Kịp thời cứu hộ tàu cá bị chìm ngoài biển, xuất khẩu cá ngừ vào thị trường châu Âu đã tăng mạnh, tổ chức liên kết thu mua cá tốt.
Nghệ An: Cứu hộ thành công thuyền cá bị chìm ngoài biển
Trong khi đang neo đậu ngoài biển để tránh áp thấp nhiệt đới, một thuyền cá của ngư dân xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu bị thủng đáy và bị sóng đánh chìm.
Thuyền cá của anh Nguyễn Văn Thông giảm được tối đa thiệt hại nhờ được cứu hộ kịp thời. Ảnh: V.H
Đó là thuyền cá của ngư dân Ngô Văn Thông (sinh năm 1986) trú tại đê biển thôn Đại Bắc, đang neo tàu cách bờ 500 mét.
Do biển động, gió lớn, thuyền của anh Thông bị sóng xô dạt, va chạm với mũi neo của một thuyền khác nên bị thủng đáy, nước tràn vào bên trong. Không những vậy, sóng to còn đẩy thuyền của anh ra xa cách bờ gần 1 km.
Phát hiện thuyền cá bị chìm, anh Thông kêu gọi người dân ở vùng biển Quỳnh Long đến cứu hộ, kéo tàu lên bờ. Do biển động, công tác cứu hộ thuyền gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, xã Quỳnh Long đã huy động lực lượng dân quân, cùng hàng trăm người dân địa phương, dùng dây thừng cột thuyền để kéo vào bờ.
Sau gần 2 tiếng đồng hồ vật lộn với song biển, đến khoảng 11 giờ cùng ngày, chiếc thuyền đã được đưa vào bờ, dưới đáy thuyền bị thủng 1 lỗ to, với bán kính rộng 20 cm.
Được biết, thuyền cá của anh Ngô Văn Thông có công suất 30 CV, chuyên khai thác gần bờ; mới tân trang lại từ năm 2019, với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.
Anh Thông cho biết, toàn bộ máy móc, ngư cụ bị ngập nước biển nên phải sửa lại. Song, rất may mắn là khi tàu bị sóng đánh chìm, gia đình đã phát hiện và gọi cứu hộ kịp thời, nên hạn chế được thiệt hại.
Khánh Hoà: Xuất khẩu cá ngừ vào châu Âu tăng mạnh
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8, đã mở ra cơ hội xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh trong 2 tháng gần đây.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, tỉnh Khánh Hoà tham quan dây chuyền sản xuất cá ngừ xuất khẩu sang EU của Công ty Hải Vương.
Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế quan, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường này.
Theo ông Rubén Saornil Mínguez - Phó Trưởng Văn phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam vào thị trường châu Âu.
Đối với ngành thủy sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu. Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.
Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn/năm.
Tận dụng cơ hội mở ra từ Hiệp định EVFTA, Công ty TNHH Hải Vương đã tiên phong trong đầu tư, đổi mới công nghệ chế biến, xuất khẩu cá ngừ đạt chuẩn sang thị trường EU.
Theo lãnh đạo Công ty, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị trong 9 tháng năm 2020 đạt 181 triệu USD, trong đó thị trường EU đạt 46,8 triệu USD, bình quân 5,2 triệu USD/tháng.
Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu trong tháng 8 và 9 của công ty sang EU đạt 16 triệu USD, bình quân 8 triệu USD/tháng, tăng 1,5 lần so với bình quân các tháng đầu năm.
Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh đã phát triển khá nhanh trong thời gian qua, cả về số lượng tàu cá, sản lượng khai thác và kim ngạch xuất khẩu, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho hoạt động khai thác xa bờ.
Hiện, toàn tỉnh đã có đội tàu khai thác cá ngừ hơn 550 chiếc, tổng sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt 3.800 tấn cá ngừ vây vàng, mắt to và 24.500 tấn cá ngừ khác.
Trong số 44 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đạt tiêu chuẩn ngành, có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty TNHH Hải Long, Công ty Cổ phần Vịnh Nha Trang…
Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến 64 thị trường trên thế giới, trong đó EU là một trong những thị trường trọng điểm, sản phẩm từ cá ngừ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu cá ngừ của các doanh nghiệp trong tỉnh sang thị trường EU. Thực tế, sản lượng xuất khẩu cá ngừ sang EU đã tăng mạnh trong 2 tháng gần đây, sau khi hiệp định có hiệu lực.
Tuy có nhiều triển vọng trong xuất khẩu thủy sản nói chung, và cá ngừ nói riêng sang thị trường EU, nhưng để được hưởng các ưu đãi về thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng ngư dân cần lưu ý việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng, truy xuất được nguồn gốc.
Đặc biệt là đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường này cũng đòi hỏi cao về trách nhiệm xã hội và môi trường…, nhất là phải khắc phục được cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác IUU.
Theo ông Nguyễn Văn Dư - Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, để tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA trong thời gian tới, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với EU, hỗ trợ tháo gỡ “thẻ vàng” về khai thác IUU, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm hải sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Bộ Công Thương xem xét đề xuất với EU tăng thêm hạn ngạch cho sản phẩm cá ngừ đóng hộp, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường này.
Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tạo điều kiện trong việc kiểm soát nhập khẩu hải sản từ nước ngoài, để chế biến xuất khẩu như: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro; miễn, giảm kiểm mẫu và hồ sơ... để doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu về chế biến, đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa theo EVFTA.
Để xuất khẩu cá ngừ và các sản phẩm thủy sản khác sang EU được thuận lợi và bền vững, tận dụng tối đa lợi thế Hiệp định EVFTA mang lại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, đề nghị: UBND các tỉnh cần hướng dẫn ngư dân, doanh nghiệp khai thác thủy sản bền vững; thực hiện tốt các cam kết về chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật ưu đãi về thuế quan của Hiệp định EVFTA; các quy chuẩn của thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất; tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trách nhiệm xã hội và môi trường…
Đồng thời qua đó, tận dụng các ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, nhất là các sản phẩm cá ngừ vào thị trường EU.
Hơn 150 tàu cá Nha Trang liên kết khai thác, thu mua cá ngừ
Thực hiện Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”, đến nay, Nha Trang đã tổ chức được 3 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản với các tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn tỉnh.
Các tàu cá liên kết thu mua cá ngừ.
Hiện, các chuỗi liên kết đã đi vào hoạt động ổn định, thu hút hơn 150 tàu khai thác cá ngừ tham gia.
Các chuỗi liên kết trong khai thác thu mua, chế biến tiêu thụ cá ngừ đã được tổ chức bài bản; giao dịch của ngư dân và doanh nghiệp được thực hiện minh bạch.
Đáng ghi nhận là, hoạt động các chuỗi liên kết đã giúp công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản được rõ ràng, góp phần vào nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.
Theo đó, ngành Thủy sản tỉnh đang tiếp tục nhân rộng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân trong khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ và nhiều loại thủy sản khác trên vùng biển của tỉnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.