản phẩm gỗ là nhóm hàng được đánh giá sẽ có lợi thế lớn nhờ CPTPP. Hầu hết các quốc gia trong CPTPP đều cam kết loại bỏ thuế quan đối với gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực. Điều này kỳ vọng sẽ có làn sóng tăng trưởng mới đối với các doanh nghiệp ngành này.

Trong số 10 nước còn lại trong CPTPP, ngành gỗ Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có thị trường mạnh như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore… Những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam cũng đã có quan hệ tốt với Canada, Peru, Chile… Kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các nước này cũng rất lớn.

Rất nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ về bằng 0 sẽ là lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.

“Nhưng thuế với sản phẩm gỗ không quan trọng bằng các thiết bị chế biến gỗ cũng bằng 0. Đây chính là kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ với hiệp định này,” ông Quyền cho biết.

Ngoài ra, với CPTPP dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ được mở ra mạnh hơn. Trước đây, thường các nguồn vốn đến với ngành gỗ từ Trung Quốc nhưng nay Nhật Bản đã bắt đầu tìm đến Việt Nam để đầu tư.

Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi Việt Nam

Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF) vừa có thư gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam
 
Chuyên gia Nhật Bản (giữa) thí nghiệm xử lý xông hơi khử trùng quả vải tươi bằng Methyl Bromide tại Cục Bảo vệ thực vật năm 2019 trước khi chính thức cho phép mở cửa với quả vải thiều tươi Việt Nam.

 

vaithieu-1576635723-8923-1576635910_660x0.jpg
Vải được xuất khẩu sang thị trường Nhật.


Theo Cục Bảo vệ thực vật, quả vải thiều tươi Việt Nam chính thức được phép xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu của phía Nhật Bản.

Quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019. Đây là kết quả của hơn  5 năm nỗ lực đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) và MAFF cùng nhiều thí nghiệm nghiêm ngặt được thực hiện để đảm bảo diệt trừ triệt để các đối tượng kiểm dịch thực vật của Nhật Bản có khả năng đi theo quả vải thiều của Việt Nam.

Các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm: quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở xử lý, khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị, tìm kiếm đối tác nhập khẩu để sớm xuất khẩu lô quả vải thiều tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong vụ vải năm 2020./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top